Chất thép của người tù cộng sản
- Cập nhật: Thứ tư, 29/8/2012 | 3:25:29 PM
YBĐT - Gần 70 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng, ông Lập tự hào cả đời mình đã một lòng trung kiên theo Đảng, sắt son với lý tưởng của người chiến sỹ cộng sản...
"Chuồng cọp" (hình ảnh tái hiện) - một hình thức tra tấn dã man nhất với tù chính trị tại nhà tù Phú Quốc cũng không dập tắt nổi ý chí đấu tranh của những người cộng sản như Trần Đình Lập.
|
Tôi ấn tượng với ông bởi giọng cười ngân vang sang sảng như thể trên cuộc đời này chẳng có gì vô tư hơn thế. Tôi có cảm giác ông hãy còn trẻ lắm, chưa thể là người đã gần cái tuổi "xưa nay hiếm". Hai chiếc răng cửa hàm trên bị đánh gẫy trong một lần hỏi cung do tên cai ngục khét tiếng nhà tù đảo Phú Quốc tra tấn khiến cho khuôn mặt của người đàn ông một thời được mệnh danh là đẹp trai và "tợn" nhất xã Yên Bình, huyện Yên Bình càng thêm phần hóm hỉnh.
Biệt danh Trần Quốc Thép
Tên cúng cơm cha sinh mẹ đẻ đặt cho ông là Trần Đình Lập nhưng cái tên Trần Quốc Thép được các bạn tù trên đảo Phú Quốc đặt cho người Trại trưởng mà họ yêu mến, khâm phục, tôn vinh lại ghi dấu ấn sâu đậm trong suốt cuộc đời người bệnh binh hạng 2 này với tất cả niềm tự hào, kiêu hãnh.
Lớn lên trong cảnh đất nước có chiến tranh. Khí thế ra trận hừng hực của trai tráng trong làng, trong xã đã đốt cháy bầu nhiệt huyết của con dân đất Việt, nung nấu ý chí sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc trong con người Trần Đình Lập. Đã mấy lần xung phong khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng ông đều không được gọi đi lính chỉ vì được bác xã đội trưởng tín nhiệm, yêu quý và muốn giữ ở lại làm công tác liên lạc cho địa phương. Thông minh, hoạt bát lại nổi tiếng anh hùng, Trần Đình Lập đã tự cắt tay mình lấy máu viết đơn xin tòng quân bảo vệ Tổ quốc.
Nhắc lại kỷ niệm đó, ông Lập cười hiền khô: “Ngày ấy khí thế lắm! Lớp trai “hoi” chúng tôi lớn lên chỉ mong có ngày được cầm súng giết giặc. Làm trai thời loạn là phải xông pha ra chiến trận, như thế mới đáng mặt làm trai. Dù chưa biết đánh đấm thế nào nhưng hăng lắm, chỉ muốn được lao thẳng ra trận địa cầm súng chiến đấu”.
Nói đến đây, ông Lập giơ ngón tay trỏ lên khẳng khái: “Phải đến lần thứ tư, lần cứa ngón tay này lấy máu viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ tôi mới được gọi lính”...
Kể về cái máu ngang tàng của Trần Đình Lập thời trẻ, ông Vũ Đăng Học, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yên Bình cũng là bạn thuở chăn trâu cắt cỏ cùng làng hồ hởi: “Thời trẻ, ông ấy nghịch khiếp lắm, vừa gan lì, vừa lém lỉnh. Đám thanh niên choai choai đầu làng cuối xã đều dưới “trướng” của ông ấy cả. Cái ông này thì trên có trời, dưới có đất, chỉ có ma quỷ sợ ông ấy chứ ông ấy nào có biết sợ gì…”.
17 tuổi vào quân đội, từ năm 1966 đến tháng 2 năm 1967, chàng lính trẻ Trần Đình Lập được biên chế vào đơn vị C2, D2, S250, Quân khu Việt Bắc. Tháng 3 năm 1967 đến tháng 12 năm 1968 anh được biên chế về Tỉnh đội Quảng Nam Đà Nẵng, hoạt động bí mật trong nội thành thành phố Đà Nẵng. “Xuất quỷ nhập thần” và cái máu lì lợm đã giúp cho nhiều lần chiến thắng kẻ thù. 2 lần Trần Đình Lập được vinh danh Dũng sỹ diệt Mỹ. Sau trận chống càn ở Bình Sơn, Sơn Tinh, Quảng Ngãi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi chưa đầy 20 tuổi.
Ông Lập kể lại trận đánh giáp lá cà với giặc đã để lại thương tích trên mình.
Kể về sự kiện đáng nhớ này, giọng ông Lập bỗng chùng xuống: “Thanh niên bây giờ vào Đảng dễ dàng và thuận lợi nhiều lắm. Thời chúng tôi, để được đứng trong hàng ngũ của Đảng đều phải trải qua thử thách, đánh đổi cả bằng máu bởi chỉ cần một người lệch lạc lý tưởng, dao động trước quân thù có khi xóa sổ luôn một cơ sở Đảng, hy sinh, mất mát là vô cùng lớn. Tôi nhớ trận chiến đấu tiêu diệt lính càn ở Bình Sơn kết thúc, tôi được tổ chức thông báo có tên trong danh sách kết nạp Đảng hôm đó. Cùng với tôi còn có hai đồng đội nữa hoạt động bí mật cùng đơn vị mà tôi chưa bao giờ biết mặt. Tổ chức công bố quyết định, chỉ còn tôi là người được đón nhận trọn vẹn niềm vui này. Hai đồng chí, đồng đội còn lại đã hy sinh ngay trong trận càn hôm đó mà chưa kịp hay biết là mình đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận hy sinh, bởi khi ấy chỉ có Tổ quốc là trên hết”.
Là lớp người sinh ra sau chiến tranh, tôi không thể mình dung hết nổi sự khốc liệt của cuộc chiến nhưng sự hủy diệt tàn khốc về tinh thần và thể xác mà kẻ thù để lại qua những vết thương, những đòn roi tra tấn dã man in thành thương tật trên cơ thể người bệnh binh này thì tôi đã được chứng kiến.
Mân mê chiếc huy hiệu 40 năm tuổi Đảng mới được trao tặng năm ngoái, ông Lập bùi ngùi: “Sau Mậu Thân 1968, chiến sự trên các chiến trường càng trở nên ác liệt. Hoạt động của chúng tôi trong nội thành cũng trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn, nhất là khi có một cán bộ đơn vị chiêu hàng địch. Trận đánh giáp lá cà với địch ngay trong nội thành cuối 1968 là trận cầm cự nhiều ngày và ác liệt nhất. Đói, khát và bị thương nhiều, hơn chục đồng đội cùng đơn vị lần lượt hy sinh hết. Tôi bị thương nặng và ngất đi sau khi đã cắn vỡ hầu tên lính ngụy, lúc tỉnh lại mới biết mình đang nằm ở Hạm đội 6, tàu Mỹ, sau đó bị đưa về giam ở Nhà tù Đà Nẵng, năm 1969 bị đầy ra Nhà tù Côn đảo và bị giam ở đó suốt 4 năm 9 tháng”.
Nhắc đến cái biệt danh Trần Quốc Thép mà các bạn tù trên đảo Phú Quốc đặt cho, ông Lập cười ha hả: “Có gì đâu, cũng là tại cái tính ngang tàng, cứng đầu cứng cổ của mình ấy mà. Tụi cai ngục nó tra hỏi, đánh đập anh em trong phòng giam vô cớ, dã man không bằng con vật. Uất quá thành thử ra liều. Mình đứng ra cãi lộn, bênh vực, rồi chịu đòn thay anh em, cũng nhiều lần lớn tiếng phản đối đòi “đàm phán” bàn tròn, bàn vuông, yêu cầu bảo vệ nhân quyền… nên anh em trong trại phục mà tôn làm trại trưởng, lại còn phong cho cái biệt danh ấy”.
Rồi ông kể bằng cái giọng tỉnh như không: “Bị bẻ răng, tra tấn bằng cách đóng đinh 10 phân vào hai đầu gối, hai cánh tay, rồi thì bắt uống nước vôi, nước xà phòng hay những trận mưa roi cá đuối đến rách da rách thịt… như chúng đã từng tra tấn tôi đây thì có thấm tháp gì. Đau đớn và dã man nhất là đòn đóng đinh 10 phân vào đỉnh đầu tù binh của kẻ thù. Đồng chí, đồng đội nào dính đòn tra tấn này đa phần đều hy sinh cả, khó có ai sống sót. Trong tù ăn uống đã kham khổ lại chẳng có thuốc men. Lần chịu đòn thay cho vị bác sỹ già chỉ vì đồng chí này quá thèm rau, khát nước đã mò ra sân trại vặt cỏ gấu ăn, bị chúng nghi tìm đường trốn trại, tôi đã lĩnh đủ mấy chục gậy lim mệnh danh “thừa sống thiếu chết” của tên cai ngục. Thịt da dập nát, bê bết máu, vậy mà chỉ có chữa bằng độc có nước tiểu của anh em giam cùng phòng thôi thế rồi lâu dần cũng khỏi…”
Cũng đã mấy lần bị đầy đi biệt giam, đôi ba bận “thăm” chuồng cọp nhưng rồi kẻ thù đã phải từ bỏ ý định moi tin từ ông. Ông Trần Đình Lập luôn tự hào bởi chừng ấy năm lao tù nhưng chưa một phút giây ông mất Đảng tịch. Hơn thế, ông còn được tổ chức phân công tham gia vào Ban chấp hành Đảng ủy nhà lao Phân khu D4, đảm đương trọng trách là Bí thư Chi bộ 1 từ khi vào trại cho đến tận lúc ra tù.
Và nghị lực sống không tàn phế
Hiệp định Pari năm 1973 và sự kiện trao trả tù binh tại cảng Cam Ranh, ngày 27/3/1973, ông Trần Đình Lập đã được trả tự do cùng với hàng nghìn tù nhân. Trở về địa phương, ông Lập lại tiếp tục tham gia công tác xã hội: 16 năm tham gia công tác tại huyện, xã; hơn chục năm được các đảng viên tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ thôn Linh Môn 1, Linh Môn 2, xã Yên Bình. Người bạn gái thuở thiếu thời cùng sinh hoạt một chi đoàn năm xưa với ông vì quá thương chàng lính trẻ bệnh tật mà kết thành vợ chồng. Mùa hè thì điên loạn, mùa đông ông Lập nằm liệt, có năm bà Sinh (vợ ông) đổ bệnh, liệt nửa người; ông Lập khi ấy lại chưa được hưởng chế độ bệnh binh nên nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán.
5 năm, hai vợ chồng phải mặc chung nhau một bộ quần áo lành lặn mỗi khi ai đó có việc phải đi ra khỏi nhà… Túng quẫn tưởng như không có lối thoát, vậy nhưng người vợ thủy chung, đảm đang gắn bó với ông bằng tình thương và sự ngưỡng mộ nhiều hơn là tình yêu đôi lứa ấy vẫn một lòng thương chồng thương con. Nuốt nước mắt vào trong, một mình bà tảo tần ruộng nương gồng gánh mưu sinh nuôi 6, 7 miệng ăn. Ông Lập bảo: “Ngần ấy năm sống với nhau nhưng chưa bao giờ tôi dám mắng mỏ vợ một lời. Bà ấy lấy tôi là khổ cả đời rồi, biết thế nên thương và trọng lắm”.
Lý tưởng cộng sản khiến đòn roi tra tấn dã man của tên chúa đảo phải lùi bước trước ý chí của người tù cộng sản Trần Quốc Thép ngày ấy bao nhiêu thì chính tình thương yêu, sự hy sinh vô bờ bến của người vợ hiền một lần nữa lại khơi dậy nghị lực sống mãnh liệt trong ông bấy nhiêu.
Sau lần phẫu thuật cắt 1/3 dạ dày, sức khỏe khá hơn, ông cùng vợ con khai phá đất đồi trồng rừng kinh tế, đắp khe đào ao thả cá. Ông bảo: “Với kẻ thù, Trần Quốc Thép này còn không chịu khuất phục chẳng lẽ lại phải lùi bước trước cái nghèo”.
Ông làm việc như thể vắt kiệt sức mình, mong chỉ có ngày mà không có đêm. Chẳng thế mà đã bao lần lả đi trên nương, được vợ con chăm sóc tỉnh dậy, ông lại xăm xăm vác cuốc lên rừng, cuốc hố trồng chè, vỡ bờ hoang đất bãi cấy lúa, trồng sắn trồng khoai, chẳng hề thuê mướn nhờ cậy một ai. Giờ thì gần 10 ha gồm rừng kinh tế, chè và cây ăn quả đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
Chỉ với sức mình, vợ chồng bệnh binh Trần Đình Lập đã khai phá được gần 10 ha đất đồi hoang để trồng rừng kinh tế, chè và cây ăn quả.
Ông Lập bộc bạch: “Cả đời này tôi chỉ một lòng theo Đảng, tôn thờ lý tưởng cộng sản. Đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc thì cống hiến, hy sinh cho xứng đáng, cho trọn vẹn. Tôi tâm niệm điều đó nên dù khó, dù khổ vẫn động viên vợ con chăm chỉ làm ăn, tự lực cánh sinh, tự cứu lấy mình trước khi nhờ cậy Nhà nước quan tâm”. Soi vào tấm gương ấy, các con của ông đều đã trưởng thành, chăm chỉ làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Khâm phục ông, đồng đội, bà con trong thôn trong xã luôn yêu mến, kính trọng người Bí thư chi bộ mẫu mực một thời.
Ông Trần Xuân Mậu - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yên Bình tâm sự: “Chúng tôi biết anh Lập khi còn là trẻ chăn trâu. Đến bây giờ vẫn vậy, anh ấy chưa khi nào đòi hỏi Nhà nước, địa phương điều gì mặc dù bản thân rất thiệt thòi, bệnh tật và gia đình cũng còn nhiều khó khăn. May mắn là các con anh chị ấy đều lành lặn, không bị di chứng chất độc da cam nhưng khổ nỗi đứa cháu gái 11 tuổi của vợ chồng cô con gái thứ 3 sinh ra lại bị di chứng từ khi mới lọt lòng. Chúng tôi cũng đang cố gắng giúp gia đình làm các thủ tục đề nghị ngành chức năng để hội viên của mình được hưởng những chế độ ưu đãi mà Nhà nước quy định”.
Gần 70 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng, ông Lập tự hào cả đời mình đã một lòng trung kiên theo Đảng, sắt son với lý tưởng của người chiến sỹ cộng sản. Niềm tin sắt đá ấy khiến ngôi nhà lá đơn sơ ấm tình chồng vợ, bốn mùa tốt tươi hoa trái của người cựu tù binh này trở nên giàu có hơn bất cứ gia đình nào khác trong vùng. Tấm hình hai vị lãnh tụ cộng sản Lê-nin và Các-mác phóng rất to được vợ chồng và các con ông treo trang trọng giữa nhà; chiếc bàn nhỏ xíu phía dưới kết nơ hoa thành kính là nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với vợ chồng người bệnh binh hạng 2 Trần Đình Lập, có lẽ chẳng có gì thiêng liêng và đáng giá hơn thế. Tôi hiểu, lòng sắt son và ý chí thép của người chiến sỹ cộng sản, cựu tù nhân đảo Phú Quốc - Trần Quốc Thép năm nào vẫn luôn rực cháy trong ông, ngời sáng giữa đời thường.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Dạy nghề, tạo việc làm trong nước và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đây là giải pháp quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm nhằm xoá đói giảm nghèo cho thanh niên từ thành thị đến nông thôn.
YBĐT - Nà Hẩu với tôi, chẳng lạ gì. Nhiều năm trước, tôi đã từng xách dép, đeo máy ảnh, tướt mồ hôi, cứ chân trần vượt dốc Ba Khuy rậm rì cây lá và ngọt nức tiếng chim hót, cứ chân trần lội xuyên rừng già lầy thụt, vào Nà Hẩu. Bây giờ khác xưa rồi!...
YBĐT - Là thôn trung tâm của xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) có đường giao thông thuận lợi, có các điểm trường, trạm y tế, các dịch vụ kinh doanh, hàng hoá và chợ đầu mối..., ấy vậy mà Làng Vầu vẫn nghèo hơn nhiều so với các thôn khác của xã.
YBĐT - Nếu hôm nay ai đó ví von “Đông như họp chợ!” thì chưa đúng trong trường hợp hiện nay ở chợ Trung tâm thành phố Yên Bái. Đã đến lúc cần có một giải pháp tích cực để thay đổi tình hình…