Tết của người Khơ Mú
- Cập nhật: Thứ ba, 1/2/2011 | 11:57:56 AM
YBĐT - Vui bên thềm xuân của người Khơ Mú, tôi không thể không đi thăm bản làng. Bóng sơn nữ eo co thon lẳn xinh tươi trong sắc màu của tẹp từng khà làm ấm thêm trời xuân...
Điệu múa “Tẹ cạ grang” vui ngày mùa của người Khơ Mú.
|
Sớm mai.
Ào qua mênh mông đồng Mường Lò, tôi theo lối gió đường mây mà vượt chóp Pú Lo, ngược mãi lên Nghĩa Sơn- quê núi thiêng liêng của người Khơ Mú. Con đường xưa xa ngái lún thụt đất đá, nay rộng rênh thật ngoạn mục bởi con đường bê tông lượn khéo theo sườn núi hênh hênh vàng hoa keo, lung linh tràn hoa cỏ. Bên thềm xuân, như bất cứ tộc người nào trên đất nước Việt Nam, người Khơ Mú Nghĩa Sơn – Văn Chấn – Yên Bái, cũng đang nao nức chờ đón xuân về.
Còn đương ấm nồng bàn tay nắm chặt, anh Mè Văn Lún- Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa Sơn ngoảnh sang người đàn ông bên cạnh, giới thiệu:
- Nghệ nhân Vì Văn Sang đây. Bao nhiêu cái đẹp cái tốt của người Khơ Mú là anh ấy giữ cả ở trái tim khối óc.
- Một kho dân gian đấy!- Anh Trần Văn Mộc - Chủ tịch huyện Văn Chấn, người hướng dẫn đoàn công tác, khẳng định thêm.
- Hay rồi! - Tôi bắt tay anh Sang, cảm động- Người Khơ Mú bao nhiêu cái đẹp cái tốt thì mình phải hiểu, phải ghi nhớ, phải nói ra cho mọi người biết để mọi người thêm quí nhau, thêm gần gũi nhau, anh nhỉ?
Anh Sang cười, bảo:
- Nhiều cái đẹp cái tốt của người Khơ Mú, kể mãi không hết đâu!
- Thì anh kể riêng cái đẹp ngày Tết của người Khơ Mú!
Nghe thế, anh Sang ngồi lặng như muốn gợi nhớ kỷ niệm. Tôi biết, người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn có nhiều cái đẹp cái tốt nên từng nhiều lần được các nhà báo viết bài, làm phim về lễ hội pa sưm - lễ hội cầu mùa, lễ hội grơ mạ ngọ- lễ đón mẹ lúa, lễ cưới hỏi, hội vui xuân, v.v.
Vào xuân, người Khơ Mú vui chơi hồn nhiên và say sưa với nhiều điệu hát điệu múa rất riêng Khơ Mú. Hát tơm, hát tơm đường kmun, hát tơm kân chơ, hát tơm muôn. Múa xoè, múa tẹ khăn, múa tẹ mưng gọi hân mệ, múa tẹ cầm đắc sinh, múa tẹ krang. Hát múa trong tiếng cồng, trống, chiêng, đàn tính tờ la, pí tót, tằm đao, âm đing, khèn hon rờ. Âm thanh giai điệu sáo, đàn, chiêng, trống âm vang, hoà vào nhau, nghe như một bản hoà tấu muôn điệu của núi rừng.
Phải kể, người Khơ Mú có bài hát dân ca "Mưa rơi" nổi tiếng mà mỗi khi hát lên thì ai cũng muốn hát cùng và nhảy theo điệu bài hát: Mưa rơi cho cây lá tốt tươi/ Búp chen lá trên cành/ Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió/ Bướm tung cánh bay vờn/ Bên nương ríu rít tiếng cười/ Bao trai gái đang nô đùa/ Đầu sàn có đôi chim cu đua gáy/ Thách đôi én cùng múa vui/...
Hát múa bao nhiêu người biết, còn tục cúng tổ tiên, làm món ăn ngon ngày Tết của người Khơ Mú thì chưa mấy ai tường tận.
Chiều ý tôi, anh Sang mê mải chuyện, cứ tự nhiên như người anh em cùng bản. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã mấy chục năm, trước anh Lún, anh Sang như cây đại thụ giữa đại ngàn Nghĩa Sơn, lõi ký ức tầng tầng lớp lớp.
Anh thủ thỉ chuyện nhưng chưa phải chuyện Tết, rằng người Khơ Mú Nghĩa Sơn biết ơn Đảng, ơn Chính phủ nhiều lắm. Nhờ chính sách ưu tiên người dân tộc miền núi, có tiền đầu tư của Chương trình 135, Dự án Chia sẻ, Chương trình 30a, Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình 167, Chương trình 134, nhiều nữa, mà cuộc sống của người Khơ Mú ngày càng được ấm no, tiến bộ.
Ấm no, tiến bộ thì ăn Tết mới vui. Người Khơ Mú cũng ăn Tết Nguyên Đán. Sắp tết, nhà nhà đều sửa sang nhà cửa, vườn tược cho gọn đẹp, quét dọn đường sá, sân ngõ sạch sẽ.
Việc chuẩn bị cho ăn tết tuy không cầu kỳ nhưng cũng đầy đủ các sản vật, đủ món gia truyền. Nhà nào cũng mổ một con gà trống chủ yếu để xem chân. Chân gà xem để đoán biết năm mới lành hay dữ, làm ăn khấm khá không, cuộc sống có hòa thuận, hạnh phúc không. Mổ lợn để chế biến nhiều món ăn ngon.
Tết trước hết phải có ma gựp, tức là bánh chưng. Ma gựp bằng gạo nếp, nhân thịt lợn với đỗ nho nhe. Ma gựp gói lá dong buộc bốn lạt, hình khum khum dài. Đặc biệt là các món ngon phải có đủ trên mâm cỗ cúng tổ tiên. Món a cơ nẹp- là món thịt lợn băm nhỏ lẫn gia vị hạt xẻn, gừng, hành, nhiều loại rau thơm, ớt tươi..., đem gói lá dong, rồi nướng trên than hồng.
Món a lăm bót- món toàn xương sụn băm nhỏ lẫn với các loại gia vị giống món a kơ nẹp, rồi nhồi vào ống nứa, lam trên than hồng. Món or cun- giống như một món súp, nấu lẫn các loại rau bí, quả bí non, rau bon, ớt non, bì trâu, thịt chim, thịt sóc, cá, thịt nai, gạo tấm, tất cả cho vào ống nứa đem lam chín, sau đó được đem ra ăn với các loại rau thơm, rau cải non và các loại rau sống.
Món lạ sơ rạ - món rau gai thối được xôi chín ăn với cá nướng. Bao nhiêu món ngon nữa. Còn việc cúng rôi gangs- cúng ma nhà, tức là cúng tổ tiên (ở đây chỉ có nghĩa là cúng bố mẹ) đêm giao thừa là việc thiêng liêng nhất. Nhất nhất người đàn ông chủ nhà phải làm lễ cúng.
Mâm cúng trên bưn đruy hrôi gàng- tức bàn thờ tổ tiên, phải thắp đèn Hoa Kỳ, phải có thủ lợn cắm hương cháy thơm, cùng các món ma gựp, a cơ nẹp, a lăm bót, lạ sơ rạ, rượu trắng, trầu cau, hoa quả, cốc nước, điếu thuốc.
Chủ lễ cúng phải mặc tẹp từng khà- quần áo người Khơ Mú, đội từng gụ vòm-mũ người Khơ Mú. Bài khấn: Mồi mồng sam síp mư/ Mồi pi síp soóng lươn/ Pi măng đạ hay luyếch/ Pi hâm hy rót/ Ô là con trâm boong/ Sứp sơ nen đren zua/ Kar mê kân mị/ Hơ lông dông mạ/...
Ý là: Một tháng ba mươi ngày/ Một năm mười hai tháng/ Năm cũ đã qua/ Năm mới đã đến/ Tôi là con trai/ Nối dõi tông đường/ Trước là ông sau là tôi/ Không quên công lao cha mẹ/... Bài khấn còn dài nữa, ý muốn cầu xin dông mạ (cha mẹ) về hưởng lộc Tết, rồi phù hộ độ trì cho con cháu được mạnh khoẻ, nói thì như sấm vang như hổ gầm; làm ăn thì phát đạt đến mức trâu bò ở rừng là đá khi về nhà thành trâu bò thật...
Thế mới biết, các món ẩm thực ngày Tết cũng lạ và độc đáo chẳng kém gì ca, múa, nhạc của người Khơ Mú. Lại nói, cúng tổ tiên đêm ba mươi xong, người Khơ Mú hồi hộp chờ giao thừa.
Sự hồi hộp là tình cảm chân thành chờ đón năm mới với bao niềm tin và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng cái đêm chờ đợi hồi hộp ấy, người Khơ Mú cũng có chút lo lắng- nỗi lo lắng mang màu sắc tâm linh. Người Khơ Mú hồi hộp lắng nghe xem con gì kêu trong đêm giao thừa.
Con gà gáy trước ba giờ sáng thì sẽ gặp hỏa hoạn. Con mèo kêu trước giao thừa sẽ có nhiều hổ, nguy hiểm. Trẻ con kêu khóc thì sẽ đói. Người Khơ Mú chỉ mong đêm giao thừa im ắng, êm ả thì năm mới sẽ thuận hoà, tốt đẹp mọi nhẽ.
Tốt đẹp mọi nhẽ để mọi người chúc lành, chúc khỏe, chúc phúc và múa hát, rồi mời rượu say sưa. Tốt đẹp mọi nhẽ để hơn một ngàn năm trăm sơn dân Nghĩa Sơn của các dòng họ Vì, Lò, Mè, Lường, Hà, Lèo, Hoàng, chủ yếu người Khơ Mú với một ít người Thái, người Kinh, người Mông, người Mường chung sống đoàn kết, hạnh phúc.
Vui bên thềm xuân của người Khơ Mú, tôi không thể không đi thăm bản làng. Bóng sơn nữ eo co thon lẳn xinh tươi trong sắc màu của tẹp từng khà làm ấm thêm trời xuân. Thấp thoáng những ngôi nhà sàn đẹp nép dưới tán rừng keo, rừng mỡ xanh tươi, cửa rộng mở đón tiếng suối chảy rì rào và tiếng chim sơn ca líu ríu.
Nhà sàn của người Khơ Mú cũng giống nhà sàn của người Thái, chỉ khác cách đặt bàn thờ và bếp. Gian giữa ngay trên xà nhà là bàn thờ tổ tiên, dưới sàn là từm brạ hrôi gàng- tức là bếp thờ, nơi chỉ dùng nấu cơm làm đám hay cúng cơm mới.
Gian trong có từm brạ rung mạ - bếp chỉ dùng xôi chín cơm và rau. Chái nhà ngay gian cầu thang lên là từm brạ khua mạ - bếp nấu ăn thường bữa. Cung cách đặt bếp có thứ bậc, mang đậm dấu ấn tâm linh người ở núi, ngẫm mới thấy hết được truyền thống tôn nghiêm và sự độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người Khơ Mú.
Bước chân ra khỏi ngôi nhà sàn đẹp, tôi cảm giác bảng lảng như ngấm men say- ấy là men say cuộc sống quê núi của người Khơ Mú.
Tạm biệt Nghĩa Sơn!
Tạm biệt người anh em Khơ Mú!
Tôi xuống núi còn ngoái nhìn lưu luyến.
Giăng giăng Lục Đòm, Mộc Tram Khương, Tur Lo Khang, Pú Luông - mấy dải núi dựng ngang trời, quây miết một tràn sương lũng gió, nơi những người Khơ Mú đang nao nức chờ đón xuân về.
Ngày mai- ngày mới tinh khôi, người Khơ Mú từ đàn ông, đàn bà đến nam thanh, nữ tú lại nắm tay nhau múa xoè. Bởi người Khơ Mú thường nói “Không xoè lúa không tốt/ Không xoè thóc sẽ cạn bồ/. Thì xoè, cho lúa tốt, cho thóc không cạn bồ, để người Khơ Mú mãi ấm no, vui tươi và hạnh phúc".
HOÀNG THẾ SINH - thềm Xuân 2011
Các tin khác
YBĐT - Gần 70 tuổi đời, ngót 60 năm gắn bó với khèn bè, hơn 40 năm dày công nghiên cứu, phần thưởng xứng đáng nhất dành cho người say mê khèn bè và pí là tấm HCV tiết mục khèn bè tại Hội diễn NTQC toàn quốc năm 1992 và giải A độc tấu pí lặn tặn tại Hội diễn NTQC năm 2007 của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Kết thúc vụ xuân 2010, Xà Hồ đã có 510 tấn thóc, năng suất 44 tạ/ha, góp phần tăng sản lượng thóc hai vụ lên trên 1.200 tấn, bình quân 500 hộ mỗi hộ 2 tấn/năm. Cái bụng bà con đã biết no gạo rồi!
YBĐT - Nhiều cán bộ kiểm lâm ở huyện Văn Chấn nói với tôi rằng, ở nơi núi đồi xa xôi thuộc các xã Suối Giàng, Suối Quyền có một thanh niên ôm giấc mộng biến những quả đồi lau lách thành những cánh rừng xanh và anh đã trở thành "ông vua rừng". Câu nói đó đã thôi thúc tôi tìm gặp người thanh niên ấy.
YBĐT - Tôi không thể nhớ một cách chính xác, vùng đất có núi cao, sông lớn này có từ bao giờ và cũng không biết từ bao giờ có tên gọi của núi, của sông, của đồng ruộng, xóm làng... Những cái tên mà giờ đây đã trở nên quá đỗi thân thuộc với mỗi chúng ta.