Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Đã thực sự đi vào cuộc sống?

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/7/2011 | 9:45:15 AM

YBĐT - Qua số liệu xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái, từ năm 2001 đến nay, đã xét xử trên 4.000 vụ ly hôn, trong đó, có trên 55% số vụ liên quan đến BLGĐ và người gây bạo lực chủ yếu vẫn là nam giới.

Lớp tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình cho nam giới tại xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái).
Lớp tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình cho nam giới tại xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái).

Chị N.T.N ở phường Y, thành phố Yên Bái – một nạn nhân của BLGĐ nói: “Tôi đã kết hôn được 15 năm và đó cũng là quãng thời gian tôi thường xuyên bị chồng mắng chửi, đánh đập chỉ vì sinh con gái.

Trong một tuần gần đây nhất, sau khi đi uống rượu say về, chồng tôi đã đập phá hết mọi đồ đạc trong nhà rồi đánh, đuổi cả ba mẹ con ra ngoài đường giữa lúc đêm tối. Tuy rất thương các con, tôi đã tha thứ cho anh ấy rất nhiều lần, nhưng anh ấy vẫn chứng nào tật nấy nên lần này tôi đã quyết định làm đơn ly hôn và đang chờ ngày toà gọi xét xử”.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1- 8 - 2008. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong mỗi gia đình gia đình, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em – những đối tượng có khả năng dễ bị bạo lực gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau gần 3 năm thực hiện tại Yên Bái, luật vẫn chưa thể đi sâu vào cuộc sống.

Nhức nhối bạo lực gia đình

Theo số liệu thống kê của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng từ 700 - 900 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). Tuy nhiên, con số trên dường như mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi trong thực tế, BLGĐ vẫn tồn tại và tiềm ẩn trong rất nhiều các gia đình mà hiện các cơ quan luật pháp và chính quyền địa phương chưa thể phát hiện và xử lý được.

Nguyên nhân là do vẫn còn có những nạn nhân của BLGĐ chưa dám nói lên sự thật, phần nữa vì BLGĐ ngày càng phát sinh nhiều khuynh hướng mới không dễ nhận diện như: bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế…

Cũng theo kết quả khảo sát về thực trạng BLGĐ tại một số địa bàn dân cư thì phần đa những nạn nhân của BLGĐ đều là phụ nữ, trẻ em và người già – “ những người chân yếu tay mềm”,  nên khi có bạo lực xảy ra thì họ thường không có khả năng chống đỡ hoặc có thì cũng rất yếu ớt. Do vậy nên, đã có không ít những trường hợp, người vợ do bị người chồng hành hạ quá nhiều (cả về thể xác lẫn tinh thần) dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần, luôn sống trong cảnh hoang mang, sợ hãi, tự ti và đôi khi dẫn đến trầm cảm. Có những nạn nhân của BLGĐ vì quá bế tắc, không có khả năng ngăn cản và chống cự lại được hành vi bạo hành của chồng “đành” phải tự giải thoát mình bằng cách ly thân, ly hôn, tự tử hay bỏ đi…

Tương tự với trường hợp của chị N, chị N.T.H ở xã An Lạc (huyện Lục Yên) cũng thường xuyên bị người chồng “nát rượu “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” một cách vô cớ. Có những lần chị H đã bị chồng đánh đến gãy cả tay và ngất xỉu phải đi bệnh viện cấp cứu. Do quá uất ức, cách đây một năm, chị H đã uống thuốc sâu tự tử và để lại hai đứa con nhỏ vô tội với người cha vô nhân tính.

Được biết, trong 5 năm trở lại đây, số vụ ly hôn và tự tử do bị BLGĐ trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng ngày càng tăng và tập trung nhiều ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (nơi có nhiều đồng dân tộc thiểu số sinh sống).
 
Đi tìm nguyên nhân

 

Buổi sinh hoạt của CLB phòng chống bạo lực gia đình thôn Đại Phác, xã Đại Phác (huyện Văn Yên).

Theo kết quả khảo sát của một tổ chức phi chính phủ có tên gọi CSAGA vào đầu tháng 3 vừa qua tại 8 tỉnh, thành trên cả nước (trong đó có Yên Bái) đã cho thấy, có đến 90% số người được hỏi trả lời là “có nghe đến Luật Phòng, chống BLGĐ”, trong đó tỷ lệ nam giới là 92% và tỷ lệ nữ giới là 87%. Như vậy, có thể thấy, phần đa người dân vẫn chưa nắm rõ được các nội dung chi tiết của Luật Phòng, chống BLGĐ nên đã dẫn đến việc hiểu rất mơ hồ Luật.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng BLGĐ,  những năm gần đây một số các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp cũng đã quan tâm và cho xây dựng các mô hình phòng, chống BLGĐ tại các khu dân cư. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được gần 160 mô hình phòng chống BLGĐ và 70 câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ. Các mô hình, CLB này, về cơ bản đã phát huy được tác dụng, đem lại kết quả như mong muốn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân và hạn chế được tình trạng BLGĐ xảy ra.

Song, bên cạnh các mô hình, CLB hoạt động tốt, vẫn còn những mô hình, CLB hoạt động chỉ mang tính hình thức, thành lập cho có, có khi cả năm chỉ sinh hoạt một đến hai lần, trong khi nội dung sinh hoạt lại chưa phong phú, đa dạng, chuyên sâu, khả năng lĩnh hội và tuyên truyền của bộ phận cán bộ chuyên trách còn thiếu và yếu nên không giúp cho việc tuyên truyền đạt hiệu cao.

Một phụ nữ người Dao (45 tuổi) ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: “Tôi không biết về Luật phòng, chống BLGĐ. Tuy cũng nghe loáng thoáng về luật này, nhưng tôi không để ý”.

Cũng theo các thông tin thu được từ cộng đồng trong quá trình khảo sát thì nhiều người vẫn quan niệm cho rằng BLGĐ là phải gây thương tích và là “chuyện riêng” của mỗi gia đình nên mọi người thường có thói quen tự tìm cách giải quyết mà ít nhờ đến sự can thiệp của cộng đồng, xã hội.

Lý giải về nguyên nhân người dân không hoặc ít hiểu biết về Luật Phòng, chống BLGĐ, một hội trưởng Hội Phụ nữ xã ở huyện Yên Bình cho rằng: “Ngoài nguyên nhân còn nhiều hạn chế trong việc tuyên truyền Luật, thì trình độ dân trí, ý thức tiếp thu Luật và những bất cập trong ngôn ngữ giao tiếp giữa tiếng phổ thông và tiếng của các dân tộc thiểu số cũng là một trong những rào cản khiến Luật Phòng, chống BLGĐ vẫn chưa thể đi sâu vào cuộc sống”.

Cần những giải pháp đồng bộ

Luật Phòng, chống BLGĐ đã được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/8/2008. Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các mô hình và tổ chức các biện pháp phòng, chống BLGĐ có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, BLGĐ là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với truyền  thống, văn hoá, phong tục, tập quán của mỗi địa phương và nhận thức, suy nghĩ của người dân. Do vậy nên công tác phòng, chống BLGĐ không chỉ bao gồm việc áp dụng và thực thi pháp luật mà còn phải gắn với việc thực hiện bình đẳng giới và công tác xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc.

 

Một cảnh trong vở kịch “Nói không với BLGĐ do các thành viên trong câu lạc bộ “Chia sẻ” (Câu lạc bộ của những nạn nhân BLGĐ) xã Tân Thịnh.

Để Luật Phòng, chống BLGĐ sớm đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tập trung vào các giải pháp như: tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về BLGĐ; làm tốt công tác hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ; trang bị cho nạn nhân BLGĐ vũ khí để tự bảo vệ mình như: nghề nghiệp độc lập về tài chính, trình độ học vấn, cách ứng xử trong gia đình…; đẩy mạnh phong trào “ Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ theo đúng quy định của Nghị định số 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ; thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng chống BLGĐ, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới…

H.O

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục