Phòng, chống thiên tai cần đồng bộ các giải pháp

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/5/2024 | 7:40:35 AM

YênBái - Là tỉnh miền núi, Yên Bái thường xuyên chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, khó lường. Nhiều năm qua, không năm nào Yên Bái không bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra, ngoài nâng cao nhận thức, hiểu rõ bản chất của thiên tai, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, lấy phương châm phòng ngừa là chính.

Thành phố Yên Bái đẩy nhanh tiến độ thi công kè các suối trong lòng thành phố trước mùa mưa bão.
Thành phố Yên Bái đẩy nhanh tiến độ thi công kè các suối trong lòng thành phố trước mùa mưa bão.

Tình hình thiên tai, bão lũ tại Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng những năm gần đây diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường, là vấn đề trăn trở, là mối lo của hầu hết các cấp, các ngành và mỗi người dân mỗi khi mùa mưa đến. 

Bình quân mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân, thiệt hại vật chất trên 1,5% GDP. Không chỉ vậy, thiên tai còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, điều kiện sống và hàng loạt hoạt động kinh tế - xã hội, tác động mạnh đến sự phát triển bền vững của mỗi địa phương và của cả quốc gia. Yên Bái tuy không nằm trong tâm bão nhưng không có năm nào là không bị thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai, bão lũ, sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét gây ra. 

Chỉ tính riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 đợt thiên tai, làm 8 người chết, 1 người bị thương, hư hỏng 1.612 căn nhà, trên 2.301 ha sản xuất nông nghiệp và trên 4.641 con gia súc, gia cầm bị chết, 169 công trình thủy lợi bị hư hỏng và hàng trăm trường học, nhà văn hóa, tuyến đường, công trình thoát nước… ước thiệt hại kinh tế trên 420 tỷ đồng. Năm 2024 cũng vậy, mưa bão tuy mới bước vào mùa nhưng đã gây thiệt hại lớn về người và của . 

Tại các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, hàng trăm nhà bị thiệt hại. Rõ ràng, hậu quả thiên tai, bão lũ để lại là rất nặng nề. Tuy đã có sự vào cuộc của Nhà nước, các mạnh thường quân, sự đóng góp của nhân dân chia sẻ với vùng thiên tai nhưng cũng không thể một sớm một chiều khắc phục ngay được. Thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường nhưng sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của nếu như chúng ta biết phòng, chống. 

Phòng, chống thiên tai (PCTT) hiệu quả sẽ bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Yên Bái đã và đang xây dựng phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Tuy còn có những khó khăn nhất định nhưng tỉnh đã đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác phòng, chống bão lũ với phương châm "4 tại chỗ”. 

Tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch theo Luật PCTT, thường xuyên rà soát phương án, nhiệm vụ PCTT, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với thực tế từng vùng, từng địa bàn. Hàng năm đều có phương án ứng phó các loại tình hình thiên tai trên địa bàn theo mức độ rủi ro. Có thể nói, sự vào cuộc của tỉnh và các địa phương đã cơ bản tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác triển khai tại cơ sở của mỗi ngành, mỗi địa phương và mỗi người dân vẫn còn có những hạn chế, chưa sát thực tiễn, chưa tuân thủ theo khuyến cáo của cấp ngành. Công tác phòng ngừa, nâng cao nhận thức ở cấp thôn, bản, xã, phường chưa thật quyết liệt, quyết tâm. 

Mùa mưa bão năm 2024 đã bắt đầu, dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá thường xuất hiện trong những tháng chuyển mùa. Từ tháng 5 đến tháng 7/2024 là tháng mùa mưa nên khả năng sẽ xảy ra ngập úng ở vùng thấp, lũ ống, lũ quét ở vùng cao, ven các sông, suối sạt lở đất đá… 

Từ tháng 7 đến tháng 10/2024, thường ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão. Cuối tháng 12/2024, rất dễ xảy ra sương muối, băng tuyết… Nhiệm vụ của chúng ta cần khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trên và phải vào cuộc một cách tích cực có trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân ở từ cấp thôn, bản. Mỗi người dân, gia đình phải ý thức rõ và tự bảo vệ người và tài sản của mình; mùa bão lũ cũng phải tự chằng chống, gia cố nhà cửa, ngày mưa không lên đồi, không vào rừng làm nương và ngủ lại nương rẫy, không ra sông suối đánh cá, vớt củi… 

Lãnh đạo, cán bộ thôn bản phải đi tận nhà, rà từng thôn, vận động tuyên truyền những hộ dân sống ven suối, ven đồi di dời đến nơi an toàn. Trong mùa mưa bão phải tổ chức ứng trực 24/24 giờ và theo dõi thông báo chặt chẽ diễn biến thời tiết tới các cộng đồng dân cư. Các ngành giao thông, điện lực, thông tin truyền thông… chủ động sẵn sàng phương án gia cố, phòng chống và sẵn sàng cho mọi tình huống thiên tai. Tổ chức ra quân nạo vét, khơi thông, tháo dỡ các vật cản ở các lòng sông, lòng suối. 

Thường xuyên khảo sát, kiểm tra tránh sạt lở đất đá từ vùng cao đến vùng thấp. Xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất chi tiết để phục vụ cho các địa phương dân cư, hộ gia đình biết để chủ động phòng tránh. Có kế hoạch dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết tại chỗ. Đảm bảo thông tin liên lạc cho những vùng thường xảy ra lũ quét, lũ ống. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác PCTT nếu chủ quan lơ là. 

Về lâu dài phải triển khai lồng ghép nội dung PCTT, bão lũ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Rà soát quy hoạch chuyển đổi sản xuất phù hợp với từng địa bàn, từng vùng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng, chú trọng công tác huấn luyện nâng cao thực hành tìm kiếm cứu nạn, kỹ năng vận hành các trang thiết bị phục vụ cho cảnh báo, tìm kiếm cứu nạn. 

Vẫn biết thiên tai, bão lũ là thuộc tính của tự nhiên từ muôn đời, con người không thể lường trước được nhưng chắc chắn sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu chúng ta chủ động phòng, chống dựa trên quy luật tự nhiên.

Thanh Phúc

Các tin khác
Dự báo hướng di chuyển của bão theo JMA, cập nhật tối 25/5.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển ngoài khơi miền nam Philippines. Dự báo áp thấp nhiệt đới này sẽ di chuyển theo hướng tây bắc đi dọc theo vùng biển phía đông Philippines và có khả năng mạnh lên thành bão. Sau đó, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía đông bắc và ít có khả năng ảnh hưởng đến Biển Đông.

Quang cảnh buổi làm việc.

Sáng 24/5, Đại tá Trần Công Ứng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra và làm việc với Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Lục Yên.

Miền Bắc bước vào đợt mưa dông mới từ đêm nay (22/5).

Từ đêm 22 đến ngày 24/05, Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi, riêng phía Tây Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác; từ chiều tối 23/5 có mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng khu vực vùng núi cục bộ có mưa to.

Nằm trong kế hoạch phòng chống thiên tai- tìm kiêm cứu nạn (PCTT- TKCN) năm 2024, sáng 20/5, Ban chỉ huy PCTT- TKCN thành phố đã chỉ đạo xã Minh Bảo tổ chức diễn tập ứng phó lụt bão (ƯPLB)- TKCN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục