Chuyện bên những nương chè
- Cập nhật: Thứ năm, 4/7/2013 | 9:04:34 AM
YBĐT - Nếu có câu hỏi, chè ở đâu năng suất và chất lượng búp tốt nhất Yên Bái thì câu trả lời chắc chắn là Đồng Lú, Thác Hoa thuộc thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn). Người dân nơi đây có quyền tự hào bởi những nương chè xanh tốt của mình nhưng đằng sau nó còn biết bao câu chuyện khác nữa...
Những vườn chè năng suất 30 - 40 tấn/ha ở Thái Lão.
|
Cuối tháng 6, câu chuyện thời sự nhất đối với ngành chè là chè kém búp, các nhà máy “đói” nặng nguyên liệu sản xuất nhưng với người dân thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ và Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ thì khác, chè vẫn lên xanh tốt, nhà máy vẫn đủ nguyên liệu. Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ Nguyễn Thành Vinh cho biết: “Năm nay, nguyên liệu có khó hơn năm trước nhưng chúng tôi vẫn cố lo đủ nguyên liệu để sản xuất đúng như kế hoạch đã đề ra”.
Khi chúng tôi trao đổi lại rằng: “Giám đốc kín đáo quá! Nhiều lãnh đạo công ty khác đã kể, lứa chè vừa rồi, có hôm công ty mình mua được gần 70 tấn chè búp tươi, nhà máy sản xuất không kịp. Họ còn "hạ mình" khi nói rằng, mua được số chè thừa của Nghĩa Lộ về làm đã là phấn khởi rồi!”, nghe vậy, Giám đốc Nguyễn Thành Vinh đã cởi mở hơn. Anh lấy xe máy đưa chúng tôi đi thăm vùng nguyên liệu của doanh nghiệp khi trời còn chưa nắng gắt.
Theo những con đường bê tông, xe phóng thẳng lên đồi để chúng tôi lạc vào một vùng chè xanh mướt, nương tiếp nương, hàng nối hàng. Những cây chè giống LDP2, HP1 và cả giống cũ trung du từ năm 1989, 1990 được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên đều tăm tắp, tán chè bằng phẳng, rất thuận lợi cho việc thu hái máy cũng như phun thuốc, bỏ phân.
Xen giữa những hàng chè chạy dài tít tắp, thi thoảng lại điểm một cây cốt khí họ đậu tỏa bóng xuống nương chè nhằm kích thích sự phát triển cũng như giúp người làm chè bớt cái nắng gắt của những ngày mùa hạ. Mới kết thúc lứa hái cấp cành đợt 2 nên thời điểm này, bà con đang tập trung bón thúc, phân gà, phân lợn, phân hóa học được cất công mang lên tận gò cao, bỏ vào từng hố nhỏ giữa những hàng chè.
Không giống như những vùng chè khác, chè lẫn trong cỏ tranh, tế, thân cây bám đầy rêu, bòng bong... thì nương chè ở Thác Hoa, Đồng Lú sạch bách cỏ dại. Việc bón phân, làm cỏ, chăm sóc cẩn thận như vậy cho thấy người dân nơi đây gắn bó và coi trọng cây chè biết nhường nào!
Trong khi nhiều nơi thiếu nguyên liệu thì chè ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ vẫn rộ búp.
Qua tâm sự với cán bộ Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ mới biết, những năm qua, đơn vị trung thành với quan điểm: muốn sản xuất tốt phải có nguyên liệu tốt, muốn có nguyên liệu tốt phải đầu tư cho vùng nguyên liệu thật tốt. Quán triệt quan điểm ấy, ngay sau khi triển khai thực hiện Nghị định số 01 của Chính phủ về việc giao khoán toàn bộ 390ha chè cho 680 hộ gia đình công nhân viên thuộc 9 đội sản xuất, nhất là từ sau cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2000, Công ty đã đầu tư nhiều công sức và tiền của cho vùng nguyên liệu của mình và cả ở những vùng lân cận.
Đặc biệt là chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, biện pháp chăm sóc, thâm canh cây chè từ trồng, bỏ phân, phòng trừ sâu bệnh đến thu hái... đảm bảo mục tiêu cây chè cho năng suất cao, chất lượng búp tốt, quan trọng nhất là để cây chè sinh trưởng, phát triển ổn định và bền vững trên những nương đồi dốc.
Dù nương chè đã thuộc về dân nhưng Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ vẫn mạnh dạn duy trì đầu tư trực tiếp cho cây chè, trong đó có việc cùng với dân đầu tư làm đường bê tông lên những đồi chè trong vùng nguyên liệu với phương thức 50:50 (Công ty bỏ vốn 50%, hộ gia đình bỏ vốn 50%), đường bê tông dày 6cm, rộng 60cm. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích chè ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã có đường đi lối lại, đảm bảo xe máy có thể đi đến tất cả các lô chè một cách dễ dàng. Được biết, số tiền bỏ ra là không nhỏ nhưng đổi lại, bà con giải phóng được sức lao động, việc vận chuyển phân, nước lên nương, chuyển chè búp tươi đi bán giờ đã không còn cực nhọc như trước.
Từ nhiều năm qua, đơn vị vẫn duy trì chính sách bán trả chậm cho người làm chè phân hóa học và thuốc trừ sâu với lãi suất bằng không và giá bán bằng hoặc thấp hơn giá thị trường. Công ty còn khuyến khích người dân dùng các loại phân chuồng để bón cho chè. Cụ thể từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, hộ gia đình nào bón được 1m3 phân trâu, bò, lợn thì đơn vị sẽ cho vay không lãi từ 300.000 đồng đến 330.000 đồng; nếu bón được 1 tấn phân gà hoặc phân chim cút sẽ được cho vay không lãi 1 triệu đồng đến 1,1 triệu đồng. Số tiền vay sẽ được thanh toán khi nào có chè búp tươi bán cho nhà máy.
Trưởng phòng Kế hoạch Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ - ông Nguyễn Văn Xuân cho biết: "Nương chè như nhau công làm cỏ, công phun thuốc như nhau nhưng lượng phân bón khác nhau sẽ cho năng suất khác nhau. Đầu tư phân bón nhiều sẽ cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn và phân chuồng, nhất là phân gà đem bón cho chè bao giờ cũng rẻ nhất, bền vững nhất. Được Công ty cấp vốn, bà con phấn khởi lắm, nhà nào cũng hăng hái bón phân cho chè và đó chính là yếu tố giúp chè Nghĩa Lộ xanh tốt và nhiều búp".
Lãnh đạo Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ thăm hộ gia đình trồng chè năng suất cao.
Gia đình nhà ông Xuân cũng có vườn chè 1,1ha, do chăm sóc tốt nên vụ chè vừa qua đã thu được 30 tấn búp. Đầu tư mạnh cho cây chè nên nông dân đón nhận những thành quả xứng đáng và doanh nghiệp cũng nhờ đó được hưởng lợi. Năm 2012, Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ đã thu mua được gần 6.000 tấn chè búp tươi phẩm cấp tốt để nhà máy sản xuất chế biến phát huy tối đa công suất với sản lượng chè đen lên tới hơn 1.800 tấn, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, sản xuất, kinh doanh có lãi, hoàn thành tốt nghĩa vụ với Nhà nước.
Với người làm chè thuộc các xã: Suối Bu, Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ còn vui hơn vì năng suất chè bình quân đạt gần 13 tấn/ha. Riêng vùng chè cao sản thuộc thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ năng suất đạt 25 đến 27 tấn/ha; ở các đội sản xuất Thác Hoa, Đồng Lú, rất nhiều gia đình đã đạt năng suất trên 30 tấn/ha. Kỷ lục năng suất thuộc về gia đình ông Phạm Xuân Thống ở tổ 5A. Gia đình ông có vườn chè rộng 9.000m2, giống chè trung du, năm 2012 đã thu được 37 tấn búp, tương đương trên 40 tấn/ha.
Bước vào niên vụ 2013, giá chè búp tươi tăng hơn vụ trước 400 - 500 đồng/kg (giá hiện tại 4.200 - 4.300 đồng/kg), trong khi giá phân bón, giá thuốc trừ sâu không những không tăng mà một số loại còn giảm so với vụ trước. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để người dân thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ yên tâm, phấn khởi, tiếp tục đầu tư cho vườn chè của mình để năng suất, chất lượng búp chè đẩy lên cao nữa.
Một ngày ngắm nhìn, chụp ảnh những nương chè xanh và trò chuyện với lãnh đạo Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, với bác Bùi Xuân Lợi - tổ 4A, anh Vũ Tuấn Anh - tổ 5B, ông Phạm Xuân Thống... là những nông dân trồng chè cho năng suất vài chục tấn, chúng tôi hòa cùng niềm vui của họ và ước muốn, mô hình chè năng suất, chất lượng cao ở nơi đây sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác để các nhà máy không “đói” nguyên liệu, để cho nông dân sống khá giả nhờ cây chè và để cho sự gắn kết giữa nhà máy chè với nông dân trong vùng thực sự bền vững.
Thực tế, sự gắn kết này đã được hình thành nhưng cơ sở chỉ là niềm tin. Dù “niềm tin” là quan trọng nhưng cũng lại rất mong manh trong cơ chế thị trường khi mà tình trạng tranh mua nguyên liệu đang diễn ra một cách gay gắt, khi mà nhiều nhà máy mọc lên mà không có vùng nguyên liệu hoặc vùng nguyên liệu “ảo” trong cái gọi là “đề án sản xuất” đã được phê duyệt.
“Họ đang đến vùng chè mà chúng tôi cố công góp sức gây dựng để cạnh tranh bằng cách mua búp chè với phẩm cấp thấp và đã có người thấy lợi nhuận trước mắt, thấy dễ tính, dễ làm nên đã theo họ. Mối liên kết giữa chúng tôi và nông dân cũng như vùng chè năng suất, chất lượng luôn trong nguy cơ bị phá vỡ” - lãnh đạo Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ tâm sự. Bởi thế, bảo vệ và phát triển vùng nguyên liệu cũng đồng nghĩa với việc gắn kết lâu bền giữa người làm chè với doanh nghiệp. Đây thực sự là vấn đề mang tính chiến lược không chỉ riêng của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Dùng thuốc kích thích sinh trưởng để phun cho rau, chè khi dư lượng chưa phân hủy đến ngưỡng cho phép đã thu hoạch đưa ra thị trường; sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng; dùng chất hóa học làm giá đỗ, bảo quản rau, quả, tẩy trắng bún... những sản phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn tiếp tục được đưa ra thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang trước chất lượng thực phẩm hiện nay.
YBĐT - Sau mỗi buổi lễ, trên khoảng sân vắng lặng, họ lại cần mẫn tháo từng chiếc băng rôn, khuân vác từng chiếc loa, từng tấm biểu ngữ đưa về vị trí trong kho, thu dọn sân khấu, sân trường, quét tước vệ sinh gọn gàng để cho ngày mai, mọi thứ lại được trả về với những gì vốn có của nó.
YBĐT - Quan niệm kết hôn sớm để gia đình có người làm nương, sớm có cháu nối dõi là những tập tục đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu từ bao đời nay. Phong tục này đã khiến các em bé đang ở lứa tuổi cắp sách 15, 16 sớm bị “kéo” về. Vấn nạn tảo hôn nơi vùng cao Trạm Tấu vẫn đang diễn ra với những câu chuyện “cười ra nước mắt”…
YBĐT - Em Nguyễn Thu Ngân - học sinh lớp 9, nhà đối diện với điểm BĐVH xã An Thịnh cho biết: “Sách cũ, nhà bẩn mốc, Internet hỏng anh bảo đến làm gì… Mà chẳng riêng gì em, các anh cứ ngồi đây cả ngày cũng chẳng ai đến đâu”.