Lũ lụt và nắng nóng
Tính đến cuối tuần qua, lũ lụt ở Trung Quốc gây thiệt hại ít nhất 26 tỷ USD, khoảng 63 triệu người đã bị ảnh hưởng và 54.000 ngôi nhà bị phá hủy, 219 người đã chết hoặc mất tích.
Theo Tân Hoa xã, mực nước đã tăng lên 167,6m - mức cao nhất kể từ khi đập Tam Hiệp được xây dựng vào năm 2003. Đợt lũ thứ 5 trên sông Trường Giang cùng với lũ trên sông Gia Lăng là hệ quả của mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng ở TP Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc. Chính quyền thành phố đã kích hoạt mức phản ứng cao nhất đối với lũ lụt trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp độ của Trung Quốc.
Lũ lụt cũng đang gây hậu quả nghiêm trọng tại Ấn Độ và Bangladesh. Tại Ấn Độ, mưa lớn ở thủ đô New Delhi gây ngập lụt nhiều tuyến đường. Theo Bộ Nội vụ Ấn Độ, trong mùa mưa năm nay, cả nước đã có 847 người thiệt mạng vì lũ lụt. Tại bang Bihar - bang nghèo nhất nước này, khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, hàng ngàn người phải ngủ trên đê và đường cao tốc do thiếu lán trại sơ tán.
Tại Bangladesh, 226 người đã thiệt mạng khi 40% diện tích cả nước bị ngập trong lũ khi mưa lớn khiến các con sông tràn bờ và nhấn chìm nhiều khu làng. Hơn 6 triệu người mất nhà cửa vì lũ, hàng chục ngàn người phải sơ tán.
Ở Nepal, lũ lụt kéo dài từ giữa tháng 6 khiến 218 người thiệt mạng và 69 người mất tích vì lở đất.
Trong khi đó, Nhật Bản đang hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài. Số người ốm, tử vong do sốc nhiệt ngày càng tăng. Tổng số ca tử vong do nắng nóng tại Nhật lên đến 131 người. Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, nắng nóng vẫn tiếp diễn tại nhiều khu vực trên toàn quốc trong vài ngày tới.
Thiệt hại tương đương đại dịch
Theo nghiên cứu vừa công bố của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey & Co., các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán, lũ lụt và bão sẽ trở nên phổ biến hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đang phải đối mặt với các tác động ngày càng nghiêm trọng hơn từ biến đổi khí hậu so với nhiều nơi trên thế giới.
Khu vực này đang chịu rủi ro đặc biệt vì có đông người nghèo, những người có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào công việc ngoài trời, sống ở những khu vực dễ bị tổn thương do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Đến năm 2050, các rủi ro đối với nhóm lao động trên có thể khiến khu vực này thiệt hại tới 4.700 tỷ USD/năm trong GDP.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tới những rủi ro kinh tế của việc trì hoãn các khoản đầu tư nhằm giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu. Khả năng bị thiệt hại trên diện rộng từ biến đổi khí hậu sẽ không kém so với đại dịch Covid-19 trong thời điểm hiện nay.
Dự báo này dựa trên một kịch bản, trong đó thế giới không cắt giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nền nhiệt tại châu Á tăng thêm 2°C. Dự báo chỉ ra rằng, vào năm 2050, 500 - 700 triệu người sống ở những quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan có thể trải qua những đợt nắng nóng vượt quá giới hạn.
Theo McKinsey, số lượng các trận mưa lớn có thể tăng gấp 3 - 4 lần vào năm 2050 ở các khu vực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia. Tình trạng lũ lụt gia tăng có thể gây thiệt hại 1.200 tỷ USD ở châu Á, chiếm tỷ lệ khoảng 75% trong tổng thiệt hại toàn cầu.
Theo Reuters, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 879 triệu USD dành cho 15 dự án ứng phó với những biến đổi khí hậu mới trên toàn thế giới. GCF được thành lập năm 2010, sau những hội nghị về vấn đề khí hậu của Liên hiệp quốc để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.
(Theo SGGP)