Đắm say giai điệu khèn bè
- Cập nhật: Thứ bảy, 29/1/2011 | 9:07:11 AM
YBĐT - Gần 70 tuổi đời, ngót 60 năm gắn bó với khèn bè, hơn 40 năm dày công nghiên cứu, phần thưởng xứng đáng nhất dành cho người say mê khèn bè và pí là tấm HCV tiết mục khèn bè tại Hội diễn NTQC toàn quốc năm 1992 và giải A độc tấu pí lặn tặn tại Hội diễn NTQC năm 2007 của tỉnh Yên Bái.
Ông Cầm Văn Long giới thiệu với phóng viên Báo Yên Bái về cấu tạo của khèn bè.
|
Dậy đi em, dậy đi em!
Anh hồi hộp nâng khèn
Trăng vàng sóng sánh
Đầu khèn chạm vào hò hẹn...
Trăng neo khau cút bâng khuâng
Em như nàng tiên mùa xuân
Bước ra từ câu khắp...
Hứng khởi, ông rời khèn bè, hướng về những cây sáo pí thiu, pí lặn tặn, pí pặp để hoà cùng giai điệu mượt mà, trầm bổng vút cao. Người nghe như cuốn theo, say sưa, mê đắm trong từng khúc nhạc. Thằng cháu nội mắt to tròn, hướng về phía ông: "Ông thổi nữa đi!". Ông bảo: "Mình yêu khèn bè và pí như say người tình đó". Ông là Cầm Văn Long ở tổ 10, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ
chẳng phải nghệ nhân, cũng chẳng phải nhà nghiên cứu, song tình yêu với khèn bè và pí, tôi dám chắc sự đam mê của ông không gì so sánh khi cảm nhận được sự rung động của người chơi qua từng nốt nhạc, ánh mắt và đôi tay mỗi khi chạm vào các nhạc cụ này.
Không biết khèn bè có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi sinh ra ông đã được các nghệ nhân khèn bè và được mọi người trong dòng họ cho biết: "Đây là loại nhạc cụ đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái mình, con cháu phải yêu nó, giữ gìn nó cho thế hệ mai sau". Cứ nghe, cứ ngấm, đến năm lên 10 tuổi thì niềm đam mê khèn bè đã thực sự bùng cháy trong ông. Mê khèn đến nỗi nhiều hôm theo người thổi khèn quên ăn quên ngủ.
10 tuổi biết thổi khèn bè và đến năm 16 tuổi (1964), ông đã thi và trúng tuyển vào Trường Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc, cơ hội để niềm đam mê tỏa sáng. Từ lý thuyết đến thực hành, ông được chính người thầy, người cô yêu quý cậu trò Long say mê khèn mà truyền dạy hết lòng. Ngoài khèn bè, ông còn được tiếp cận với các loại pí như pí thiu, pí pặp, pí lặn tặn... nối tiếp niềm đam mê với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Với kết quả học tập xuất sắc, ông đã được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Sau đó, Trường Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc chuyển về Hoà Bình, ông chuyển sang giảng dạy tại Trường Văn hoá nghệ thuật của tỉnh Nghĩa Lộ. Đến khi Trường tiếp tục chuyển về Yên Bái lấy tên là Trường Văn hoá nghệ thuật Hoàng Liên Sơn thì ông quyết định thôi dạy học chuyển về làm việc tại Phòng Văn hoá huyện Văn Chấn những mong có cơ hội tự học, tự nghiên cứu về nhạc cụ mà mình yêu thích.
Các dịp lễ tết, giao lưu văn hoá văn nghệ với các huyện, thị và các tỉnh thuộc khu vực miền Tây Bắc không bao giờ vắng ông với những làn điệu lăm vông, gọi bạn tình... khi như suối hát, lúc dặt dìu trăng thanh. Đến năm 1992, điều kiện sức khoẻ không cho phép, ông nghỉ chế độ. Và cũng thời điểm này, ngoài việc dày công nghiên cứu, tìm hiểu về khèn bè, ông nghiên cứu thêm các loại pí vốn đã được học ở trường.
Ông Long cho biết, khèn bè có một vị trí vô cùng quan trọng, là nhạc cụ chủ đạo và là biểu tượng độc đáo của âm nhạc dân tộc Thái. Với 14 ống nứa tép (mạy pao) được ghép lại thành từng đôi trên một bầu gỗ thừng mực (mạy mụk), nghệ nhân dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi trên các ống nứa với các kích cỡ khác nhau ở các vị trí thích hợp. Một trong các kỹ thuật khó nhất là xử lý các lam đồng, từ độ dày, độ dài tới độ bóng bề mặt. Với 5 cung và một quãng 8, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ, múa hiện đại. Bởi vậy, khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và trong cả các tiết mục sân khấu.
- Theo ông, khèn bè Thái khác khèn Mông như thế nào?
- Khèn của người Thái có xuất xứ từ bên Lào sau đó được đưa về vùng Mường Lò chủ yếu ở bản Đường, xã Hạnh Sơn (Văn Chấn). Khèn Thái được làm bằng nứa tép, còn khèn Mông thì làm bằng nứa ống to hoặc trúc. Khèn Mông có 7 ống, còn khèn Thái có 14 ống. Cần dùng để thổi của người Mông dài hơn của người Thái...
- Vậy còn âm hưởng?
- Về cơ bản thì giống nhau, nhưng khèn Thái âm nhỏ, thanh và có thể thổi được những bản nhạc có tiếu tấu nhanh, réo rắt, còn khèn Mông âm to hơn, trầm đều.
Với các loại pí, ông chủ yếu nghiên cứu và chơi pí phiu, pí lặn tặn và pí pặp. Cũng như chơI bất cứ nhạc cụ nào, nếu chỉ đam mê chưa đủ. Ngoài việc nắm được các yếu tố kỹ thuật, người chơi phải đưa được cái hồn, cái tình của mình vào trong đó mới tạo sự truyền cảm. Tuy nhiên, mỗi loại pí có những đặc điểm riêng của nó. Về cơ bản, pí là một loại sáo gồm sáo dọc và ngang. Chúng khác nhau ở chỗ, pí pặp thì lam làm bằng đồng khi phát ra âm thanh nghe rền rĩ. Pí lặn tặn thì lấy thân của ống làm lam nên âm phát ra nghe đanh. Pí thiu gióng dài hơn, âm được phát ngay ra tại nơi thổi nên nghe thánh thót...
Gần 70 tuổi đời, ngót 60 năm gắn bó với khèn bè, hơn 40 năm dày công nghiên cứu, phần thưởng xứng đáng nhất dành cho người say mê khèn bè và pí là tấm Huy chương vàng tiết mục khèn bè tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 1992 và giải A độc tấu pí lặn tặn tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc năm 2007 của tỉnh Yên Bái. Nhưng có lẽ trăn trở và ước ao lớn nhất của đời ông, đó là sẽ có một lớp trẻ cũng yêu và đam mê các loại nhạc cụ dân tộc để có thể gìn giữ và phát huy các giá trị dân nhạc mà ông cha dày công bảo tồn...
Chia tay ông Long, chúng tôi về trung tâm thị xã Nghĩa Lộ giữa những vườn hoa cúc vàng rực nắng trên cánh đồng Mường Lò mang theo những thanh âm réo rắt của hồn người chứa chất. Những điệu khèn, điệu pí cứ thánh thót bên tai như lời mời gọi mùa xuân:
Tiếng khèn làm đẹp bản mường
Như nắng dệt gấm trên quê hương
Như núi lam xanh sương đêm vừa gội
Như suối hát tình ca, tiếng người yêu gọi.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Kết thúc vụ xuân 2010, Xà Hồ đã có 510 tấn thóc, năng suất 44 tạ/ha, góp phần tăng sản lượng thóc hai vụ lên trên 1.200 tấn, bình quân 500 hộ mỗi hộ 2 tấn/năm. Cái bụng bà con đã biết no gạo rồi!
YBĐT - Nhiều cán bộ kiểm lâm ở huyện Văn Chấn nói với tôi rằng, ở nơi núi đồi xa xôi thuộc các xã Suối Giàng, Suối Quyền có một thanh niên ôm giấc mộng biến những quả đồi lau lách thành những cánh rừng xanh và anh đã trở thành "ông vua rừng". Câu nói đó đã thôi thúc tôi tìm gặp người thanh niên ấy.
YBĐT - Tôi không thể nhớ một cách chính xác, vùng đất có núi cao, sông lớn này có từ bao giờ và cũng không biết từ bao giờ có tên gọi của núi, của sông, của đồng ruộng, xóm làng... Những cái tên mà giờ đây đã trở nên quá đỗi thân thuộc với mỗi chúng ta.
YBĐT - Xa Làng Nhì trong tôi luôn hiện lên hình ảnh chiếc bếp tập thể khiêm tốn xinh xinh nơi nấu ăn của 20 thầy cô giáo, nơi ăn, chốn ở chật chội của 60 em học sinh.