Để Làng Vầu không còn “nghèo giữa trung tâm”
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/8/2012 | 9:36:45 AM
YBĐT - Là thôn trung tâm của xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) có đường giao thông thuận lợi, có các điểm trường, trạm y tế, các dịch vụ kinh doanh, hàng hoá và chợ đầu mối..., ấy vậy mà Làng Vầu vẫn nghèo hơn nhiều so với các thôn khác của xã.
Hầu hết các dịch vụ buôn bán tại thôn Làng Vầu là của người nơi khác đến.
|
Nghèo giữa trung tâm
Tìm đến gia đình chị Lý Thị Sỹ không khó bởi từ trung tâm xã, qua cái đập tràn chưa đầy 1km là tới, nhưng chúng tôi vẫn phải đợi đến hơn 11 giờ trưa mới xuất phát. Không phải mùa gieo cấy, mùa gặt nhưng để xóa đói, chị Sỹ tranh thủ bóc quế thuê cho các hộ gia đình ở thôn 3 và 4 cùng xã.
Giữa cái nắng như đổ lửa của ngày hè, trong căn nhà lợp phibrô xi măng mới vừa được Nhà nước hỗ trợ theo tiêu chí 135 của xã khó khăn, chị Sỹ chia sẻ: "Một ngày công bóc quế được 100.000 đồng, mà có phải ngày nào cũng vậy đâu! Một tháng may ra được 3 đến 4 công. Gia đình thì chỉ có 3 sào ruộng và một ít đất đồi trồng quế. Vụ chiêm còn đỡ lo vì ngắn ngày nên đủ ăn chứ vụ mùa thì đói lắm".
Tuy không nói ra nhưng ánh mắt buồn rượi và những nếp nhăn trên mặt người phụ nữ Dao khiến chị Sỹ già hơn rất nhiều so với tuổi 42 của mình. Nỗi đau đến với gia đình chị vào đúng dịp tết Nhâm Thìn 2012, phá vỡ bầu không khí ấm nồng, hạnh phúc của ngày xuân khi người chồng thương yêu của chị đã qua đời, để lại nỗi cô đơn trống vắng của cảnh góa bụa và 4 người con phải đối mặt khó khăn, túng quẫn.
Nồi cơm vẫn sôi trên bếp củi, đứa con gái thứ 4 của chị mặt mày đen đúa, mồ hôi nhễ nhại, cúi đầu sát mặt đất, thổi phù phù vào bếp, thanh củi tươi không chịu bùng lửa làm cho khói bay mù mịt.
Tuy không giống chị Sỹ nhưng hoàn cảnh của gia đình chị Bàn Thị Mắn ở thôn Làng Vầu cũng rất khốn khó. Cả gia đình duy nhất có 1 sào ruộng và mấy chục cây quế do không có đất trồng. Vụ nào may mắn ruộng lúa không bị nước lũ làm ngập úng thì đói vừa phải, bằng không thì cứ gọi lá đói triền miên.
Ngàn lẻ một nguyên nhân cái nghèo
Con đường đập tràn ngập nước hướng về UBND xã Đại Sơn không làm cho cái nóng giảm nhiệt mà lại tăng phần nhức nhối bởi những người dân của thôn Làng Vầu vẫn cam chịu đói nghèo ngay giữa trung tâm. Như đoán được những suy nghĩ của tôi, anh Lý Tòn Nam - Bí thư Chi bộ thôn Làng Vầu nói:
- Giờ chúng ta sẽ đến gia đình chị Đồng Y Thủy phía trên UBND xã độ nửa cây số chứ, nhà báo?
- Thế gia đình chị Thủy có giống các gia đình vừa rồi mình đã qua không?
- Giống hệt, có khi còn nghèo hơn ấy chứ!
- Vậy thôi, anh em mình đến hộ gia đình khác.
- Nhà báo thông cảm, cả thôn có 127 hộ có tới 72 hộ nghèo chiếm gần 60% thì gia đình nào chẳng vậy.
Qua trao đổi với anh Bí thư Chi bộ thôn Làng Vầu, tôi phần nào hiểu được cái sự nghèo của người dân sống nơi trung tâm này. Họ nghèo vì Làng Vầu có địa thế hẹp và đất để sản xuất ít. Toàn thôn chỉ có trên 500 ha đất nông, lâm nghiệp, trong đó diện tích gieo cấy lúa là 13,8 ha, đất còn lại dành cho trồng quế.
Mà người khá lên từ quế nơi đây điểm tên cũng chỉ một số gia đình có đất trồng và các nồi nhỏ chưng cất tinh dầu quế như: Bàn Hữu Học, Bàn Phúc Minh, Triệu Tiến Hin, Triệu Tiến Lý, Bùi Hữu Đông. Vì vậy quế nghiễm nhiên trở thành cây chủ lực, kinh tế chủ lực ở nơi trung tâm này mà không phải các mô hình, các xưởng chế biến có quy mô lớn để chưng cất tinh dầu quế, xưởng làm nguyên liệu từ gỗ quế hay các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, các dịch vụ, giao thương, buôn bán...
Gia đình chị Lý Thị Sỹ - một hộ nghèo ở thôn Làng Vầu.Bởi nhẽ, người dân nơi đây không dám đứng ra mở các dịch vụ tạp hóa, không thuê các sạp nhỏ trong chợ để buôn bán còn chăn nuôi thì nhỏ lẻ chỉ mang tính tự cung tự cấp.
Đương nhiên, trung tâm xã Đại Sơn vẫn rất mạnh về các loại hình dịch vụ, song không phải của người dân trong thôn Làng Vầu mà là của người thôn khác, nơi khác về đây thuê đất, thuê chợ mở cửa hàng kinh doanh. Người dân nơi trung tâm trở thành người chỉ có cầu mà không có cung.
Anh Lý Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết: "Cấp ủy Đảng, chính quyền đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện, hỗ trợ giống, vốn; Trung tâm Dạy nghề, Trạm Khuyến nông, Thú y... của huyện cũng đã mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân cách chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo, trồng, nhiều khi còn cầm tay, chỉ việc giúp dân thâm canh, tăng năng suất... song họ đều không muốn tham gia".
Có lẽ do trường hợp duy nhất của thôn là anh Trần Trung Thành sau khi mở xưởng chế biến gỗ từ cây quế được một thời gian lại đóng cửa do kỹ thuật chưa đạt, nguồn mua vào lớn, bán ra lại thấp, không có đầu ra càng làm cho người dân Làng Vầu lo sợ hơn.
Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi nhận thấy khi đến đây là số người không biết chữ chiếm 10%, tập trung chủ yếu ở tuổi trung niên trở lên; thanh niên thì 100% biết chữ nhưng số người được tham gia học cấp 3 hoặc chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại sau khi tốt nghiệp THCS thì ở nhà theo nghiệp cha mẹ lên đồi trồng quế, hoặc có muốn đi học thì cũng chẳng đủ điều kiện.
Mà quế thì đâu còn nhiều, mỗi khẩu khi xây dựng gia đình, quỹ đất bị chia phần, và cứ thế, gánh nặng cơm áo đè trĩu, kiến thức mai một trên đồi và chấp nhận suốt đời làm bạn với cái nghèo.
Giải pháp
Đồng chí Chủ tịch UBND xã, Lý Văn Minh cho biết: "Tới đây, Đại Sơn sẽ triển khai xây dựng nông thôn mới tại thôn trung tâm Làng Vầu và sẽ quy hoạch, mở rộng thêm diện tích đất nơi đây thêm 200 ha. Đồng thời vận động đưa các hộ dân ra ven hai bên đường chính của xã".
Theo ông Minh, Đảng ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã sẽ tập trung mọi hoạt động giúp đỡ nhân dân trong thôn, đặc biệt chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi, dịch vụ...
Với các điểm thuận lợi đối với nhân dân Làng Vầu hiện nay: điện, đường, trường, trạm đều rất khang trang thì giải quyết bài toán nghèo nơi đây không phải là quá khó.
Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền xã còn tạo điều kiện cho nhân dân được hỗ trợ về vốn sản xuất, kinh doanh, tuyên truyền cho họ hiểu được những thế mạnh của thôn, những kiến thức cơ bản nhất trong chăn nuôi, dịch vụ, thâm canh tăng năng suất bằng cách mở các lớp tập huấn đào tạo nghề, cầm tay chỉ việc; hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất là vấn đề tiên quyết.
Đồng thời tuyên truyền, vận động cho nhân dân trong thôn hiểu được tại sao họ nghèo. Đơn cử: là một thôn trung tâm ít đất nông lâm nghiệp để gieo, trồng, sản xuất thì phải tập trung vào các mô hình chế biến lâm, nông, sản, mô hình chăn nuôi, thương mại dịch vụ.
Bên cạnh đó, tạo điệu kiện cho người dân được tiếp cận nhiều với các nguồn vốn ưu đãi từ các hội đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Ngân hàng Chính sách Xã hội...; đối với các hộ gia đình đã có những nồi chế biến tinh dầu quế nhỏ và diện tích trồng quế lớn có điều kiện phát triển kinh tế, giúp họ được tiếp cận với những kiến thức trong chế biến, thu hoạch sản phẩm quế đạt chất lượng cao thông qua tham quan, học tập các đơn vị, địa phương khác có các mô hình làm tốt; tạo điều kiện cho các gia đình có con em là học sinh được tiếp cận nguồn vốn vay cho học sinh, sinh viên nghèo...
Có như vậy thì người dân Làng Vầu mới được nâng cao sự hiểu biết và vươn lên, không còn cảnh cam chịu nghèo giữa trung tâm.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Nếu hôm nay ai đó ví von “Đông như họp chợ!” thì chưa đúng trong trường hợp hiện nay ở chợ Trung tâm thành phố Yên Bái. Đã đến lúc cần có một giải pháp tích cực để thay đổi tình hình…
YBĐT - Một số cán bộ Huyện đội Trạm Tấu (Yên Bái) đã từng tâm sự rằng, chỉ tiêu giao tuyển quân hàng năm đối với huyện không lớn nhưng tuyển được đủ số lượng, chất lượng thì không hề đơn giản.
YBĐT - Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò cho các hộ nghèo huyện Lục Yên (Yên Bái) giai đoạn 2010 - 2011 đã được triển khai xuống tất cả các xã trên địa bàn huyện ngay từ năm đầu. Thế nhưng Đề án này được tiến hành với tiến độ “rùa bò” suốt cả giai đoạn thực hiện.
YBĐT - Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Yên Bái là không để người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm hạn chế tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn...