Bệnh vào từ miệng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2011 | 3:26:36 PM

YBĐT - Hiện nay nỗi lo “bệnh vào từ miệng” luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi thực phẩm là nguồn truyền bệnh nguy hiểm nếu không được bảo đảm an toàn và vệ sinh.

Khó có thể kiểm soát những quầy thực phẩm di động như thế này.
Khó có thể kiểm soát những quầy thực phẩm di động như thế này.

Thực phẩm không an toàn đang là vấn đề bức xúc của mọi người, nó tác động trực tiếp đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống con người. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mới đáp ứng phần nào trước yêu cầu cấp bách hiện nay. Người tiêu dùng luôn lo ngại về thực phẩm không “sạch” và trông chờ chủ yếu vào lương tâm của nhà sản xuất, nhà dịch vụ.

Chồng chất những mối lo

Gia đình ông Sự ở gần chợ Hồng Hà (thành phố Yên Bái) thường xuyên mổ lợn, gà thuê, có lúc ông còn mua cả gà về mổ bán tại nhà. Được cái ông làm rất đắt hàng và đông khách đến thuê bởi tính cẩn thận, sạch sẽ. Có hôm hai vợ chồng mổ tới 6 - 7 con lợn, chưa kể hàng chục con gà, vịt, chó, mèo… Vừa rồi, tôi mua được con gà ngon tới thuê ông mổ và ngạc nhiên khi thấy dăm bảy người khách lần lượt mang những miếng thịt còn chưa chế biến tới trả ông Sự để đòi lại tiền.

- Cứ tưởng lợn “sạch” mua cả “quả” mông để dành, nào ngờ khi cắt một miếng nấu lên toàn thấy mùi lạ, ngửi đã thấy khó chịu chứ nói gì ăn để mà sinh bệnh. - Một bà trung tuổi sấn sổ.

Ông Sự nhăn nhó giải thích, chẳng qua ông chỉ là người mổ thuê, bán thuê thôi chứ có phải lợn của ông nuôi đâu! Tranh cãi mãi rồi cuối cùng ông Sự cũng đành bảo vợ nhận lại tới hơn nửa số thịt lợn đã bán và mở tủ lấy tiền trả lại cho khách. Đợi khách về hết, ông Sự mới gọi bà K. (chủ có lợn thuê ông mổ) đến để nói cho ra nhẽ. Chứng kiến cuộc tranh cãi chúng tôi mới vỡ lẽ, bà K. cho rằng lợn nhà bà nu

ôi là “lợn sạch”, bởi bà cho ăn toàn cám bã, nước gạo chứ không có thức ăn chăn nuôi. Nhưng bà K. cũng thú thật, vừa rồi nó bị bệnh gia đình đã tiêm mấy mũi thuốc kháng sinh liều cao mà không khỏi nên bà tới thuê ông Sự mổ và xả thịt bán hộ luôn. “Mình làm ăn uy tín cả làng cả chợ đều biết thế mà chỉ vì con lợn ốm của bà K. khiến khách hàng hiểu lầm rất ngại” ông Sự phân trần.

Bà Dung ở tổ 41, phường Hồng Hà góp chuyện: “Các con các cháu cũng luôn dặn tôi rằng mẹ đừng tiếc tiền, cứ cái gì sạch sẽ, an toàn thì mẹ mua. Ấy vậy nhưng tôi làm sao dám chắc cái nào là an toàn, là sạch? Lợn này có nuôi bằng hóa chất không? Gà này có phải gà của Việt Nam hay gà Trung Quốc thải loại? Tôi đọc báo thấy bảo khi làm thịt rồi thì chính người bán cũng còn không phân biệt được, huống hồ...”.

Rất nhiều người chăm đọc báo, xem truyền hình và tự thấy mình khá “thông thái” trong việc chọn thực phẩm an toàn cho gia đình. Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ nhiều mối lo trước thực trạng thực phẩm nhiễm khuẩn, có chứa chất gây ung thư… như  các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu mấy ngày qua. Phải khẳng định, mua được một mớ rau có thực sự “sạch” hay không chủ yếu phụ thuộc vào lương tâm của người sản xuất ra sản phẩm đó.

Chị Thái Thị Minh - phường Minh Tân cho hay: “Hàng ngày, tôi chỉ mua rau của một người quen. Người này nói rau nhà họ tự trồng, chỉ tưới tắm qua loa, trông hơi xấu một tí nhưng an toàn. Nhưng gần đây, tôi lại nghe nói cái cây cải muối dưa ấy, người ta tưới, bón, phun đủ loại cho tốt. Đang non mơn mởn, họ lại phun một hóa chất gì gì ấy, làm cho nó ngả màu y như rau già. Thôi thì cứ nhắm mắt tin tưởng vào lời nói của người bán vậy, chứ thực hư thì chỉ có họ mới biết”.

Trường hợp ngộ độc dưa cải muối xảy ra đối với chị Nguyễn Thị Mơ, giáo viên trường mầm non Hoa Mai (thành phố Yên Bái) hồi tháng 5 vừa rồi là một minh chứng. Gặp chị Mơ ngay khi thoát cơn nguy kịch, tôi cảm nhận được thần sắc mệt mọi còn lộ rõ trên gương mặt chị. Chị cho hay: “Vừa được nghỉ chế độ nên ở nhà một mình đi mua chút dưa cải muối ở chợ về vừa ăn xong thấy đầu óc quay cuồng, người nôn nao, may mà kịp vớ cái điện thoại gọi cho người nhà cấp cứu kịp thời chứ không thì nguy to”.

Sự hám lợi của một bộ phận cá nhân, cơ sở sản xuất, dịch vụ khiến cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng không chỉ ngay trước mắt mà còn ảnh hưởng về lâu dài. Thậm chí, người tiêu dùng có thể mắc những căn bệnh vô phương cứu chữa như  ung thư. Những hành vi thiếu lương tâm, trách nhiệm trong sản xuất chế biến thực phẩm không đạt tiêu chuẩn luôn là vấn đề đáng báo động.

Có thể thấy vào các dịp tết Nguyên đán, Trung thu hay Tháng ATVSTP, thanh tra liên ngành của tỉnh, của huyện đều tổ chức kiểm tra các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện nhiều cơ sở vi phạm.

Một cán bộ đơn vị chức năng thổ lộ: “Đợt thanh tra một nhà hàng ở huyện mới đây phát hiện món thịt ngỗng đã chế biến có nấm mốc do tích trữ lâu trong tủ lạnh. Trước đó, ngành chức năng cũng đã kiểm tra, xét nghiệm và phát hiện một số mẫu rượu có hàm lượng Methanol gây độc cao gấp nhiều lần cho phép tại một số nhà hàng trên địa bàn…

Thực phẩm có chứa chất độc hoặc được sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe cũng còn lưu hành rất nhiều trên thị trường. Nào giò, chả chứa hàn the, rau củ quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật, rồi rượu tự nấu hoặc tự pha chế, làm giả có lượng cồn, chất độc hại cao… luôn là vấn đề khiến người tiêu dùng lo lắng”.

Lương tâm và trách nhiệm

Vì chất lượng VSATTP trước hết đòi hỏi ở lương tâm và trách nhiệm nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ khi làm và tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các khâu trong chuỗi bảo đảm chất lượng thực phẩm (từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng) đều phải đạt vệ sinh và an toàn.

Bất kỳ khâu nào không đạt yêu cầu nguy cơ ngộ độc thực phẩm đều có thể xảy ra. Trách nhiệm bảo đảm chất lượng VSATTP là của tất cả mọi người trong xã hội từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đến các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và đến cả người tiêu dùng.

Chất lượng VSATTP hiện nay rất đáng báo động, được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều. Việc sử dụng không an toàn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt nông nghiệp, thủy sản hiện nay còn khá phổ biến.

Yên Bái cũng có những vùng rau sạch, những trại chăn nuôi thực hiện đúng quy trình sản xuất như ở Tuy Lộc, Âu Lâu nhưng số lượng và tỷ lệ vô cùng nhỏ, mới chỉ đáp ứng một phần nào nhu cầu người tiêu dùng. Nên chăng, các địa phương cần nghiên cứu xây dựng, mở rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VSATTP?

Về chính sách pháp luật, đã có rất nhiều các văn bản quy định, hướng dẫn nhưng chưa phủ hết các lĩnh vực. Thực tế, đội ngũ cán bộ, chuyên môn còn thiếu và yếu, nhất là tuyến huyện, xã trong thực hiện việc kiểm tra, thẩm định cơ sở, cấp giấy phép theo quy định. Việc đầu tư nâng cao năng lực kiểm nghiệm của các cơ sở tại địa phương cũng như bố trí kinh phí hoạt động chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

Mức xử lý vi phạm còn chưa phù hợp với quy mô của cơ sở và bản chất của sự việc. Những cơ sở vi phạm ngoài bị xử phạt cũng cần phải đưa lên công luận, nhất là những cơ sở tái phạm hoặc có phạm vi gây ảnh hưởng rộng, tính chất nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục dục sức khỏe cho mọi người và xem đây là một trong những giải pháp cơ bản, lâu dài từ khâu tổ chức khám sức khỏe, thẩm định, đến cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở.

Đặc biệt, có cơ chế giám sát đối với những người trồng trọt, chăn nuôi, các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh tuân thủ các quy định về VSATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Vì vậy, người tiêu dùng “thông thái” trước hết phải biết tự bảo vệ mình khi chọn mua và sử dụng thực phẩm. Các cơ quan thông tin truyền thông, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua nhiều hoạt động đa dạng và phong phú để nâng cao kiến thức cho người sản xuất và cả người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, về VSATTP.

Huy Văn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục