Giải pháp nào để hạn chế tối đa thiệt hại trong quá trình xả lũ hồ thủy điện Thác Bà?

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/8/2024 | 1:48:35 PM

YênBái - Mới đây, hồ Thủy điện Thác Bà xả lũ đã khiến nhiều nhà ở, cơ sở sản xuất, hoa màu của người dân một số xã vùng hạ du sông Chảy như Vĩnh Kiên, Hán Đà và thị trấn Yên Bình bị ảnh hưởng. Việc mở cửa xả là điều tiết lũ hồ chứa tuân thủ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa song vấn đề đặt ra là làm gì để việc xả lũ của thủy điện không gây thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân?

Hàng loạt hộ dân lấn chiếm dòng chảy đã ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ.
Hàng loạt hộ dân lấn chiếm dòng chảy đã ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ.

Trở lại Thác Bà vào ngày 7/8/2024, khi câu chuyện Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà xả lũ gây ngập úng vẫn được người dân bàn tán, nước vẫn ở mức cao, nhiều hoa màu của người dân vẫn ngập chìm trong nước. Quá trình xả lũ của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà tuân thủ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng của Thủ tướng Chính phủ, Quy trình vận hành hồ chứa Thác Bà được Bộ Công thương phê duyệt, lệnh điều tiết mở cửa xả theo Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã có thông báo đầy đủ theo quy định. Mặc dù vậy, việc xả lũ đã khiến nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, ao cá và hoa màu của người dân vẫn bị ngập trong nước, dù mức độ thiệt hại chưa đến mức nghiêm trọng.  

Nguyên nhân của tình trạng trên có rất nhiều, đã được Báo Yên Bái và nhiều phương tiện truyền thông phản ảnh như: xả lũ với lưu lượng nước cao hơn đợt xả lũ năm 1996; nước tiêu rất chậm và dâng khá cao do tất cả các hồ chứa như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Na Hang đều xả lũ; mực nước các con sông rất lớn... Tuy nhiên, nước tiêu chậm, ngập úng càng trầm trọng thêm còn do nhiều hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh dọc sông Chảy (hạ du nhà máy) đã xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, đổ kè bê tông, san tạo mặt bằng… lấn chiếm dòng chảy tự nhiên. 

Thời điểm chúng tôi có mặt tại xã Hán Đà, mặc dù nước đã rút xuống hơn 1 mét so với ngày đạt đỉnh, nhưng nước sông Chảy vẫn rất lớn bởi thủy điện Thác Bà vẫn tiếp tục xả lũ với lưu lượng 1.800 m3/giây.  

Khi có mưa lũ lớn, trên diện rộng, việc xả lũ hồ chứa là điều bắt buộc đối với các nhà máy thủy điện nhằm bảo đảm an toàn hồ đập; quá trình xả phải theo quy trình và theo lệnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Câu chuyện đặt ra lúc này là chúng ta phải làm gì để hạn chế thiệt hại khi thủy điện Thác Bà xả lũ?

Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như hạn chế tốt đa thiệt hại do hoạt động xả lũ hồ thủy điện gây ra cần nâng cao tính chủ động của các cấp chính quyền địa phương, khắc phục và loại bỏ sự chủ quan của người dân. Cần sớm dự báo lượng nước về hồ, trên cơ sở đó thực hiện việc mở từ từ từng cửa xả.

Doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần chú trọng việc xây dựng phương án cụ thể, chi tiết phòng chống thiên tai, lũ lụt theo các cấp cấp độ khác nhau; thực hiện nghiêm cơ chế cung cấp thông tin, thông báo thông qua các phương tiện truyền thông, loa truyền thanh, loa cầm tay, mạng xã hội, xe loa lưu động tuyên truyền, cung cấp thông tin về những đợt xả lũ. 

Cụ thể, như tại khu vực hạ du thủy điện Thác Bà, chính quyền cần giúp các hộ dân xác định cos nền nhà mình, cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình để họ biết, từ đó chủ động phòng tránh. 

Đặc biệt, huyện Yên Bình cần tăng cường tuyên truyền, quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, nhất là khẩn trương khắc phục tình trạng lấn chiến dòng chảy hai bên bờ sông Chảy phía hạ du đập nhà máy thủy điện Thác Bà trả lại dòng chảy tự nhiên, tăng khả năng thoát lũ, hạn chế thiệt hại. Mặt khác, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm, dứt khoát tình trạng xâm hại, lấn chiếm mặt hồ Thác Bà là dung tích hồ chức bị giảm…

Xả lũ là điều bắt buộc để đảm bảo an toàn hồ đập, nhưng hoạt động này không diễn ra thường xuyên nên rất dễ gây ra tâm lý chủ quan. Từ việc người dân bị ảnh hưởng do xả lũ của thủy điện Thác Bà vào ngày 5 và 6/8 vừa qua, bài học kinh nghiệm được rút ra đó là cần tính toán kỹ lưỡng, xây dựng phương án cụ thể, rõ ràng, sát hợp; tổ chức diễn tập thực chất… Qua đó, đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản của người dân.

Lê Phiên

Tags Yên Bái xả lũ thủy điện Thác Bà Yên Bình

Các tin khác
Đến 8 giờ, ngày 8/8, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà vẫn đang mở 2 cửa xả mặt số 1 và số 3. Tổng lưu lượng xả về hạ du là 1.595 m3/s.

Đến 8 giờ sáng nay - 8/8, mực nước hồ Thác Bà đã giảm về còn 56,69 m. Hiện Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà vẫn đang mở 2 cửa xả mặt số 1 và số 3. Tổng lưu lượng xả về hạ du là 1.595 m3/s.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái kiểm tra công tác xả lũ tại thủy điện Thác Bà sáng 7/8/2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái vừa ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND yêu cầu yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh; chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Do lưu lượng nước thượng nguồn đổ về lớn, thực hiện Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà cùng với các thủy điện trên thượng nguồn tham gia điều tiết hồ qua đập tràn công trình thủy điện Thác Bà. Việc điều tiết nước đã được thông tin cụ thể để nhân dân hạ du có phương án phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, chính quyền các địa phương đã có những hỗ trợ kịp thời giúp người dân khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình mở 4 cửa xả.

11 giờ hôm nay (6/8), Công ty Thuỷ điện Hoà Bình sẽ mở tiếp 1 cửa xả đáy hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình. Mực nước trên lưu vực sông Hồng được nhận định sẽ tiếp tục lên cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục