Hướng đi nào cho cây chè Trấn Yên?

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/6/2012 | 9:40:24 AM

YBĐT - Huyện Trấn Yên có vùng nguyên liệu chè đứng thứ 2 của tỉnh Yên Bái với diện tích 2.200 ha, trong đó có hơn 300 ha chè lai LDP1, LDP2, 420 ha chè chất lượng cao, 18 ha chè Shan và gần 1.500 ha chè trung du. Tuy vậy, để cây chè thực sự phát huy được những tiềm năng trên vùng đất Trấn Yên vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Diện tích chè được trồng tập trung tại xã Bảo Hưng (Trấn Yên).
Diện tích chè được trồng tập trung tại xã Bảo Hưng (Trấn Yên).

Thực trạng vùng chè Trấn Yên

Theo kết quả rà soát diện tích chè đến tháng 6/2012,  huyện Trấn Yên có 2.245 ha, trong đó diện tích cho năng suất ổn định từ 7 tấn/ha/năm trở lên có gần 1.400 ha, diện tích chè già cỗi cho năng suất thấp dưới 4 tấn/ha/năm là 400 ha.

Ngoài ra, còn có hơn 420 ha chè được trồng xen với các loại cây lâm nghiệp như ở Báo Đáp, Việt Cường, Việt Hồng, Lương Thịnh, Quy Mông (60% - 70% diện tích trồng xen cây lâm nghiệp không cho thu hoạch). Đơn cử như xã Y Can diện tích 25 ha chè thì có đến 20 ha là trồng xen với các loại cây lâm nghiệp khác, hàng năm số diện tích này cho thu hoạch không đáng kể. Còn tại các xã như: Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh… thời gian gần đây nhiều hộ dân đã phá bỏ gần 40 ha chè chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp khác.

Trong những năm qua, mức độ đầu tư thâm canh diện tích chè của nông dân Trấn Yên còn thấp, nhiều hộ dân chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chè búp tươi không cao, phát triển vùng nguyên liệu chưa bền vững. Việc trồng cải tạo chè già cỗi và chăm sóc chè trong thời kỳ kiến thiết cơ bản còn hạn chế, các hộ dân chưa chú trọng đầu tư về nhân lực và vật tư cũng như áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc để tạo cho cây chè sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Mặc dù có diện tích chè già cỗi và chè trung du khá lớn nhưng hàng năm toàn huyện cũng chỉ trồng mới, trồng cải tạo được từ 70 đến 80 ha. Do đó, để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu sẽ đòi hỏi một khoảng thời gian dài đến hàng chục năm.

Trong năm 2011, năng suất chè búp tươi trung bình của huyện đạt 77,8 tạ/ha (trong đó chè chất lượng cao chỉ đạt 69 tạ/ha), sản lượng chè búp tươi đạt hơn 15.000 tấn. Thực trạng thu hái chè của người nông dân ở một số xã còn chạy theo lợi ích trước mắt, không tuân thủ quy trình kỹ thuật như: thu cắt bằng liềm, cắt quá dài, sử dụng máy hái chè không đúng kỹ thuật, đặc biệt đối với diện tích chè trung du làm nguyên liệu sản xuất chè đen nên đã gây ảnh hưởng tới chu kỳ sinh trưởng của cây chè. Sản lượng chè búp tươi hàng năm, một phần nhân dân tự chế biến chè xanh bán cho thị trường tại chỗ, phần còn lại bán cho các nhà máy chế biến và các đại lý thu gom với giá trung bình khoảng 3.000 đồng/kg.

Trong quá trình mua bán, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến với người dân trồng chè còn rất hạn chế, không có sự ràng buộc để ổn định giá cả cũng như chất lượng sản phẩm. Do đó tình trạng tranh mua, tranh bán, tăng giá, ép giá làm ảnh hưởng đến thị trường và lòng tin của người nông dân.

Trong năm 2011, có thời điểm giá chè búp tươi lên đến 3.500 đồng/kg nhưng có lúc cũng giảm xuống 2.500 đồng/kg, thậm chí ở một số xã như Tân Đồng, Việt Cường, Hưng Thịnh giá thu mua chỉ đạt 1.500 - 1600 đồng/kg. Chính vì giá thu mua nguyên liệu thấp nên các hộ dân đã ồ ạt đầu tư mua bom chè thủ công về tự chế biến dẫn đến một số cơ sở chế biến lớn phải ngừng hoạt động do không có nguyên liệu sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 16 đơn vị, công ty, hợp tác xã, cơ sở tham gia sản xuất, chế biến và kinh doanh chè với tổng công suất chế biến 130 tấn chè búp tươi/ngày. Phần lớn công nghệ, thiết bị chế biến của các cơ sở còn lạc hậu, chắp vá nên chất lượng sản phẩm chưa cao, đa phần mới chỉ sản xuất chè đen bán thành phẩm. Ngoài ra, toàn huyện hiện còn 419 hộ gia đình tham gia chế biến chè với tổng số 544 bom quay chè thủ công, có khả năng chế biến khoảng 80 tấn chè búp tươi/ngày, chất lượng sản phẩm chè khô của các cơ sở chế biến chè thủ công chỉ ở mức độ sơ chế, chè cấp thấp.

Người dân xã Bảo Hưng (Trấn Yên) thu hái chè Bát Tiên.

Đi tìm nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cây chè chưa phát huy được tiềm năng tương xứng với diện tích như: lãnh đạo một số địa phương nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh chè chưa sâu sắc, thiếu sự chỉ đạo sát sao, nên nhiều cơ sở, hộ chế biến chạy theo lợi ích trước mắt chế biến chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và uy tín.

Bên cạnh đó, việc phát triển vùng nguyên liệu chè mới chỉ đạt mục tiêu về diện tích, còn chất lượng nguyên liệu chưa cao, chưa hình thành được vùng nguyên liệu chè tập trung có chất lượng tốt nên không thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chế biến. Các cơ sở chế biến chè hiện có thì chưa mạnh dạn đầu tư, nâng cấp thay đổi thiết bị hay các dây chuyền chế biến hiện đại và chưa có chiến lược lâu dài để nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Đặc biệt, mối quan hệ giữa người sản xuất nguyên liệu với các doanh nghiệp và mối quan hệ giữa các cơ sở chế biến còn thiếu sự gắn bó chặt chẽ.

Chỉ tính 16 đơn vị, cơ sở chế biến có tổng công suất 130 tấn/ngày (gấp 2 lần so với khả năng cung cấp nguyên liệu). Việc đầu tư tràn lan các cơ sở chế biến có cơ sở thiết bị, máy móc lạc hậu sẽ cung cấp ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong thu mua nguyên liệu, là bước cản lớn đối với mục tiêu nâng cao chất lượng và uy tín của ngành chè địa phương. Thêm nữa, các doanh nghiệp chưa chú trọng đến chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm chè do mình sản xuất, hiện nay chủ yếu vẫn là chế biến chè bán thành phẩm. Đối với người trồng chè, thu nhập còn thấp, giá trị sản xuất trung bình chỉ đạt từ 16 - 18 triệu đồng/ha/năm, vì vậy, người dân chưa thực sự tha thiết với cây chè.

Và giải pháp

Để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phát triển cây chè, trong những năm tới, huyện Trấn Yên đang triển khai xây dựng Nghị quyết “Sản xuất chế biến, kinh doanh chè giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Cụ thể, Trấn Yên phấn đấu ổn định 2.200 ha chè, nâng năng suất chè búp tươi đạt trên 8 tấn/ha/năm, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt từ 18.000 tấn trở lên.

Bên cạnh đó, sẽ trồng thay thế khoảng 500 ha chè già cỗi bằng các giống mới. Phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân từ cây chè sẽ cao gấp từ 2 đến 2,5 lần so với hiện nay, 30% sản lượng chè chế biến được xuất khẩu trực tiếp hoặc uỷ thác. Để thực hiện được những mục tiêu này, huyện Trấn Yên đã xây dựng các giải pháp cụ thể tập trung vào nhiều yếu tố.

Về phát triển vùng nguyên liệu, sẽ tổ chức lại sản xuất ngành chè phù hợp với tình hình thị trường và vùng nguyên liệu, tập trung thay đổi giống chè, đẩy nhanh tiến độ thay thế diện tích chè cũ kém hiệu quả bằng các giống chè có năng suất chất lượng cao. Theo đó, sẽ đẩy mạnh xây dựng các vùng chè tập trung đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến.

Ngoài ra, trong khâu chế biến sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản phẩm do mình làm ra, tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với xây dựng các nhà máy chế biến có quy mô phù hợp, có thiết bị công nghệ tiên tiến, sản xuất được các sản phẩm phù hợp với thị trường và xuất khẩu. Đặc biệt coi đây là giải pháp đột phá nhằm tạo ra những nhân tố mới tiên tiến tạo sự thay đổi về chất lượng trong phát triển chè tại Trấn Yên.

Về khâu tiêu thụ sản phẩm, sẽ thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, tiến hành quảng bá rộng rãi sản phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thị trường, tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào thị trường xuất khẩu trực tiếp. Đồng thời tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi để khuyến khích việc liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người làm chè, đảm bảo hài hoà lợi ích lâu dài giữa nông dân - doanh nghiệp - Nhà nước.

Cây chè có tầm quan trọng không kém gì cây lúa đối với người nông dân Trấn Yên, hi vọng rằng những giải pháp được đưa ra sẽ phát huy hiệu quả tối đa để giá trị cây chè ngày càng được nâng cao góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nguyễn Thanh Tiến

Các tin khác
Ở Đại Sơn, đâu đâu cũng ngút ngàn quế.

YBĐT - Nếu nói rằng hương quế Văn Yên đã tỏa hương khắp các vùng miền trong nước và lan tỏa ra nhiều nước bạn như Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật, Mỹ… thì những vùng quê như Viễn Sơn, Đại Sơn, Xuân Tầm… là khởi nguồn của mùi hương cay nồng ấy.

Bùn đất tràn xuống lòng khe và đập thủy lợi do tác động của việc Công ty Tây Bắc mở đường vào điểm mỏ.

YBĐT - Nếu như không kịp thời có biện pháp chủ động trước những tác động của hoạt động KTKS của hai công ty trong khu vực này thì ảnh hưởng tới nguồn nước và hoạt động sản xuất của nhân dân tới đây là rất lớn. Thực tế đã xảy ra. << Công trình đầu tư của Nhà nước phải được bảo vệ

Bùn đất bồi đầy đập thủy lợi Khe Bát, trước đó là đập nước sâu mà giờ có thể đi lại dễ dàng thế này.

YBĐT - Khai thác khoáng sản (KTKS) và những hệ luỵ của nó đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của chính quyền và nhân dân ở một số địa phương.

Các bé Trường Mầm non Thực hành tỉnh trong giờ tập vẽ.

YBĐT - Cuối tháng 5, đầu tháng 6 - đây là thời điểm các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Yên Bái bắt đầu mùa tuyển sinh cho năm học mới. Trong thời gian này, cùng với sự đôn đáo của nhiều bậc phụ huynh cố gắng tìm cho con mình một chỗ ở trường mầm non công lập, một số phụ huynh khác lại lo lắng tình trạng quá tải sẽ tiếp diễn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục