Tuổi trẻ Lục Yên với phong trào phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) có nhiều bạn trẻ biết phát huy nội lực tham gia vào phong trào phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và gia đình, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều bạn trẻ khác...

Nhiều hộ nông dân ở xã Khánh Thiện (Lục Yên) chăn nuôi bò bán công nghiệp. (Ảnh: T.L)
Nhiều hộ nông dân ở xã Khánh Thiện (Lục Yên) chăn nuôi bò bán công nghiệp. (Ảnh: T.L)

Lê Văn Tuấn, ở thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, nuôi ong từ năm 2005. Từ chỗ chỉ có 5 đàn ong giống, sau hơn 2 năm Tuấn hiện có gần 80 đàn. Muốn nuôi ong thành công và đạt hiệu quả kinh tế, cần phải hiểu tập tính sinh học mới vận dụng và khai thác hết tiềm năng của nó, làm sao trong mỗi vụ sản xuất ra nhiều mật nhất. Thường thì một năm Tuấn phải di chuyển đàn ong từ 3 – 5 lần, tìm đến những vùng trồng nhãn, trồng vải và các loại hoa khác để chúng tìm mật. Một đàn ong sản xuất được trung bình từ 25 đến 30 kg mật mỗi năm. Năm ngoái, số đàn ong này đã sản xuất được gần 1 tấn mật, thu về gần 60 triệu đồng, trừ mọi chi phí cũng cho thu nhập tới vài chục triệu đồng.

Mô hình nuôi lợn thịt của Đỗ Văn Linh ở xã Minh Xuân, cũng là một điển hình. Từ một vài con lợn nái để lấy lợn giống, hơn 5 năm chịu khó làm lụng, bây giờ lúc nào trong chuồng hai vợ chồng cũng có từ 80 đến 100 con lợn thịt. Linh cho biết, trung bình một năm xuất bán ra thị trường từ 15 đến 20 tấn lợn hơi. Linh vẫn ấp ủ xây dựng cho mình một hệ thống chuồng trại, khoa học, chăn nuôi với quy mô lớn, để có thể tạo thêm công ăn việc làm cho thanh niên trong xã.

Ở xã Trung Tâm có mô hình trồng rừng của thanh niên. Bắt đầu từ năm 2002, khi phong trào phát triển kinh tế ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, một số cán bộ Đoàn xã mạnh dạn nhận đất trống, đồi trọc để trồng keo và giờ đây khoảng 16 ha trồng tập trung ở một số thôn, hứa hẹn trong vài 3 năm tới sẽ cho một khoản thu nhập đáng kể, giúp cho gần 10 hộ gia đình thanh niên ở các thôn Sâm Trên, thôn Sâm Dưới và thôn Làng Đát có cuộc sống từng bước đi vào ổn định hơn trước.

Đối với loại hình sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, ở thị trấn Yên Thế là nơi tập trung nhiều nhất, đặc biệt là hình thành nên những cơ sở sản xuất tranh đá quý. Nghề mới này đã thu hút một lượng lớn lao động tham gia, trong đó lao động ở độ tuổi thanh niên chiếm đa số. Ở tổ 11 thị trấn Yên Thế, có cơ sở sản xuất tranh đá quý của anh Phạm An Trung, hiện cơ sở của anh đón nhận các bạn trẻ ở độ tuổi từ 18 đến 30 vào làm. Thu nhập của họ cũng được trả theo năng lực với các mức từ 1 triệu đến hơn 3 triệu đồng một tháng.

Hiện tại, Huyện đoàn cũng đã rà soát, đánh giá lại các cơ sở đoàn, đồng thời xây dựng một số chương trình giúp đỡ cho các đối tượng là đoàn viên thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế, trong đó lồng ghép từ một số kênh vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho thanh niên nghèo vay; phối hợp với các cơ quan đơn vị mở các lớp dạy nghề ngắn hạn; giúp cho những ĐVTN có nhu cầu để phát triển kinh tế, khai thác những tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Những tấm gương điển hình nêu trên, chỉ là những đại diện cho hàng chục ông chủ trẻ đang làm giàu trên quê hương Lục Yên anh hùng. Tuy nhiên, vấn đề việc làm cho lao động nông thôn vẫn là bài toán khó. Theo thống kê, hiện nay lực lượng thanh niên trên địa bàn huyện Lục Yên (trong độ tuổi từ 15 đến 34) có trên 28 nghìn người, chiếm 27% dân só. Trong đó, thanh niên có việc làm không ổn định vẫn còn cao, chiếm khoảng 35%, tập trung chủ yếu là thanh niên nông thôn.

Để triển khai chương trình phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên, tạo việc làm và thu nhập ổn định, đồng thời thúc đẩy các phong trào khác của đoàn trong những năm tới, đồng chí Trần Tiến Hưng – Bí thư Huyện đoàn Lục Yên cho biết: “Chúng tôi xác định, muốn tập hợp thu hút được đông đảo các bạn ĐVTN tham gia vào tổ chức đoàn, trước hết phải chú trọng vào việc khai thác các nguồn lực tại chỗ, lấy kinh tế để nuôi phong trào...".

Giải pháp thiết thực cho thanh niên nông thôn, là bên cạnh các giải pháp tình thế như xuất khẩu lao động thì việc hướng nghiệp, dạy nghề tạo việc làm tại chỗ được coi là giải pháp thiết thực, bền vững nhất. Có như vậy, mới thu hút được các bạn trẻ tham gia vào các hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên.

Đình Nguyên

Các tin khác

YBĐT - Là học sinh lớp 5A1, Trường PTCS xã Cao Phạ, Thào A Mềnh lớn lên ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Mềnh là con thứ ba trong gia đình, bố mẹ đều làm nương rẫy, gia đình rất nghèo nhưng bố mẹ đã cố gắng dành dụm lo cho em ăn học.

YBĐT - Anh Hờ A Hú sinh ngày 10 tháng 10 năm 1976 tại bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là Bí thư Đoàn xã Chế Cu Nha.

Anh Nguyễn Văn Vận

Từ hai bàn tay trắng, sau 10 năm miệt mài lao động, giờ đây chàng trai 30 tuổi chỉ học hết lớp 7 đã có tổng tài sản không dưới 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân hàng năm khoảng 150 triệu đồng.

ĐVTN xã Bản Mù (Trạm Tấu) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

YBĐT - “Nếu không có nhiều hoạt động thiết thực gắn liền với phong trào phát triển kinh tế - xã hội để tập hợp thanh niên thì Hát Lừu không thể có được một lực lượng ĐVTN mạnh như hôm nay”- đó là tâm sự của Lò Văn Ngai, Bí thư Đoàn xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) nơi có 648 đoàn viên, chiếm khoảng 75% thanh niên của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục