Cô bé tật nguyền và 6 huy chương vàng thể thao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/7/2008 | 12:00:00 AM

Mỗi sáng sớm, trong tiết trời se lạnh của Đà Lạt, có một cô bé vai lệch với cánh tay bị liệt, mặt nghiêng một bên, chạy trên nhiều con phố, mồ hôi chảy ròng...

Nhà Khưu Lệ Phương quá nghèo không có máy tính, cô bé phải đến học
Nhà Khưu Lệ Phương quá nghèo không có máy tính, cô bé phải đến học "ké" máy ở nhà chị Trần Thị Hồng Hoa, Chủ tịch Hội người khuyết tật Đà Lạt.

Nhiều người địa phương biết, cô bé là Khưu Lệ Phương, người đã đoạt 6 huy chương vàng thể thao cho người khuyết tật. Phương đã kiên trì tự chạy tập thể dục mỗi sáng để tăng cường rèn luyện sức khỏe, chứ không nằm trong chương trình, hay chế độ đào tạo của Sở Thể dục Thể thao tỉnh, trừ việc được gọi tập luyện vài tuần trước mỗi kỳ thi đấu.

Sâu trong một con hẻm nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt, năm 1985, có hai vợ chồng gốc Hoa sinh đứa con thứ 3. Cô bé khá bụ bẫm, xinh xắn, khóc rất nhiều và to nên được bố mẹ đặt tên là Khưu Lệ Phương. Năm 3 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã đến với Phương trước sự bất lực của gia đình. Từ đó cuộc đời em rẽ ngoặt theo hướng khác.

Sau cơn sốt, Phương bị bại não dạng nhẹ và có nhiều biến dạng cơ thể. Một cánh tay bị liệt co quắp, cơ mặt và vai co rút làm cho khuôn mặt của em méo xệch, vai nghiêng và không thể hướng thẳng mặt về phía trước. Còn quá bé nhỏ chưa biết suy nghĩ gì để than thân trách phận nhưng Phương vẫn có may mắn được yêu thương đùm bọc trong mái ấm gia đình, cho dù mái ấm đó vô cùng nghèo nàn thiếu thốn.

Phương là con trong một gia đình có 5 chị em, kinh tế chỉ nhờ vào nghề làm chìa khóa của bố. Mẹ Phương ngoài việc nội trợ còn bán thêm tủ hàng tạp hóa tại ngôi nhà diện tích 21 m2, vừa là nơi buôn bán đồng thời là chỗ ở của 7 thành viên gia đình.

Dị tật làm cho Phương không thể đến trường như bao bạn bè trang lứa. Mãi tới năm lên 9 tuổi qua sự giới thiệu, gia đình đã gửi Phương vào một trường học đặc biệt ở Đà Lạt. Đó là trường thiểu năng Hoa Phong Lan, chủ yếu chăm sóc trẻ có biểu hiện tâm thần hoặc chậm phát triển trí não. Không thể kể xiết sự vui mừng của Phương khi lần đầu tiên được cắp sách đến trường. Đôi mắt của em không thể mở to được, nhưng đủ cảm xúc để thể hiện niềm hạnh phúc lấp lánh đến trào nước mắt.

Phương được học ở trường nhiều thứ, đọc thông viết thạo, chỉ có điều do biến chứng của sốt bại liệt Phương không thể phát âm rõ được. Thầy cô giáo nhận thấy Phương có khả năng tiếp thu kiến thức bình thường nên đã liên hệ giúp em học ở một trường phổ thông bình thường nhưng đã bị từ chối với lý do quá tuổi.

Gia đình cũng muốn Phương được tiếp tục học hành nên đưa em tới trường Bổ túc văn hóa, nhưng rồi đến đâu cô bé cũng không được tiếp nhận với nhiều lý do. Đường học hành của Phương tưởng như chấm dứt từ đó nhưng may thay em được những maseur ở nhà thờ Domen Đmari Đà Lạt nhận về dạy thêm chữ, đồng thời cho học nghề đan móc len.

Nghề này tuy không khó với phái nữ nhưng lại không dễ với Khưu Lệ Phương, bởi đôi tay yếu ớt và một cách tay bị liệt. Thế rồi ngày ngày Phương chỉ biết phụ mẹ và chọn thể thao tự tập luyện với mong ước mọi hoạt động của mình trở nên dễ dàng hơn, chờ những cơ hội mới có thể tự lao động nuôi sống bản thân.

Năm 2006 Phương được mời tham dự Đại hội thể dục thể thao của người khuyết tật tại TP HCM. Ở lần tham gia đầu tiên này, Khưu Lệ Phương đã mang về cho Lâm Đồng 3 huy chương vàng, trong đó có một huy chương môn cử tạ cùng 2 huy chương môn điền kinh cự ly 100m và 200m.

Năm 2007 Phương tiếp tục đại diện Lâm Đồng thi đấu tại Thừa Thiên Huế và cũng đoạt 3 huy chương vàng môn điền kinh ở các cự ly 100 m, 200 m, 400 m. Tháng 7 năm ấy, vận động viên khuyết tật này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen. Đầu 2008, Khưu Lệ Phương lại nhận bằng khen của Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

Những phần thưởng đó đều như tia sáng giúp Phương cảm thấy hạnh phúc, tự tin trong cuộc sống có nhiều bất hạnh, vất vả của mình. Song có đôi khi em không tránh khỏi tủi thân vì thể thao không được chọn là sự nghiệp, mà cô bé đang mong có một cái nghề như trở thành thợ đan len, hoặc học vi tính văn phòng.

Cô bé hiện vừa đan len vừa đi học vi tính văn phòng và theo khóa lập trình. Trao đổi với VnExpress, người chủ của 6 chiếc huy chương vàng thể thao rất ít nói, lặng lẽ nhưng cũng rất quyết tâm: "Em muốn học giỏi vi tính với lập trình để về giúp các anh chị ở Hội người khuyết tật Đà Lạt đánh máy giấy tờ".

Trong khi đó, những chiếc huy chương vàng thể thao được treo trên tường, đặt trong góc bàn, lặng lẽ bám đầy bụi thời gian...

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Lê Trung Hiếu và cha là GS, TS Lê Viết Lượng.

Lê Trung Hiếu (sinh ngày 24/6/1990) vừa trở thành tân thủ khoa trường ĐH Hàng hải Việt Nam (ĐHHH) với tổng số điểm làm tròn là 30 (Toán: 9,75, Lý: 10, Hóa: 10).

Sức trẻ đi mở đường vùng cao. (Ảnh: Thu Hạnh)

YBĐT - Không đợi đến khi Đội Thanh niên tình nguyện của tỉnh ra quân, ngay từ những ngày đầu tháng 5, Chiến dịch "Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè năm 2008" đã được các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tự tuyên truyền rộng rãi trên toàn tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Em bảo rằng, một ngày với em thật dài bởi em chẳng có việc gì để làm, cần làm. Em giết thời gian bằng chúi đầu vào ti vi, đọc truyện và ngủ. Nhưng đọc mãi, xem mãi càng chán. Ngủ mãi cũng phải dậy... Em lại bảo rằng, cuộc sống với em thật nhạt nhẽo, nhàm chán: một quá khứ bình yên, một hiện tại đầy đủ và cả một tương lai đã được định hình.

Sinh viên Vũ Tiến Cường.

Tự hào cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp Đại học Khoa Việt Nam học, trường ĐHSPHN, Vũ Tiến Cường thực sự đã khẳng định được nỗ lực của bản thân, vượt qua mặc cảm dị tật vươn lên và bước tiếp con đường tương lai đầy tự tin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục