Là tỉnh miền núi, nhiều dân tộc anh em sinh sống, Yên Bái thường xuyên phải chịu ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra. Đặc biệt, trong vòng 10 năm trở lại đây, tình hình thiên tai, bão lũ ngày càng cực đoan, khốc liệt, khó lường gây thiệt hại lớn về người và vật chất của cộng đồng, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại là một trong những giải pháp cần được triển khai thực hiện hiệu quả hơn.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ công tác nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cộng đồng, nâng cao năng lực của chính quyền trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, tỉnh đã xây dựng thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.
Mục tiêu nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân ở vùng thường xuyên chịu tác động thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có ý thức chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai, nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.
Phấn đấu đến năm 2030, đội ngũ giảng viên các cấp được trang bị đầy đủ kiến thức về thiên tai và năng lực tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó thiên tai tại cộng đồng.
100% cán bộ, công chức, viên chức, người có uy tín trong cộng đồng được phổ biến về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong phòng, chống thiên tai; 100% người dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai như: lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, mưa đá, lốc xoáy và ít nhất 50% người dân khu vực khác được phổ biến kiến thức về thiên tai và kỹ năng phòng tránh thiên tai.
100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đưa nội dung phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học để giảng dạy; 100% đơn vị xã xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai phải có sự tham gia của cộng đồng; 100% hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai và thông tin chỉ đạo phòng, tránh thiên tai.
Đề án được triển khai ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, tỉnh chỉ đạo tập trung tại các vùng nguy cơ, rủi ro cao, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, với ba hợp phần chính là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, cán bộ chính quyền các cấp về quản lý, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Ngoài những giải pháp, cơ chế chính sách, công tác tuyên truyền hướng dẫn và nâng cao ý thức người dân, để người dân chủ động có phương án giảm nhẹ rủi ro thiên tai cấp hộ gia đình là quan trọng. Người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó, bảo vệ tính mạng, tài sản, các biện pháp khắc phục thiệt hại nếu thiên tai xảy ra trong khả năng hộ gia đình trước khi có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Đơn cử như một số hộ dân sống ven sông Hồng hầu như năm nào cũng bị ngập lụt, bà con thường chủ động, ứng phó bằng cách lấy đỉnh lũ của năm cao nhất để thực hiện di chuyển hoặc kê cao đồ đạc trong gia đình, chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc y tế, không tự ý bơi lội ra ngoài trước khi lực lượng chức năng đến ứng cứu đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.
Đặc biệt, nâng cao ý thức chấp hành của người dân đối với sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền cơ sở. Đồng thời, chính quyền cơ sở cần theo sát, nắm bắt nhu cầu người dân để có chỉ đạo sâu sát, cụ thể, thiết thực hơn. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư, đến cấp chính quyền và ngành chức năng.
Trước diễn biến của biến đổi khí hậu, sự bất thường, cực đoan của thiên tai luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do đó ý thức của mỗi người dân, cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp, các ngành sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và là nhân tố quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngọc Trúc