Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) cho biết, hiện nay, ở khu vực phía Nam Trung Quốc có một khối không khí lạnh mạnh đang di chuyển xuống nước ta.
"Khoảng đêm 18, ngày 19/2 khối không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ. Ngoài tác động của không khí lạnh mạnh, trong các ngày từ 19-21/2 khu vực Bắc Bộ còn chịu ảnh hưởng thêm của hội tụ gió trên độ cao 5000m nên từ ngày 19-22/2 các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào và dông", ông Hưởng nhận định.
Theo ông Hưởng, do tác động của không khí lạnh và mưa nên có khả năng xảy ra một đợt rét hại diện rộng, nhiệt độ thấp nhất khu vực Đồng bằng phổ biến từ 8-10 độ C, các tỉnh vùng núi, trung du nhiệt độ từ 4-6 độ C, khu vực núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C; khu vực vùng núi phía Bắc có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa tuyết, băng giá. Từ ngày 21 đến 23/2, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có mưa, mưa rào; phía Bắc trời rét, phía Nam trời lạnh.
Các đợt rét hại nhất trong lịch sử
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ tháng 12/2021 đến nửa đầu tháng 2/2022 đã xảy ra 9 đợt không khí lạnh, trong đó 2 đợt không khí lạnh mạnh (từ ngày 25-2/12/2021 và từ 29/1-8/2/2022) đã gây rét đậm, rét hại cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với nhiệt độ thấp nhất tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 1,8 độ C, Sa Pa 4,5 độ C, Phan xi păng (Lào Cai) -2 độ C,…
Dự báo, từ ngày 19-23/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ mùa Đông 2021-2022. Nhiều nơi nhiệt giảm sâu, vùng núi cao có khả năng cao xảy ra mưa tuyết và băng giá; trung du và đồng bằng có thể dưới 10 độ C.
Liên quan đến đợt rét này, Ban Chỉ đạo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã theo dõi chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chuyên môn liên quan chủ động các biện pháp ứng phó, cụ thể:
Sớm ban hành các văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương. Biên soạn, cung cấp các tài liệu, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống rét đậm, rét hại cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông, hướng dẫn người dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, rét đậm, rét hại từ đầu mùa đã khiến 3 người chết, 3 người ngạt khí phải cấp cứu (2 vụ ngạt khí khi đốt than tổ ong để sưởi ấm vào ngày 3/2 và 8/2 tại huyện Quảng Xương, Thanh Hoá). Về chăn nuôi: 22 con gia súc bị chết (Bắc Kạn: 18; Sơn La: 4).
Các đợt rét hại nhất trong lịch sử: Đợt rét từ 14/1-20/2/2008 (38 ngày) dài nhất trong lịch sử, nhiệt độ thấp nhất: Sa Pa (Lào Cai): -1,0 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): -2 độ C. Đợt rét đã làm 137.932 con gia súc bị chết.
Đợt rét từ 3/1-3/2/2011 (31 ngày) với nhiệt độ thấp nhất: Sa Pa (Lào Cai) 0 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): -3,6 độ C. Đợt rét đã làm trên 30.000 con gia súc chết.
Đợt rét từ 22-28/1/2016 có nhiệt độ thấp trong lịch sử, xảy ra trên diện rộng; một số điểm nhiệt độ rất thấp như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -5,0 độ C, Sa Pa (Lào Cai) -4,2 độ C. Đợt rét đã làm 36.678 con gia súc bị chết.
Đợt rét từ ngày 7-13/1/2021 với nhiệt độ thấp nhất: Sa Pa (Lào Cai) -2,2 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -3,4 độ C, trên địa bàn huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã xuất hiện mưa tuyết. Đợt rét đã làm 2.354 con gia súc bị chết (TT.Huế: 900 con).
(Theo VOV)