Nơi “anh hò chị hát” năm xưa

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/5/2010 | 3:06:30 PM

YBĐT- Một con đèo nổi tiếng góp phần dệt nên huyền thoại Điện Biên Phủ mà chỉ được ghi danh qua những tấm biển chỉ đường thì quả là không xứng với tầm vóc lịch sử của nó! Chợt nghĩ, nếu ở đoạn bằng phẳng, rộng rãi nơi ngã ba gần đỉnh đèo có một tượng đài hay một tấm biển lớn “trích ngang” lịch sử đèo Lũng Lô để mọi người qua đây nghỉ chân chiêm ngưỡng sẽ thật ý nghĩa biết bao...

Tôi đã từng đi qua đèo Lũng Lô nhưng thật tiếc là đi ô tô trong một đêm mưa phùn, sương mù dày đặc nên chẳng thể nào ngắm được con đèo lịch sử. Bởi vậy, đầu hạ năm nay, càng gần đến ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, càng thấy lòng mình thôi thúc trở lại thăm đèo. Đèo dài quãng 15 cây số, phía xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) lên đỉnh chiếm khoảng 2/3 độ dài, địa hình dốc ngược cao ngất, tầng tầng uốn lượn, cheo leo. Còn lại 1/3 đèo phía tỉnh Sơn La thì đường ngoằn ngoèo, dốc xuôi tồng tộc. Xưa kia đèo đường đất, nhỏ hẹp, chênh vênh hơn nhiều, vậy mà không biết bao đoàn quân, bao nhiêu tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm được “anh hò chị hát” gồng gánh qua đây lên mãi tận chiến trường Điện Biên... Quả là một kỳ tích không dễ gì làm nên!

Mắt thấy tai nghe

Từ trung tâm xã Thượng Bằng La theo quốc lộ 37 khoảng hơn 3 cây số là đến chân đèo. Đứng ở đây, phóng tầm mắt nhìn xuôi thung lũng, thấy bát ngát giữa các làng bản của đồng bào Tày là màu xanh thắm của những nương chè, nương ngô, nương đậu tương và những vườn cây ăn quả. Càng đi lên lưng chừng đèo thì đường càng dốc ngược. Dừng xe, ngước lên thấy ô tô chở khách đi trên cao chỉ cách vài trăm mét. Ấy vậy mà đi đến được chỗ ấy cũng phải vòng vèo chừng 2 cây số. Là tuyến quốc lộ nối từ quốc lộ 32 thuộc địa phận huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái sang huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La nhưng mật độ người, xe qua lại đèo Lũng Lô cũng không nhiều lắm. Tuy vậy, nếu có đi một mình bằng xe máy thì cũng không thấy nản, bởi lưng đèo phía Thượng Bằng La vẫn có lác đác những trang trại của bà con lên đây trồng cây và chăn nuôi gia súc. Còn đi ngược đỉnh đèo, dẫu chỉ có rừng già, vực sâu nhưng sự hùng vĩ của núi non, sự kỳ vĩ của con đường lịch sử cứ cuốn hút ta đi. Gần đỉnh đèo, giờ đây đã được chia làm đôi ngả. Ngả đèo Lũng Lô cũ, do ngoằn ngoèo, có độ dốc cao hơn và đoạn chân đèo thuộc địa phận bản Bau, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên thường bị sạt lở nên dự án cải tạo quốc lộ 32 đã mở nhánh mới cùng đi về trung tâm xã Mường Cơi.

Nếu đi du lịch, ta nên đi theo đường đèo Lũng Lô cũ để hiểu biết thêm về con đèo lịch sử. Cảnh quan rất đẹp, ta có thể vào thăm bản Bau của người Mường, thôn Nghĩa Hưng của người Kinh lên khai hoang rồi lại đến bản Cơi của người Mường. Những bản làng của đồng bào ở đây thật thanh bình, trù phú và cuộc sống có vẻ khá đủ đầy được thể hiện từ những kiến trúc truyền thống và nét tươi vui trên khuôn mặt mỗi người. Điều đặc biệt thú vị là, khi vào thăm các bản làng của người Mường, ta sẽ hiểu thêm về văn hóa Mường, trong đó có văn hóa ẩm thực; được nghe lớp người cao tuổi như cụ Hà Văn Tào, 86 tuổi ở bản Cơi kể chuyện về đèo Lũng Lô những năm tháng hào hùng mà nhiều điều chưa được biết, chưa được thấy trong sách vở, trong phim ảnh và cũng chưa ai nhắc đến.

Ông Hà Văn Tào, dân tộc Mường ở bản Cơi, xã Mường Cơi (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn la) kể chuyện về lịch sử đèo Lũng Lô.

Từng tham gia mở đường trên đèo Lũng Lô, cụ Tào cho biết: khi nằm trong lán ở phía Thượng Bằng La, nhiều dân công người mạn ngoài kháo nhau, vách đá dựng đứng thế này thì có lẽ thông được đường sang Mường Cơi phải mất vài năm. Cán bộ nghe vậy, sợ dân công nản lòng đã động viên rằng: “Không đến thế đâu các đồng chí ạ! Cấp trên dự tính ta chỉ làm vài tháng là xong”. Nhưng thực tế, ta chỉ làm khoảng hai tháng đã thông đường. Tiếng mìn phá đá ì ầm và tiếng cuốc, xẻng rền vang suốt đêm ngày. Quân Pháp biết ta mở con đường chiến lược tiến vào Điện Biên Phủ, chúng đã cho máy bay ném bom xuống công trường. Chúng dùng bom phá thì dân công nghe tiếng máy bay còn tránh được vào vách núi, ngườm đá để tránh thương vong. Đáng ngại nhất là bom bươm bướm - loại bom rất nhỏ, ném dày đặc và khi ném xuống không nổ ngay, chỉ khi nào dân công vướng phải hoặc đá lăn va đập vào thì mới nổ sát thương.

Làm con đường đã khổ nhưng khi dân công tải lương, tải đạn qua đèo cũng muôn trùng gian khổ. Đường mở giữa rừng già nên khe nước, mạch nước rất nhiều, nền đường đá lởm chởm, người, phương tiện đi lại liên tục, trâu bò được đưa ra chiến trường làm thực phẩm... khiến đường luôn lầy lội, nhớp nháp. Thời gian cao điểm của việc chi viện cho tiền tuyến kéo dài từ cuối năm 1953 đến khoảng đầu tháng 4 năm 1954, dân công, bộ đội thường phải đi trong mưa đêm giá rét. Đi đêm không có ánh đèn, một tay người dân công phải giữ đòn gánh, tay kia chống gậy. “Cái khó ló cái khôn”, dân công ta có sáng kiến bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh buộc vào hai đầu đòn gánh để dẫn hướng đường cho nhau và giữ được cự ly. Người đi trước hễ thấy khe nước, cầu tạm, vũng lầy... thì báo hiệu cho người đi sau đề phòng khỏi ngã. Khổ như vậy mà dân công vẫn thi nhau hát cho quên đi nỗi nhọc, cho mau ra tiền tuyến. Họ còn í ới hỏi thăm quê quán ở đâu, tình hình chiến trận ra sao giữa đoàn đi ra với đoàn đi vào...

Sau một hồi kể chuyện, cụ Tào trầm ngâm tư lự. Bỗng cụ thốt lên rằng: “Nhanh thật đấy, thế mà đã ngót sáu chục năm rồi! Ngẫm lại cái cảnh gian khổ mở đường, cảnh bộ đội, dân công cứ ngày đêm nườm nượp qua đất Mường Cơi tiến lên Điện Biên mới thấy quyết tâm chống Pháp của ta thật không thể nào mà nói hết được...”. 

Đôi điều nhắn gửi

Đến trung tâm xã Thượng Bằng La, gặp tấm biển chỉ đường đi UBND xã và một ngả đi đèo Lũng Lô. Lên gần đỉnh đèo, có một tấm biển chỉ một ngả đường đi đèo Lũng Lô cũ và ngả mới thuộc dự án cải tạo quốc lộ 37 đi xuống trung tâm xã Mường Cơi. Tại ngã ba trung tâm xã Mường Cơi, có tấm biển chỉ một ngả đi Thu Cúc và một ngả đi đèo Lũng Lô. Một con đèo nổi tiếng góp phần dệt nên huyền thoại Điện Biên Phủ mà chỉ được ghi danh qua những tấm biển chỉ đường thì quả là không xứng với tầm vóc lịch sử của nó! Chợt nghĩ, nếu ở đoạn bằng phẳng, rộng rãi nơi ngã ba gần đỉnh đèo có một tượng đài hay một tấm biển lớn “trích ngang” lịch sử đèo Lũng Lô để mọi người qua đây nghỉ chân chiêm ngưỡng sẽ thật ý nghĩa biết bao... Tuyến đèo cũ từ ngã ba đèo cũng cần được bảo tồn nguyên dạng để cho thế hệ mai sau còn biết đến.

Trên đèo vẫn còn những cánh rừng già nhưng người dân lên đây làm trang trại, xâm lấn đất rừng già, thậm chí còn có cả lâm tặc khai thác gỗ rừng trái phép... ở cả phần địa phận của tỉnh Yên Bái và Sơn La đã khiến cho cảnh quan đèo Lũng Lô bị phá vỡ nghiêm trọng. Nếu Trung ương và hai tỉnh Yên Bái, Sơn La không có biện pháp bảo tồn hữu hiệu những cánh rừng này thì du khách sau này qua đèo sẽ rất khó hình dung ra “nguyên mẫu” của đèo Lũng Lô trong kháng chiến chống Pháp.

Gia đình ông Phạm Văn Hùng và bà Vũ Thị Tam ở xã Thượng Bằng La làm trang trại ở lưng chừng đèo - điểm này bằng phẳng nên du khách thường nghỉ chân rồi đi tiếp - cho biết: hàng năm vẫn có những đoàn các cụ già, có thể là dân công trước đây hoặc cựu chiến binh chống Pháp, khách nước ngoài và đông nhất vẫn là sinh viên du hành qua đây. Nhìn số xe và cách giao tiếp của họ thì phần lớn các đoàn này từ miền xuôi đi theo đường Thu Cúc qua đèo Khế lên đây. Có đoàn đi thẳng qua Sơn La lên Điện Biên nhưng nhiều đoàn nói rằng, chỉ đi hết phía bên kia đèo rồi quay lại thăm Suối Giàng, Nghĩa Lộ rồi qua Lai Châu lên Sa Pa (Lào Cai).

Chắc rằng, còn rất nhiều người dân Yên Bái, trong đó có các bạn trẻ và học sinh trong các trường học chỉ biết đến đèo Lũng Lô qua câu thơ của Tố Hữu: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Nếu ai đó ở Yên Bái có điều kiện mà chưa đến được địa danh này thì có lẽ đó cũng là một khiếm khuyết. Chuyến “phượt” Lũng Lô lần này, tôi xuất hành từ thành phố Yên Bái lúc 8 giờ 30 phút bằng xe máy, đi qua Chiến khu Vần, xã Việt Hồng (Trấn Yên) rồi đi theo tuyến đường Đại Lịch - Minh An (Văn Chấn) vừa mới thông xe và khoảng 11 giờ 30 phút đã nghỉ ăn trưa ở Mường Cơi. Thăm thú, trò chuyện với bà con ở đây đến độ 13h quay về, lên thăm vùng chè cổ thụ Suối Giàng rồi trở về thăm Căng và Đồn Nghĩa Lộ khi trời vẫn còn rất sớm. 

Thiết nghĩ, tỉnh Yên Bái nên nghiên cứu và hình thành tuor du lịch này. Còn những ai có máu “phượt”, nhất là các bạn trẻ, nên tổ chức đi du lịch theo tuyến này. Quãng thời gian cả đi lẫn về trong một ngày, ta sẽ biết thêm bao địa danh lịch sử, nhìn ngắm cảnh quan tươi đẹp và sẽ thấy trong lòng hiểu thêm bao điều mới lạ, vô cùng hấp dẫn.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Những nương chè được chăm sóc, thu hái vẫn xanh tốt.

YBĐT - Những năm 90 của thế kỷ trước, vùng chè Văn Hưng - Yên Bình được ví như là “biểu tượng” của vùng chè Yên Bái, bởi những nương chè được trồng bài bản và đạt năng suất cao. Cũng tại nơi đây có nhà máy chè được đón nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”. Ấy vậy mà hôm nay, đến vùng chè này man mác một nỗi xót xa, hàng chục ha chè bỏ hoang, người làm chè không còn mặn mà với chè nữa.

Trường THCS xã Chế Tạo ngày càng có nhiều học sinh nữ đến lớp. (Ảnh: Thanh Hương)

YBĐT - Là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cái tên Mù Cang Chải đã phần nào gợi cảm giác điệp trùng, chon von như mây núi và gập ghềnh như qua mỗi con suối, dòng khe...

Chấp hành viên nghiên cứu kỹ hồ sơ được giao thụ lý bảo đảm thi hành án dân sự.

YBĐT - Khi các vụ việc được cơ quan chức năng tiến hành tố tụng, xét xử, giải quyết án hoàn thành, ngay sau đó là cả một quá trình gian nan trong công tác thi hành án dân sự...

Thanh niên tình nguyện tham gia làm thủy lợi tại xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải). (Ảnh: Thu Hạnh)

YBĐT - Được coi là nơi bắt đầu của phong trào thanh niên tình nguyện ở Yên Bái, từ năm 2003 - năm đầu tiên phát động đến nay, phong trào thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ Lục Yên đã từng bước lớn mạnh, trở thành môi trường rèn luyện kỹ năng sống và là nơi tập hợp, phát huy tinh thần, sức mạnh của tuổi trẻ các dân tộc huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục