Mong một hướng đi mới
- Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2010 | 9:57:00 AM
YBĐT - Một bãi cát rộng chưa đầy một sào ruộng nhưng có đến hơn chục người làm thuê, trong đó có cả thanh niên, phụ nữ, người già đang hì hục xúc từng xẻng cát lên xe ôtô, ai cũng căng mình ra, rồi một xe xong chuyển bánh ra khỏi bãi...
Ai cũng chăm chỉ làm việc vì miếng cơm manh áo.
|
Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng quê này chất lượng cát tốt, giá sản phẩm tương đối cao, trung bình mỗi khối cát có giá 35 ngàn đồng, sản phẩm không chỉ phục vụ trong địa bàn huyện Lục Yên mà cả tỉnh bạn như Hà Giang, Tuyên Quang....
Chúng tôi đến thôn 8, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên vào một ngày trung tuần tháng 11. Mới buổi sáng sớm khi màn sương chưa tan, giữa cái giá rét đầu đông đã nghe thấy tiếng máy nổ ầm ầm giữa dòng sông Chảy vang vọng cả một khu vực giữa thôn 1 xã Tô Mậu và thôn 8, xã Tân Lĩnh. Trên dải sông dài chưa đầy 500 mét có đến 8 chiếc máy hút cát cùng hoạt động. Thấp thoáng bóng dáng những người đàn ông đang ngụp lặn dưới dòng nước lạnh, có người tay cầm cây sào nứa to hơn cổ tay đứng chênh vênh trên những chiếc bè nứa cũ nát đang cố gắng “ chọc” xuống lòng sông để tìm nguồn cát mới.
Theo lời đề nghị của tôi, anh Nguyễn Văn Trung - một người có thâm niên hơn 14 năm trong nghề làm cát, trực tiếp dùng chiếc thuyền trát xi măng đưa tôi ra tận giữa sông, vị trí làm việc của những chiếc máy hút cát, cứ 2 người phụ trách đảm nhận một máy: người thì trực tiếp dò tìm cát, người thì chỉnh sửa máy móc. Chiếc máy của anh Trung đang đều đặn hút cát lên bờ bỗng phát ra tiếng kêu lạ, đường ống đưa cát về bờ bị tắc, chiếc máy nổ từ từ im hẳn.
Nhanh tay, trong bộ đồ nghề anh Trung nhanh chóng ra điểm cát bị tắc để thông lại. Rất thành thục, chỉ khoảng mươi phút sau chiếc máy lại tiếp tục hoạt động bình thường. “Máy hỏng một ngày vài chục lần như thế này là bình thường, mỗi lần như thế vừa mất thời gian lại vừa khấu hao máy móc, vất lắm, anh ạ”, anh Trung tâm sự. Khi được hỏi về những khó khăn đối với nghề, anh Trung đưa ánh mắt xa xăm nhìn dòng nước xiết: “ Khó khăn lắm! Sau bao năm đi làm thuê làm mướn, giờ tự bản thân cũng tách làm riêng rồi mà chẳng khá được là bao, từ thiết bị đến nhân công lao động, cái gì cũng phải lo”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh, một trong những hộ đầu tiên ở đây làm nghề cát, tính đến nay đã có trên 20 năm gắn bó. Quê vốn ở Nam Định nhưng số phận đưa gia đình chị lên với quê hương Lục Yên. Không tấc đất cày cấy, nhà đông con, miếng cơm manh áo phải chạy vạy từng ngày, đến với nghề làm cát là một sự ngẫu nhiên. Lúc mới bắt đầu ngày nào hai bờ vai chị cũng gồng trên 60kg cát, tính ra có ngày gánh ngót 1 tấn cát bất kể nắng mưa.
Chị Minh nói: “ Cái nghề này vất vả lắm, nhưng vì cảnh nhà nông khó khăn không làm không có ăn và tốn kém sức rất nhiều mà thành quả chẳng đáng là bao lại còn cạnh tranh, o ép nhưng biết tìm được việc gì khác nữa”. Mặc dù gia đình chị Minh đã đứng lên thành lập hợp tác xã riêng chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ yếu vẫn là cát, nhưng với đội ngũ lao động làm thuê quá đông, cộng với việc hao tổn, bào mòn máy móc, qua hạch toán cũng chẳng được bao nhiêu, đôi khi còn lỗ không có tiền trả nhân công.
Thanh niên này chưa đầy 15 tuổi nhưng đã có 2 năm trong nghề.
Sự có mặt của tôi trên chiến bè dường như không ai biết đến, trừ anh Trung, ai cũng chăm chú vào công việc. Anh Nguyễn Văn Vợi trên đầu đội chiếc mũ lá cọ trông già hơn hẳn cái tuổi ngoài 20 của mình. Ngày nào anh cũng có mặt trên dòng sông này, bàn tay ngâm mình trong nước nhiều giờ nổi rõ từng đường gân xanh. Không riêng gì anh Vợi, tất cả những đàn ông gắn bó với dòng sông này đều như vậy.
Làm nghề, trung bình mỗi bộ máy hút cát đầu tư mất 30 đến 35 triệu đồng, gồm một máy nổ công suất lớn và đường ống nhựa hút cát loại to bền, chắc chắn vì nếu không chỉ làm thô sơ thu nhập sẽ rất ít. Tuy nhiên, còn không ít những rủi ro mà người dân ở đây gặp phải như nạn trộm cắp máy móc, thiết bị diễn ra phức tạp hoặc thiên tai "cuỗm" mất.
Điển hình như cơn lũ năm 2008 đã cuốn hầu hết đi tài sản làm việc của những người dân lương thiện này, hay như vào mùa mưa nhiều từ tháng 6 đến tháng 9 nước sông dâng cao, nguy hiểm luôn cận kề, sẵn sàng cuốn đi tất cả cát, máy móc hiện có, đến mùa đông nước rút thì thời tiết giá lạnh, chỉ động tay vào nước thôi cũng đủ tê tái. Năm có 12 tháng thì phải nghỉ mất 3 tháng, thời gian đó họ không biết làm gì vì quá quen với sông nước, làm việc khác không quen. Gắn bó với nghề bất đắc dĩ này vì mưu sinh, những người dân "làng cát" mong muốn rất nhiều sự giúp đỡ của chính quyền.
Anh Trung tâm sự : “Có làm mới biết hết nhọc nhằn của nghề. Giờ chúng tôi chỉ mong được chính quyền tạo điều kiện cho vay vốn để đầu tư công nghệ cao hơn, khi đó hiệu quả công việc cao hơn, thu nhập chắn chắn sẽ ổn định hơn. Chỉ mong như vậy”.
Một bãi cát rộng chưa đầy một sào ruộng nhưng có đến hơn chục người làm thuê, trong đó có cả thanh niên, phụ nữ, người già đang hì hục xúc từng xẻng cát lên xe ôtô, ai cũng căng mình ra, rồi một xe xong chuyển bánh ra khỏi bãi. Trong lúc chờ xe thứ hai đến, tôi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hoa. Gia đình chị Hoa hiện ở thôn 1 xã Tô Mậu. Công việc đồng áng đến lúc nhàn rỗi, giờ là thời điểm hợp lý chị tìm được một công việc kiếm đồng ra đồng vào mặc dù biết trước sẽ rất nặng nhọc. “Tôi làm đã khá lâu rồi đấy. Gia đình không đủ ăn nên tranh thủ hàng ngày đi làm kiếm đồng tiền, ngày được nhiều khoảng ba bốn chục, còn có ngày chỉ được mười, mười lăm nghìn thôi”.
Mong mỏi một hướng đi mới
Vất vả, nhọc nhằn là đặc trưng của nghề cát ở miền sơn cước này, tuy nhiên theo tâm sự của mọi người, làm nhiều cũng quen, ai mới đầu vào mà nản lòng là sẽ bỏ nghề không theo được. Theo thống kê hiện toàn khu vực bãi cát này có khoảng trên dưới 30 người làm việc, trung bình mỗi lao động được trả công 50 đến 100 ngàn đồng/ngày, có tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày. Cát ở đây chia thành hai loại chính là cát trát và cát xây. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng quê này chất lượng cát tốt, giá sản phẩm tương đối cao, trung bình mỗi khối cát có giá 35 ngàn đồng, sản phẩm không chỉ phục vụ trong địa bàn huyện Lục Yên mà cả tỉnh bạn như Hà Giang, Tuyên Quang....
Hy vọng rằng, nghề cát ở đây sẽ được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, tạo điều kiện phát triển để người dân nơi đây bớt khổ - đơn giản, đó cũng là một nghề kiếm sống của họ.
Khắc Điệp
Các tin khác
YBĐT - Năm 2011, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ sẽ hoàn thành đầu tư xây cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị, để Bệnh viện trở thành BVĐK khu vực theo đúng tiêu chí của ngành y tế.
YBĐT - Trạm Tấu có 12 xã, thị trấn thì nay gần một nửa chủ tịch xã đều trên dưới 30 tuổi và được đào tạo khá cơ bản... Đội ngũ, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của Trạm Tấu nhiệm kỳ này độ tuổi bình quân là 35, trình độ chuyên môn cũng đã được nâng lên, tất cả đều đã và đang hoàn thành chương trình đại học.
YBĐT - Sau một đêm ở Trường Tiểu học An Lương (Văn Chấn), hôm sau, tôi theo chân thầy Hà Tý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lương lên điểm trường Suối Dầm. Lên Suối Dầm, cảm nhận đầu tiên đó là thời tiết. Chỉ cách nhau không xa nhưng ở dưới trung tâm xã An Lương nóng bức, ngột ngạt thì ở đây gần 10 giờ sáng mà sương mù vẫn phủ kín, trời se lạnh cho dù đang mùa hè.
YBĐT - Xe qua cầu Bến Lăn, con đường bê tông đưa chúng tôi ngược dốc "Ba quanh” chếch thẳng lên trời. Trên đỉnh dốc, một chiếc cổng hình vòm hiện ra với hàng chữ lớn nơi áp mái “Xã văn hóa Khai Trung”. Từ đây, con đường thoai thoải trườn xuống vùng đất bằng phẳng rồi mất hút trong màu vàng của lúa đang độ chín và màu xanh của rừng cùng sắc núi, sắc trời.