Việc làm cho lao động nghèo ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/8/2012 | 10:00:10 AM

YBĐT - Dạy nghề, tạo việc làm trong nước và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đây là giải pháp quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm nhằm xoá đói giảm nghèo cho thanh niên từ thành thị đến nông thôn.

Phụ nữ Dao xã Phan Thanh (Lục Yên) học nghề mây tre đan.
(Ảnh: Minh Tuấn)
Phụ nữ Dao xã Phan Thanh (Lục Yên) học nghề mây tre đan. (Ảnh: Minh Tuấn)

Phát triển dạy nghề.

Học nghề được xem là bước đi đầu tiên trong lộ trình tìm việc làm và thu nhập của mỗi người lao động. Hiện nay mạng lưới dạy nghề của Yên Bái cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học nghề của lao động với 28 cơ sở dạy nghề. Trong đó 2 trường cao đẳng nghề gồm: Trường Cao đẳng nghề Yên Bái và Trường Cao đẳng nghề Âu Lạc; 1 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề tại 9 huyện, thị, thành phố; 6 cơ sở giáo dục có dạy nghề và 9 cơ sở khác có dạy nghề.

Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây (2007-2012), các cơ sở này đã dạy nghề cho 54.613 lao động, tăng 19,4% so với giai đoạn 2002-2007. Trong đó hệ cao đẳng nghề 3.791 người; trung cấp nghề 6.418 người và sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 44.404 người. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo nghề đạt 23,2%. Hình thức dạy nghề cũng rất đa dạng phong phú: học tại trường nghề, tại trung tâm dạy nghề, học nghề tại doanh nghiệp, vừa học vừa làm tại cơ sở sản xuất…

Theo đánh giá mới đây về công tác dạy nghề tại một số địa phương cho thấy, một số huyện như: Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn có số người qua đào tạo nghề lên tới 32.768 người, chiếm 60% tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác dạy nghề từ năm 2007 - 2011 lên tới trên 171 tỷ 525 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 138 tỷ 652 triệu đồng, chiếm 78,9%; vốn ngân sách tỉnh 32 tỷ 235 triệu đồng, chiếm 18,36% và vốn ODA 638 triệu đồng, chiếm 0,36%.

Nghề đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Yên Bái và trung cấp nghề tập trung vào các ngành nghề chính như: điện công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật xây dựng, nhóm nghề cơ khí gồm gò, hàn, tiện. Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, tập trung vào các nghề: thêu, dệt thổ cẩm, mây, tre, song đan, may dân dụng, sửa chữa xe máy, sửa chữa vận hành máy nông cụ… bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo của các địa phương.

Đến thăm Trường Cao đẳng nghề Yên Bái, được đầu tư xây dựng tại thôn 2, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái có tổng diện tích trên 20 ha, với nhiều công trình hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy khá hiện đại, gồm 2 nhà học lý thuyết với 24 phòng học, 3 xưởng thực hành, 1 nhà đa năng, 1 nhà ăn đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ông Trịnh Tiến Thanh - Hiệu trưởng nhà trường, đưa chúng tôi đi thăm một số khu nhà mới được đầu tư  xây dựng cho biết: Chúng tôi nhận quyết định thành lập Trường Cao đẳng nghề từ tháng 5 năm 2009. Được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề và tỉnh quan tâm đầu tư mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học của học sinh. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư ước gần 100 tỷ đồng và sẽ tiếp tục được đầu tư. Riêng dự án dạy nghề trọng điểm giai đoạn 2011-2015 đạt cấp độ quốc tế và ASEAN là trên 174 tỷ đồng gồm nghề: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, chế tạo thiết bị cơ khí, vận hành thi công nền.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện nay của nhà trường có 160 người, trong đó trình độ thạc sỹ 9 người, đại học 86 người, cao đẳng 11 người… đáp ứng mọi yêu cầu về dạy nghề hiện nay. Nhà trường luôn quan tâm đến việc cử cán bộ tham gia các chương trình học đại học và sau đại học ở Trung ương và tỉnh nhằm đáp ứng mọi nhu cầu giảng dạy trong tình hình mới. Hàng năm nhà trường tiếp nhận trung bình 5.000 học sinh, sinh viên theo học ở trường với 3 cấp trình độ gồm: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Học sinh học tại trường được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước như: học phí ưu đãi, được xét cấp học bổng theo chế độ hiện hành, được vay vốn học tập.

Phòng học lý thuyết, thực hành được trang bị hiện đại theo công nghệ mới giúp học sinh thực hành để có tay nghề tốt, ra trường được giới thiệu việc làm. Những năm gần đây nhiều học sinh của các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang cũng đến xin học tại trường học. Trường được đánh giá là một trong 40 trường nghề trọng điểm chất lượng cao của toàn quốc và vùng Tây Bắc, được Chính phủ phê duyệt đầu tư trọng điểm đến năm  2020… ông Thanh cho biết thêm.

Coi trọng giải quyết việc làm trong nước

5 năm qua, trung bình mỗi năm toàn tỉnh tạo việc làm mới cho trên 17.500 lao động. Trong đó, tạo việc làm tại địa phương 14.000 người, lao động đi làm việc ngoài tỉnh trên 3.000 người và xuất khẩu lao động trên 700 người. Nhằm tạo việc làm cho lao động, những năm qua tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng vùng, từng địa phương, từng ngành sản xuất. Năm 2008, toàn tỉnh có 1.855 hộ được tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm, năm 2009 là 1.606 hộ, năm 2010 là 2.500 hộ, năm 2011 là 1.898 hộ và kế hoạch năm 2012 là 2.500 hộ với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, việc nhanh chóng thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp là bước quan trọng nhằm tạo ra nhiều việc làm cho lao động. Một số chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh những năm qua đã cho kết quả. Cụ thể như tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất cây trồng vật nuôi ở những vùng trọng điểm sản xuất hàng hoá ở khu vực cánh đồng Mường Lò, huyện Văn Chấn; Đại - Phú- An, huyện Văn Yên.

Đặc biệt là hỗ trợ nhân rộng các mô hình chăn nuôi trên 100 con lợn/hộ, 1.000 con gia cầm/hộ kết hợp với mô hình nuôi ba ba, cá trên các ao, hồ, đầm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng… nhằm tăng tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn, với mục tiêu đề ra tăng mức thu nhập bình quân đầu người từ 15 đến 17 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm giai đoạn 2010 - 2015 đúng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Đồng chí Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các ngành thành viên liên quan để thực hiện.

Qua kết quả điều tra, rà soát nguồn lao động có nhu cầu cụ thể của từng địa phương, đã giúp UBND tỉnh có thông tin cơ bản về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp, từ đó có những định hướng lâu dài về việc xây dựng nguồn lao động xuất khẩu có chất lượng và tay nghề, đảm bảo yêu cầu của thị trường”. Theo đó, từ năm 2007 đến nay, Yên Bái có 3.652 người đi xuất khẩu lao động ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước như: Ma-lai-xi-a, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả rập xê út…

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, khoảng 92% số lao động của Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định, số tiền người lao động gửi về hỗ trợ gia đình và trả nợ ngân hàng bình quân từ 3 đến 7 triệu đồng/ tháng. Trong đó lao động ở thị trường Ma-lai- xi- a có thu nhập bình quân 5,5 đến 7 triệu đồng/ tháng; Hàn Quốc, từ 18 đến 25 triệu đồng/ tháng; Nhật Bản 25 đến 35 triệu đồng/ tháng… Nguồn vốn của con em tham gia xuất khẩu lao động gửi về cho gia đình và người thân chủ yếu được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ và giải quyết việc làm thêm cho nhiều lao động góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo điều kiện phát triển vươn lên làm giàu…”.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề cao đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài nước là rất lớn. Ngoài yếu tố về sức khỏe, người có nghề còn được trả lương ở mức cao gấp nhiều lần so với lao động thông thường, bởi vậy việc học nghề là rất cần thiết, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi lao động. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, mỗi năm toàn tỉnh đưa 200 đến 250 lao động của huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Mỗi xã có ít nhất 10 lao động đi xuất khẩu lao động).

Trong đó 80% lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số nhằm giảm từ 100 đến 150 hộ nghèo/ năm từ chương trình xuất khẩu lao động. Để thực hiện được chương trình dài hơi này thì công tác dạy nghề tiếp tục cần sự đầu tư của Nhà nước, của các ngành, các địa phương, cộng đồng và mỗi gia đình, tạo điều kiện giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Phong Sơn

Các tin khác
Rừng nguyên sinh Nà Hẩu.

YBĐT - Nà Hẩu với tôi, chẳng lạ gì. Nhiều năm trước, tôi đã từng xách dép, đeo máy ảnh, tướt mồ hôi, cứ chân trần vượt dốc Ba Khuy rậm rì cây lá và ngọt nức tiếng chim hót, cứ chân trần lội xuyên rừng già lầy thụt, vào Nà Hẩu. Bây giờ khác xưa rồi!...

Hầu hết các dịch vụ buôn bán tại thôn Làng Vầu là của người nơi khác đến.

YBĐT - Là thôn trung tâm của xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) có đường giao thông thuận lợi, có các điểm trường, trạm y tế, các dịch vụ kinh doanh, hàng hoá và chợ đầu mối..., ấy vậy mà Làng Vầu vẫn nghèo hơn nhiều so với các thôn khác của xã.

Những gian hàng đầy ắp hàng hóa nhưng không có khách mua.

YBĐT - Nếu hôm nay ai đó ví von “Đông như họp chợ!” thì chưa đúng trong trường hợp hiện nay ở chợ Trung tâm thành phố Yên Bái. Đã đến lúc cần có một giải pháp tích cực để thay đổi tình hình…

Cô gái Mông Giàng Thị Là ở xã Bản Công (huyện Trạm Tấu) này đã có tới 3 đứa con.

YBĐT - Một số cán bộ Huyện đội Trạm Tấu (Yên Bái) đã từng tâm sự rằng, chỉ tiêu giao tuyển quân hàng năm đối với huyện không lớn nhưng tuyển được đủ số lượng, chất lượng thì không hề đơn giản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục