Làm gì để chống suy yếu giống nòi!

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/8/2012 | 3:25:24 PM

YBĐT - Một số cán bộ Huyện đội Trạm Tấu (Yên Bái) đã từng tâm sự rằng, chỉ tiêu giao tuyển quân hàng năm đối với huyện không lớn nhưng tuyển được đủ số lượng, chất lượng thì không hề đơn giản.

Cô gái Mông Giàng Thị Là ở xã Bản Công (huyện Trạm Tấu) này đã có tới 3 đứa con.
Cô gái Mông Giàng Thị Là ở xã Bản Công (huyện Trạm Tấu) này đã có tới 3 đứa con.

Lý do căn bản là dân số của huyện chủ yếu đồng bào Mông nhưng thể lực của đa phần thanh niên Mông rất khó đáp ứng được yêu cầu chiều cao, cân nặng. Quả thực, chuyện hạn chế về thể lực đến nay không còn là chuyện riêng của người Mông Trạm Tấu...

Nói về nguyên nhân của tình trạng này, theo ngành y tế thì đó là hệ quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) đang rất phổ biến ở các địa phương có người Mông sinh sống.

Theo điều tra của Chi cục Dân số & Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) tại 11 xã thuộc 4 huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải từ năm 2009 đến 2011 triển khai chương trình can thiệp làm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT nhằm ngăn ngừa nguy cơ làm suy giảm chất lượng giống nòi (SGCLGN) cho thấy tỷ lệ tảo hôn ở các huyện này khá cao, trong đó huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân ở mức 25%, thậm chí nhiều xã chiếm từ 30 đến 50%.

Tình trạng TH&HNCHT được các nhà chuyên môn khuyến cáo về hậu quả của nó là trẻ em sinh ra dễ mắc bệnh: thiểu năng trí tuệ, mù màu, còi cọc, dị tật bẩm sinh, bại liệt, đẻ non, bạch tạng, down… Đồng thời, tình trạng tảo hôn và sinh con khi cơ thể người mẹ hoặc bố chưa phát triển hoàn thiện khiến thai nhi yếu, sức phát triển cũng như khả năng đề kháng bệnh tật kém, dẫn đến còi cọc.

Ông Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho rằng: “TH&HNCH trong cộng đồng người Mông là vấn đề đã diễn ra từ bao đời nay nên cũng đồng nghĩa với hệ luỵ SGCLGN cũng đã bắt đầu từ xa xưa. Trong dòng chảy thời gian như thế, chắc chắn nó sẽ kéo theo hệ quả nhiều trường hợp cha mẹ mắc các chứng bệnh từ TH&HNCHT truyền sang cho con. Đến đời con vừa mang những di chứng từ cha mẹ lại tiếp tục mắc vào TH&HNCHT rồi đời cháu lại cũng vướng vào cái vòng luẩn quẩn này thì hậu quả thật khôn lường. Đã vậy, cứ cưới xong là các cặp vợ chồng trẻ thường được cho ra ở riêng nên phải vật lộn với rất nhiều khó khăn của cuộc sống”.

Do vậy, trong nhiều năm qua, các ngành chuyên môn như y tế, DS-KHHGĐ và cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc nhằm hạn chế tình trạng TH&HNCHT. Theo đó, lãnh đạo cấp ủy, các đoàn thể ở các huyện vùng cao được phân công phụ trách xã phải chịu trách nhiệm với huyện về các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT.

Những bà mẹ người Mông trông chỉ nhỉnh hơn đứa trẻ 10 tuổi.

Trên cơ sở đó, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân vừa đẩy mạnh tuyên truyền vừa phải tổ chức cho hội viên của mình ký cam kết không tảo hôn. Những nỗ lực này đã tạo được những chuyển biến quan trọng về nhận thức, hành động ở cơ sở. Trong đó, nhiều thôn bản ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã gắn được việc ngăn ngừa nạn tảo hôn vào nội dung quy ước, hương ước của thôn bản kèm theo những quy định về xử lý vi phạm. Thậm chí, có cả những quy định xử lý những người đứng ra đại diện nhà trai, nhà gái khi tổ chức đám cưới cho các cặp vợ chồng tảo hôn…

Tuy nhiên, nếu chỉ là sự chuyển biến và nhập cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị thông qua những giải pháp trên thì có lẽ chưa đủ mạnh để cải thiện tình hình. Bởi lẽ, đối tượng cần phải chuyển biến về nhận thức và hành động lại là hàng vạn người dân, trong khi rào cản tư tưởng của họ lại quá lớn.

Đặc biệt, với quan niệm của người Mông: “Nước tốt không để chảy vào ruộng người khác”; anh em con bá, con dì, con chị, con cậu, con anh, con cô lấy nhau được miễn là khác họ để càng có tình cảm và khỏi phải chia tài sản cho họ khác. Hay hủ tục “trả nợ” lẫn nhau theo kiểu tôi có em gái gả cho anh, đến khi anh sinh được con gái thì gả cho con trai tôi để “trả nợ”… đã khiến cho tình trạng HNCHT của người Mông ngày càng gia tăng.

Kể cả khi được lãnh đạo xã phân tích và vận động anh em cùng huyết thống không nên lấy nhau nhưng vợ chồng anh Vàng A Ch. và chị Mùa Thị Ch. ở thôn Ba Cầu xã Suối Bu (Văn Chấn) là con anh, con cô vẫn cứ thành vợ chồng.

Khi được hỏi thì chị Ch. trả lời rằng: “Các bạn em cũng lấy nhau như thế”. Còn mẹ chồng chị thì nói: “Chúng nó yêu nhau thì cho nó lấy thôi, mình không ngăn được!”.

Đa số lãnh đạo các xã ở vùng đồng bào Mông đều cho rằng khi phát hiện được các trường hợp có biểu hiện đi đến HNCHT thì chính quyền và các đoàn thể chỉ biết tuyên truyền, vận động chứ không thể làm gì khác vì chưa có chế tài nào quy định xử lý việc này. Các cơ quan chuyên môn cũng cho rằng, việc xác định tỷ lệ HNCHT trong cộng đồng người Mông hiện giờ cũng rất khó khăn.

Ngoài ra, có những xã như Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải) nằm xa trung tâm huyện gần 50km chỉ có họ Sùng, họ Giàng chung sống, theo cách nói của anh Giàng A Phử- một người dân trong xã thì nếu có ai chết, đám ma sẽ là của cả xã vì người chết không anh em bên nội thì cũng bên ngoại. Đó chính là những dấu hiệu “bất khả kháng” liên quan đến tình trạng HNCHT hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc Mông.

Đa số đàn ông Mông có vóc dáng thấp, nhỏ.

Giải pháp cho vấn đề này cũng không hề đơn giản. Ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Trạm Tấu cho biết, điểm thuận lợi là trường hợp nào tảo hôn cán bộ sẽ biết ngay vì người Mông khác với người Thái là chỉ khi nào cưới thì mới về ở với nhau. Nhưng cũng có nhiều trường hợp rất khó kiểm soát khi họ lấy vợ là người Mông ở các huyện thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu hay các huyện trong tỉnh mà cô dâu không có khai sinh thì chính quyền cũng đành bó tay. Không ít gia đình đã ký cam kết không vi phạm tảo hôn nhưng rồi vẫn vi phạm và sẵn sàng nộp phạt theo quy ước, hương ước của thôn bản.

Nhiều người còn “lách luật” khi biết chắc mình sẽ bị phạt vì tảo hôn, họ sẽ lấy thêm tiền trong lễ cưới của nhà trai để bù vào tiền phạt. Có nơi chính quyền cơ sở cũng không hề có động thái xử lý nào khi tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra. Cá biệt, có những trường hợp tảo hôn đã tự tử hoặc dọa tự tử để gây sức ép với cha mẹ nếu không đồng ý cho chúng cưới nhau…

Mặc dù có nhiều khó khăn và phức tạp như vậy nhưng mục tiêu giảm thiểu TH&HNCHT, ngăn ngừa SGCLGN trong cộng đồng người Mông vẫn là một quyết tâm lớn của cấp ủy, chính quyền ở những địa phương có nhiều đồng bào Mông sinh sống. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp đó, các địa phương cần tích cực xây dựng, duy trì mô hình nhóm, câu lạc bộ có nội dung sinh hoạt lồng ghép liên quan trực tiếp đến vấn đề giảm thiểu TH&HNCHT.

Đặc biệt, giải quyết vấn đề này không thể nóng vội mà cần phải xây dựng chiến lược, đúng lộ trình. Trong đó, việc tuyên truyền cũng phải sát với thực tế hơn, phải mang tính trực quan chứ không thể chỉ tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng văn bản.

Tình trạng chung hiện tại đang rất thiếu những kịch bản thông tin lưu động, không có băng đĩa hình lồng tiếng Mông để thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào Mông về tác hại của TH&HNCHT.

Chúng ta cũng nên tính toán đến cả việc thay đổi nhận thức về TH&HNCHT với thế hệ tương lai. Từ đó, sẽ có những chương trình giáo dục thay đổi hành vi ngay từ khi các em còn đi học tiểu học và tạo điều kiện để học sinh được học ngày càng cao chứ không chỉ học hết trung học cơ sở rồi nhiều em lại bỏ học vì tảo hôn.

Đảng và Nhà nước cũng cần tạo môi trường lao động thu hút ngày càng nhiều thanh niên người Mông có điều kiện được học tập lên cao để có thể ra làm việc ở các địa phương khác.

Những giải pháp này nếu được quan tâm đúng mức, chắc chắn nhiều bất cập về nạn TH&HNCHT sẽ được giảm thiểu và CLGN cũng sẽ ngày càng được cải thiện.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục