Lò gạch thủ công: Bao giờ thôi đỏ lửa

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/7/2011 | 3:25:13 PM

YBĐT - Đã 6 tháng kể từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, các lò gạch ở Yên Bái vẫn đỏ lửa, “nhả” khói và "ăn" tài nguyên đất.

Lò gạch thủ công gây ô nhiễm ở khu vực nông thôn.
Lò gạch thủ công gây ô nhiễm ở khu vực nông thôn.

Theo Quyết định 115/2001 QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ thì đến hết năm 2010 tất cả các lò gạch thủ công phải đóng cửa. Việc đóng cửa các lò gạch thủ công là thực sự cần thiết bởi đó là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, nhất là ở khu vực nông thôn. Vậy mà đã 6 tháng kể từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, các lò gạch ở Yên Bái vẫn đỏ lửa, “nhả” khói và "ăn" tài nguyên đất.

Ông Nguyễn Văn Nhỡ ở xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái kể: "Bình quân cứ 20 đến 25 ngày là người dân có 3 ngày bị "tra tấn". Khói gạch trắng toát, mùi nồng nặc bay khắp nơi, đặc biệt, những hôm lặng gió hoặc trời nồm, khói bay là là quẩn quanh trong tán cây, vào nhà, vào bếp. Trẻ nhỏ, người già không thể chịu nổi, bà nhà tôi ốm quá, cứ hôm nào họ đốt gạch là phải đi "sơ tán" thật xa".

Thấy có người đến trao đổi về vấn đề "khói gạch" mấy người hàng xóm nhà ông Nhỡ cùng kéo sang. "Không thể chấp nhận được nữa. Rồi bệnh tật mà chết cả thôi"; "Các anh nhìn mà xem, cây sấu, cây chanh, toàn những cây bản địa khoẻ thế mà ở gần lò gạch đã bị hỏng toàn bộ.

Chúng tôi đã đến nhà làm gạch phân tích, nhắc nhở nhiều lần, cũng đã có cả kiến nghị lên chính quyền rồi nhưng mãi vẫn chưa thấy ai đả động". "Hỏi xã thì xã phân tích, cho họ đốt nốt ít đất, ít than đã mua" nhưng họ nói vậy thôi chứ hết đất lại kiếm, hết than lại mua! Khi chúng tôi sang nhà làm gạch thì được chủ lò giải thích "lò này em thuê, đã trả tiền đầy đủ, chủ chính thức có trách nhiệm giải quyết vấn đề môi trường". Vậy là chính quyền có biểu hiện nương tay, chủ lò gạch loanh quanh trốn tránh trách nhiệm, người dân thì cứ phải... tiếp tục hít khói độc! Cách cửa nhà ông Nhỡ chưa đầy 100 mét là một lò gạch đứng sừng sững cứ thoải mái “nhả” khói trắng đục, bên cạnh có một ụ đất lớn, một hố than to, dấu hiệu cho thấy chủ lò gạch vẫn phát huy công suất.

Nỗi khổ của ông bà Nhỡ cùng mấy người hàng xóm ở Hợp Minh kể trên chỉ do một cái lò gạch duy nhất trong xóm gây ra, còn ở thôn Lưỡng Sơn, xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái), nơi có đến 18 lò gạch sản xuất tập trung thì mức độ ô nhiễm môi trường, mức độ lãng phí tài nguyên đất còn lớn hơn rất nhiều.

Được xác định là ngành nghề kinh tế quan trọng, nghề làm gạch ở Văn Tiến giúp cho hàng chục hộ dân trong xã giàu lên, nhiều hộ khác làm nghề dịch vụ vận tải cũng có của ăn, của để, các lò gạch đóng góp ngân sách chủ yếu cho địa phương và một vấn đền nữa là... các ông, bà chủ lò gạch là những người hăng hái nhất, nhiệt tình nhất trong các hoạt động quyên góp, ủng hộ...

Có lẽ chính những cái được ấy mà xã Văn Tiến đã coi nghề gạch là nghề quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Thế rồi chưa cần phải đợi đến Quyết định 115 của Chính phủ, hàng loạt đơn thư phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm do khói gạch gây ra được gửi lên chính quyền xã.

Bí thư Đảng uỷ xã Văn Tiến - Nguyễn Ngọc Tân cho biết: "Trong bối cảnh khó khăn ấy thì cấp xã cũng chỉ biết yêu cầu các chủ lò gạch giải quyết hậu quả (nghĩa là bồi thường trực tiếp cho những nhà bị thiệt hại hoa màu), nghiêm cấm việc đốt gạch khi lúa trỗ đòng". Ông Tân thừa nhận, chỉ có thể yêu cầu các lò gạch bồi thường thiệt hại khi lúa mất mùa, còn sức khoẻ con người hay vật nuôi thì không thể giải quyết được!.

Cánh đồng tổ 2B, 3B thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ và xã Phù Nham lân cận, thuộc vùng lòng chảo Mường Lò rộng cả trăm héc ta, bằng phẳng là thế, phì nhiêu là thế mà nay lô nhô những vỏ lò, nham nhở gạch vụn, cùng cả trăm hủm hố. Khu sản xuất gạch tập trung này có từ những năm 80 của thế kỷ trước và phát triển mạnh đầu những năm 2000.

Mức độ nguồn ô nhiễm không gây bức xúc vì khu lò gạch ở xa khu dân cư và các chủ lò tuân thủ rất nghiêm việc không đốt gạch khi lúa trỗ đòng nhưng bất kỳ ai một lần đến thăm vùng quê này cũng xót xa trước việc cảnh quan bị phá vỡ, tài nguyên đất đang bị sử dụng rất lãng phí "bờ xôi, ruộng mật đều bị đem ra làm gạch".

Ông Đỗ Xuân Hà - Tổ trưởng tổ nhân dân 2B là người thấu hiểu mảnh đất này và cả nghề làm gạch ở đây. Những cái lợi của nghề làm gạch Mường Lò như tạo ra nguồn vật liệu xây dựng quan trọng cho cả vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang ChảI, giải quyết việc làm cho cả trăm lao động, là nguôn thu ngân sách lớn cho địa phương... ngay cả gia đình ông cũng sống nhờ vào nghề làm gạch. Nhưng có lẽ ông Hà và những người làm nghề này ở Yên Bái cũng phải hiểu và chấp nhận một điều rằng "sứ mệnh lịch sử" của lò gạch thủ công nay đã hết khi ô nhiễm môi trường là vấn đề toàn cầu; cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là sức khoẻ của dân làng, của chính bản thân những chủ lò gạch đang từng ngày, từng giờ bị ảnh hưởng.

 

Sử dụng máy xúc đào đất phù sa làm gạch ở Nam Cường (thành phố Yên Bái).

Nếu các lò gạch thủ công dừng sản xuất thì thị trường gạch xây sẽ được lành mạnh, phát triển thêm. Nói như vậy cũng còn là bởi thành phố Yên Bái đã có gạch Xuân Lan và liền kề với khu sản xuất gạch ở Nghĩa Lộ đã có gạch Quang Thịnh, ngay sát thôn Lưỡng Sơn, xã Văn Tiến là Nhà máy gạch Sông Hồng đang xây dựng, Trấn Yên có gạch bảo Hưng, Văn Yên có gạch An Thịnh... sản lượng các nhà máy đều vài chục triệu viên/năm, đặc biệt sản phẩm gạch bê tông của công ty Thanh Bình ở xã Đại Phác huyện Văn Yên sản xuất từ bột đá, nhà máy có năng suất cao, chất lượng gạch tốt, sản phẩm khá đa dạng... và đều có giá cả hợp lý.

Không thể phủ nhận những đóng góp của các lò gạch thủ công (xét cả về góc độ kinh tế lẫn xã hội) nhưng như đã nói ở trên "sứ mệnh lịch sử" của các lò gạch này nay đã không còn. Chính phủ đã có quyết định cụ thể để những người sản xuất gạch có thời gian và điều kiện chuẩn bị chuyển đổi ngành nghề. Thiết nghĩ, 6 tháng đã qua kể từ khi Quyết định 115 của Chính phủ có hiệu lực thì các lò gạch cũng không vì lý do này, lý do khác mà tiếp tục sản xuất.

Tấn Đạt

Các tin khác
Các em học sinh thôn 6 đi học đều phải qua chiếc mảng tre này

YBĐT - Dòng Hút cắt ngang 5 thôn của xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) trong đó có thôn 3, thôn 6 và thôn 7 là những thôn cách xa cầu trung tâm khiến nơi đây trở thành một ốc đảo.

Với trên 3.800 ha chè kinh doanh Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Thanh Phúc)

YBĐT - Với diện tích trên 3.800 ha chè kinh doanh, Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn  nhất tỉnh và chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện và của tỉnh Yên Bái.

Ba mẹ con chị Tố bên ngôi nhà rách nát.

YBĐT - Nhìn khuôn mặt hồn nhiên của những đứa trẻ không có cha chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Các em đâu biết rằng mẹ của các em sức khỏe ngày một yếu đi và không biết sẽ còn sống với các em bao lâu nữa. Các em vẫn mơ được như bao người khác.

Khó có thể kiểm soát những quầy thực phẩm di động như thế này.

YBĐT - Hiện nay nỗi lo “bệnh vào từ miệng” luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi thực phẩm là nguồn truyền bệnh nguy hiểm nếu không được bảo đảm an toàn và vệ sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục