Trọ học tuổi trăng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2011 | 3:27:30 PM

YBĐT - Những cô cậu học trò sớm chấp nhận xa gia đình đi về trọ học ở thành phố cũng không ngoài mục đích được học tập tốt hơn. Nhưng nếu không tự giác học tập thì sự trọ học xa nhà ấy phỏng có ích gì?

Duyên cùng bạn ôn bài khi mọi người đã đi ngủ.
Duyên cùng bạn ôn bài khi mọi người đã đi ngủ.

Tự học

Mặt trời nhô lên khỏi ngọn cây, cái nắng buổi sáng xiên qua khe cửa sổ của căn phòng nhỏ. Xe cộ ngoài đường rầm rập. Tiếng gọi nhau í ới của 5, 7 đứa học trò nheo nhéo, ồn ào. Huế vẫn trùm chăn kín đầu, say sưa ngủ như đang nằm ở một không gian đầy yên tĩnh. “Đừng hiểu lầm, không phải nó ngủ nướng đâu. Tối qua nó học đêm đấy. Hôm nào chả thế. Chăm chỉ lắm”. Bà chủ nhà trọ liền thanh minh cho Huế.

Khu trọ có tới gần chục phòng. Phòng ít thì một, nhiều thì hai, ba đứa. Phần đa là học sinh cấp ba các trường: Chuyên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái). Mở mắt, đã là cả một sự ồn ào, náo nhiệt.

Những đứa học sáng tíu tít rửa mặt, đánh răng, ăn sáng, quần áo sách vở mải miết đến trường. Dáo dác phòng nọ, phòng kia như một góc chợ. Vài ba đứa đã ra khỏi phòng đi học nhưng không vì thế mà sự yên tĩnh được trả lại cho không gian này. Mấy đứa học sáng, mấy đứa lại học chiều.

Khu nhà trọ gần như chả lúc nào ít người, ít tiếng. Mấy cậu con trai nghịch ngợm, có lúc nô nhau, chạy rầm rầm, hò hét váng tai. Thật khó mà có thể làm một việc gì đó đòi hỏi sự tập trung cao độ trong không gian này như học chẳng hạn. Chính vì thế, lúc ồn ào náo nhiệt ấy, Huế vùi mình vào giấc ngủ lấy sức cho những giờ học đêm yên tĩnh.

Bình minh của Huế là lúc mặt trời sắp ngang đầu. Chiều học trên lớp và đêm đến, khi những cô, cậu bạn xóm trọ khác say sưa trong giấc ngủ thì Huế lặng lẽ, miệt mài bên chồng sách vở. “Đây là khu trọ, không phải như gia đình nên em phải thay đổi giờ giấc thói quen sinh hoạt để lựa chọn thời gian học sao cho có hiệu quả.

Thời gian đầu thức đêm học rất mệt, em cũng hay ngủ gật nhưng giờ thì đã quen rồi. Ban ngày ở đây ồn ào không thể tập trung được. Học xa nhà, không có bố mẹ quản lý trực tiếp, nhắc nhở nên học hành thế nào là tự bản thân mình thôi”. Những đêm thức học của Huế được đền đáp bằng kết quả là một trong hai học sinh đứng đầu lớp trong năm học vừa qua.

Tự lập

May mắn, Huế và Minh - cô em gái ruột cùng trọ học không phải đi ăn cơm bụi, vì bố mẹ gửi gắm cho hai chị em ăn uống cùng nhà chủ trọ. Hằng ngày, chỉ còn phải lo giặt giũ mấy bộ quần áo của hai chị em, còn lại là thời gian cho sự học. Cùng khu trọ với Huế còn có Duyên. Em đã bước sang năm thứ ba trọ học. Duyên không cơm nước cùng nhà chủ trọ mà tự nấu nướng cho mình.

Trong căn phòng trọ nhỏ, cùng sách vở còn có chiếc bếp ga du lịch, vài chiếc nồi nhỏ và bát đũa. Biết rằng tự nấu ăn sẽ mất thêm thời gian nhưng Duyên muốn tự chăm sóc mình cho đảm bảo. Duyên kể: “Ở nhà, em cũng ít phải nấu cơm nhưng đi trọ học thế này phải tự lo cho mình mọi chuyện. Buồn nhất là lúc ốm không có bố mẹ sát ngay bên cạnh. Vì thế phải tự chăm sóc bản thân thật tốt để còn có sức lực mà học tập”. Tự cơm nước, giặt giũ cũng đồng nghĩa với việc Duyên tự quản lý tài chính bố mẹ cấp hàng tháng, biết tính toán chi tiêu và quan trọng hơn là biết quý giá trị đồng tiền của bố mẹ đầu tư cho mình học tập...

Nếu như Duyên phải biết tính toán, chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày thì Huế ngoài việc học, trách nhiệm của một người chị gái cũng nặng nề hơn khi hai chị em không có bố mẹ bên cạnh. Nhắc nhở, bảo ban em học hành, chăm sóc em lúc ốm đau.

Nhớ lần Minh bị cảm nắng, sốt cao. Cả ngày, cả đêm hôm ấy, Huế long tong lo lắng từ việc đi mua cháo, mua thuốc, thay khăn lạnh đắp trán cho em. Đêm đến, thi thoảng lại thức giấc xem em thế nào. Khi ở nhà với bố mẹ, chẳng riêng gì Minh mà cả Huế  nhiều khi còn tị nạnh nhau những việc bé xíu và không đâu. Xa gia đình, cô học trò 16 tuổi Đinh Thị Thiên Huế dường như lớn hơn trong vai trò của một người chị gái.

Trọ học, xa gia đình không phải là điều nhiều em mong muốn. Nhà Huế và Minh ở Lương Thịnh (Trấn Yên). Đã một thời gian hai chị em xế nhau trên xe đạp điện về thành phố Yên Bái này học. Một lần, trên đường đi học, hai chị em gặp tai nạn. Không yên tâm cho hai cô con gái đi đi về về trên con đường tới trường gần hai chục cây số, bố mẹ Huế, Minh tìm nhà trọ cho hai con học tập.

“Thực sự chúng em chưa muốn phải xa gia đình nên trọ học cũng là điều bất đắc dĩ. Học trường cấp ba ở huyện thì sợ sau này thi đại học không đảm bảo nên cố gắng thi vào trường thành phố học tập”. Sau một tuần học tập căng thẳng, có lẽ vui nhất là ngày cuối tuần hai chị em rong ruổi trên chiếc xe đạp điện về thăm nhà, niềm thích thú được trở về nhà hiện hữu rõ trên khuôn mặt của hai cô bé học trò.

Tự do

Trọ học phải tự lập song cũng đồng nghĩa với việc “được tự do”. Không có ý thức tự giác, nhiều em không tránh khỏi những cám dỗ.

Phổ biến nhất với nam học sinh là lao vào con đường điện tử. Một ngày chủ nhật mưa gió, một người phụ nữ vừa vượt hơn 80 cây số chạy xe máy từ Văn Chấn ra, đứng trước cửa phòng con trai trọ. Cửa đóng, chị liền lao ngay đến mấy quán Internet gần đấy, nhác nhác soi tìm gương mặt quen của cậu con trai. Tìm chừng dăm, bảy quán cuối cùng cũng thấy cậu bé đang dán mặt vào màn hình máy tính, mẹ đứng đằng sau tự bao giờ mà không hay.

Một ngày chủ nhật mưa gió, một người phụ nữ vừa vượt hơn 80 cây số chạy xe máy từ Văn Chấn ra, đứng trước cửa phòng con trai trọ. Cửa đóng, chị liền lao ngay đến mấy quán Internet gần đấy, nhác nhác soi tìm gương mặt quen của cậu con trai. Tìm chừng dăm, bảy quán cuối cùng cũng thấy cậu bé đang dán mặt vào màn hình máy tính, mẹ đứng đằng sau tự bao giờ mà không hay.
Chị Hoàng Thị M buồn rầu bảo: “Nỗi lo lắng nhất khi cho con ra ngoài ngày trọ học đã là sự thật. Hôm nay ra đột xuất, kiểm tra xem nó học hành thế nào, y như rằng đã ở trong “quán nét”. Thế mà gọi điện nó bảo hôm nay nó đi học thêm, nên tuần này không về nhà nữa”. Chị M đã rất chặt chẽ việc tiền nong cho con hàng tháng cũng nhằm để con trai không có tiền chơi điện tử. Mọi khoản tiền nộp ở trường, ở lớp chị đều điện hỏi lại cô giáo chủ nhiệm rồi mới đưa tiền cho con.

Tiền nhà, tiền cơm nước, tiền học thêm cho con hàng tháng chị trực tiếp ra đóng. Nghĩa là đã chặt chẽ hết mức có thể song đã không ít lần chị trực tiếp bắt gặp con trong quán Internet với trò điện tử. Tra hỏi ra cuối cùng cậu con trai cũng thừa nhận: “Có bạn bao con đi chơi”. Đến nước này thì cũng đành bó tay!

Chỉ một đoạn vài trăm mét quanh quanh khu trường Nguyễn Huệ đã thấy nhan nhản các cửa hàng Internet. Giờ tan học quán nào gần như cũng chật kín màu áo đồng phục của học sinh. Không ở cùng gia đình, nhiều cậu học trò được thể “tự do” ra vào quán nét.

Cô Nguyễn Hồng Thuý - chủ một nhà trọ ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái vẫn nhắc chuyện một cậu học sinh từng trọ học ở đây, năm lớp 10 học rất giỏi, song không tránh khỏi sức cám dỗ của trò điện tử đã lao vào con đường này không có điểm dừng. Cuối cùng, con đường đại học của cậu với sức học ban đầu đáng nhẽ ra mở rộng bỗng trở nên chật vật, gian nan và xa vời.

Nếu như điện tử là mối lo ngại cho các bậc phụ huynh có con trai trọ học thì yêu lại điều khiến những người làm cha mẹ ái ngại hơn cả đối với những cô con gái sớm đi học xa nhà. “Bạn ấy bây giờ hay ăn diện, bắt đầu trang điểm và có những cuộc điện thoại hẹn hò.

Thời gian học của bạn ấy tất nhiên cũng ít đi” - em M.P.T kể về cô bạn cùng lớp và cùng phòng trọ. Bà chủ một khu trọ cũng kể rằng: “Nhiều học sinh trong khu trọ mới học lớp 10 đã thấy yêu. Có lần bạn trai của chúng còn chơi khuya, tôi phải nhắc nhở và cũng chỉ biết nhắc nhở về quy định thời gian tiếp khách ở nhà trọ thôi. Thấy bậc phụ huynh nào quan tâm tới con thì mình còn phản ánh lại để họ biết mà nhắc nhở, bảo ban con cái. Nói thật, thấy mấy đứa nhiều lúc đi chơi đêm hôm, học hành có vẻ chểnh mảng hơn trước mà cũng thấy ái ngại thay”.

Trọ học xa nhà, nhiều học sinh nam dễ sa vào trò chơi điện tử.

 Và tự giác

Trước ngày con ra nhập học ngoài thành phố, chị Thu Hà (thị xã Nghĩa Lộ) đã phải lặn lội tìm cho con một nhà trọ không chỉ thuận tiện cho học hành đi lại mà quan trọng hơn là có thể nhờ vả gửi gắm trông nom con cái giùm. May mắn chị tìm được chính khu trọ của một người quen cũ. 

Người chủ nhà trọ cũng đã rất nhiệt tình khi được “uỷ thác quản lý” con hộ bạn. Một cơ chế quản lý con được thiết lập. Thời gian biểu của cậu bé được công khai cho chủ nhà, bất kể đi đâu, làm gì ngoài thời gian biểu đều phải xin phép bác chủ nhà như xin bố mẹ. Mọi khoản tiền nhà, tiền sinh hoạt, tiền đóng học chị Hà đều trực tiếp đóng học cho con. Những khoản đóng đột xuất thì trình bày với chủ nhà để bác ứng trước hộ chị.

Chị cũng thường xuyên liên hệ với thầy cô và cả một số bạn cùng lớp để theo dõi việc lên lớp của con. “Làm mọi cách như vậy cũng chỉ là vạn sự bất đắc dĩ. Ấy vậy mà nhiều lúc nghe bác chủ nhà phản ánh lại rằng nó lại xin 15, 20 nghìn bảo đi sinh nhật bạn, phô tô tài liệu... không biết có đúng hay không thì chính tôi cũng không thể tin tưởng tuyệt đối. Biết đâu nó lại tìm cách đi chơi điện tử. Làm cha mẹ ai không tìm cách cho con cái học hành nên người. Song ý thức tự giác từ bản thân con cái vẫn là chính”. 

Những cô cậu học trò chấp nhận sớm xa gia đình trọ học ở thành phố cũng không ngoài mục đích học tập được tốt hơn. Nếu không tự giác thì sự trọ học xa nhà ấy phỏng có ích gì?

Thu Hạnh 

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục