Rừng quế Bác Hồ ở Giàng Cài
- Cập nhật: Thứ hai, 12/8/2013 | 8:57:38 AM
YBĐT - Rừng quế hôm nay dân bản khai thác có rất nhiều cây quế lớn nhưng nổi bật, vượt lên trên khoảng rừng mênh mông là một cây quế cổ thụ sừng sững. Đó chính là cây quế Tổ, biểu tượng linh thiêng của đồng bào Dao Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Người dân Giàng Cài thu hoạch quế.
|
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nhiều năm qua, đồng bào Dao thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành (Văn Chấn) đã đồng sức, đồng lòng, chung tay phát triển rừng quế tập thể. Rừng quế ấy đã trở thành niềm tự hào và là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của đồng bào Dao nơi đây.
Dấu ấn một thời
Khi những đồng lúa ở Nậm Lành ngả màu vàng óng lại càng làm nổi bật màu xanh bạt ngàn của những rừng quế. Đoàn người gùi quế từ đầu con dốc kéo dài đến cầu treo Soòng Pành bắc qua con suối Tà Lành. Chúng tôi theo chân đồng bào Dao thôn Giàng Cài đi khai thác quế. Cùng đoàn còn có cả lãnh đạo xã Nậm Lành và rất đông người dân thôn Giàng Cài.
Vui nhất là ông Bàn Thừa Tài - một trong những người tiên phong tham gia định canh định cư tại Nậm Lành và đã có hơn 35 năm gắn bó với rừng quế. Ông không ngớt chuyện về những ngày trồng, bảo vệ rừng quế và cả những câu chuyện gắn với những đồi quế phía đông, phía nam bao quanh bản làng.
Ông bảo, những năm 1990 - 1992, một cân quế vỏ đổi được vài ba cân gạo. Kẻ xấu ở nhiều nơi thấy những đồi quế bạt ngàn thì tưởng vào rừng khai thác quế sẽ không ai hay biết. Nhưng chúng ngờ đâu, chỉ một báo động nhỏ là cả làng bốn phía cùng vây bắt trộm. Chạy ngược, chạy xuôi chẳng đường nào thoát, những tên trộm đành chịu trói và nhận sự răn dạy của dân làng. Khiếp vía với "thế trận lòng dân" nơi này, từ đó đến nay, hiếm khi thấy những tên trộm bén mảng nơi rừng thiêng Giàng Cài. Bao câu chuyện ông kể đã làm cho đoạn đường dường như ngắn lại…
Nay ở Nậm Lành chỉ còn 4 người thuộc lớp người đầu tiên lên khai hoang, định canh định cư, vận động nhân dân trồng quế. Để có diện tích quế lớn, tập trung như Nậm Lành, đóng góp của những lớp người tiên phong đi trước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiện Văn Chấn chỉ còn duy nhất rừng quế tập thể của nhân dân thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành. |
Ông Tài kể: "Năm 1978 - 1979, nghe lời Đảng và Bác Hồ vận động, cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Giàng Cài đã nhận thấy lợi ích từ việc trồng quế và bảo nhau đi gom nhặt cây quế mọc tự nhiên trồng thành rừng. Cây quế cổ thụ tại rừng quế này đã 35 năm tuổi, là một trong những cây quế đầu tiên chúng tôi ươm trồng. Đó là biểu tượng của cánh rừng, ghi dấu mốc thời kỳ đồng bào Dao nơi đây thực hiện định canh định cư. Bởi vậy, dù đã có nhiều người đến trả giá mấy chục triệu đồng nhưng chúng tôi không bán. Cây quế luôn được dân bản tôn thờ, chăm sóc, bảo vệ để cho nguồn hạt giống quý đồng thời là biểu tượng giáo dục cho con cháu về truyền thống, ý thức chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng".
Biểu tượng đoàn kết
Buổi khai thác quế bắt đầu sau lễ cúng xin phép thần rừng. Mỗi người một việc, không ai bảo ai tỏa ra khắp khu rừng. Đồng bào Dao ở Giàng Cài chỉ khai thác quế theo kiểu tỉa thưa để đảm bảo đất không bị xói mòn và có thể thu nhập đều mỗi năm. Những người có kinh nghiệm, những thanh niên khỏe mạnh xung phong đi quan sát, lựa chọn những cây quế đủ tầm tuổi khai thác. Người ta chặt những cây gỗ cứng làm dùi đục, gõ vào sống dao khắc vòng tròn lên thân quế những đoạn dài 30cm, những cành quế già được đẽo nhọn dùng để bóc vỏ. Đưa đường sắc nhọn áp sát thân quế, những đôi tay lanh lẹ, khéo léo lách những vòng quế độ dày đến 5 ly, đều tăm tắp, bóc ra những vòng quế xếp lồng cho dễ vận chuyển.
Sau khi bóc hết phần vỏ dưới gốc đến ngang tầm đầu người, những thanh niên bắt đầu hạ cây. Hạ cây phải làm sao cho đúng hướng, hạn chế dập nát các cây con. Một cây quế đổ xuống, hàng chục phụ nữ, người già cùng tham gia phát cành, bóc vỏ, dọn lá. Chả mấy chốc, sự ngổn ngang đã được sắp đặt phần nào ra phần đấy. Tất cả cứ thế diễn ra, hết cây này đến cây khác.
Cây quế cổ thụ ở Giàng Cài.
Khác với dáng vẻ ngày thường, hôm nay, ông Lý Kim Kinh - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành chạy đôn chạy đáo lo điểm tập kết, người vận chuyển rồi trực tiếp tham gia vận chuyển quế. Ông cho biết: "Mọi người ở đây thống nhất phương châm cùng làm, cùng hưởng, mỗi việc làm đều có sự bàn bạc, thống nhất của nhân dân. Khi tham gia lao động, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, chức vụ, nghề nghiệp, mọi người đều đoàn kết, gắn bó, san sẻ công việc cho nhau. Giá trị thu hoạch được chia đều cho số công lao động. Bởi vậy, mỗi người đều nhận thức được bổn phận và lợi ích của mình trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng quế.
Dù đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình còn khó khăn nhưng không ai có ý định thu hoạch trộm, bán quế để tư lợi riêng. Định kỳ hàng năm, vào thời điểm thích hợp, thời tiết thuận lợi, nhân dân thôn Giàng Cài tổ chức chăm sóc, trồng dặm và thu hoạch. Những hoạt động này không chỉ giúp người dân có nguồn thu nhập đáng kể mà còn tạo khí thế, tinh thần phấn khởi, gắn bó keo sơn của cộng đồng người Dao ở Nậm Lành".
Hoàng Thị Còi - một trong rất nhiều bạn trẻ ở Giàng Cài có mặt trong buổi thu hoạch quế cho biết: "Em rất vui khi được cùng dân bản thu hoạch quế. Những dịp như thế này, mỗi gia đình sẽ có thêm thu nhập nhưng vui hơn nữa bởi thêm gắn kết mọi người chung sức phát triển kinh tế. Chúng em sẽ tiếp tục theo bước những người đi trước để gìn giữ và phát triển rừng quế này". |
Giá trị bền lâu
Hơn 35 năm định canh định cư, từ vài héc-ta quế ban đầu, đến nay, rừng quế tập thể của thôn Giàng Cài đã được mở rộng lên trên 120ha, chiếm gần 1/2 diện tích quế của xã Nậm Lành. Hàng năm, giá trị thu hoạch từ tỉa thưa và khai thác đạt gần 1 tỷ đồng và còn có khả năng kéo dài trong nhiều năm. Đây là nguồn lợi kinh tế đáng kể giúp trên 120 hộ đồng bào dân tộc Dao trong thôn ổn định đời sống với mức thu nhập bình quân trên 8,5 triệu đồng/người/năm.
Quan trọng hơn cả là nhờ phát triển rừng quế, người dân đã nâng cao nhận thức về phát triển rừng và bảo vệ vốn rừng. Nhờ có rừng mà môi trường sinh thái của địa phương cũng như nguồn nước phục vụ sản xuất luôn đảm bảo. Đây thực sự là một trong những mô hình kinh tế tập thể điển hình của huyện Văn Chấn nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
Đáng nói ở mô hình này là ý thức của đồng bào Dao trong việc phát triển kinh tế bền vững cũng như nuôi dưỡng tình đoàn kết trong cộng đồng. Điều đó thực sự mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà đồng bào người Dao thôn Giàng Cài đã xây dựng nên thông qua thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Những ngày trời nắng mùi xú uế từ những đống rác thải bốc lên khiến mọi người khó chịu, còn vào ngày mưa lượng rác thải trôi xuống hệ thống cống rãnh thoát nước gây ngập lụt, ảnh hưởng đến nguồn nước.
YBĐT - Ngày mùa về, trên khắp cánh đồng của huyện Trạm Tấu, nơi đâu cũng nhộn nhịp. Nơi gặt lúa, nơi tuốt lúa, nơi be bờ, nơi nhổ mạ, nơi tiếng trâu lội bì bõm, nơi ruộng đã xanh những hàng lúa thẳng tắp xanh non mỡ màng. Tiếng nói, tiếng cười làm tan đi cái không khí oi bức thất thường tháng 7.
YBĐT - Mong muốn xin gửi con vào trường mầm non công lập (MNCL) - đó là một nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh trong khi tình trạng thiếu trường, thiếu lớp đang nan giải hiện nay nên ở một số khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, mỗi khi bước vào mùa tuyển sinh năm học mới lại khó tránh khỏi tình trạng nhiều phụ huynh đôn đáo, cố gắng xoay xở bằng mọi cách để có được một suất cho con vào trường MNCL…
YBĐT - Tháng 7 năm nay vừa tròn 48 năm ngày đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Yên Bái trong chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Mục tiêu của chúng tập trung đánh vào các công trình giao thông, cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình văn hoá xã hội là nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện…