Cậu học sinh lớp 8 và chiếc cặp “kỳ diệu”

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/9/2008 | 12:00:00 AM

“Cặp sách cứu sinh” là một trong 5 đề tài được giải nhất trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên-nhi đồng toàn quốc lần thứ 4 (2007-2008). Chủ nhân của đề tài là Lê Trọng Hiếu.

Cao ráo, trắng trẻo, thông minh là những ấn tượng ban đầu khi gặp cậu học sinh lớp 8 Lê Trọng Hiếu tại xã Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam). Em đang là học sinh trường THCS Nhật Tân.

Theo Hiếu, đây không chỉ là một đề tài khoa học có tính thực tiễn cao mà đó còn là ước mong của em giúp những bạn nhỏ ở vùng sông nước được đến trường an toàn.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, mẹ là giáo viên tiểu học, ngay từ khi còn nhỏ Hiếu tỏ ra đam mê học tập. Suốt những năm học tại trường tiểu học Nhật Tân B, Hiếu luôn đạt được danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

Ngay từ khi còn học tiểu học, Hiếu đã có những tư duy nổi trội hơn những người bạn cùng trang lứa. Em không thích được làm lớp trưởng hay cán bộ lớp dù trong lớp em luôn là người có bảng thành tích học tập tốt. Em luôn tự mày mò học tập mà không cần đến sự chỉ bảo của mẹ.

Lên THCS, chương trình học nặng hơn, các bạn đua nhau đi tìm thầy cô để học thêm nhưng Hiếu chỉ học ở nhà. Chiếc máy vi tính mẹ mua đã là người bạn thân thiết của em, kết nối em với một thế giới mới mẻ.

Và từ đó những ý tưởng nghiên cứu khoa học đã dần hình thành trong Hiếu. Những năm học THCS, Hiếu đã bộc lộ rõ sự thông minh của mình trong các môn học tự nhiên. Ngoài giờ học trên lớp, Hiếu không tham gia bất kỳ môn học thêm nào mà về nhà tự học trong sách vở và bên máy vi tính.

Lê Trọng Hiếu và mẹ

Vào một buổi tối tháng 10/2006, như thường lệ, cả nhà cùng ăn cơm và xem thời sự trên VTV lúc 19 giờ. Chương trình đưa tin 19 học sinh thiệt mạng trong tai nạn đắm đò ở huyện Con Cuông (Nghệ An).

Những bạn học sinh đó có người kém tuổi, bằng tuổi hoặc hơn Hiếu một vài tuổi, tương lai đang vẫy gọi mà các bạn đã bị chết trong một vụ đắm đò. Đêm đó, Hiếu không tài nào ngủ được, trong đầu cứ quẩn quanh suy nghĩ về sự việc đó.

Vốn nhà Hiếu có một xưởng sản xuất áo phao, em tự nghĩ giá mà lúc đó, các bạn học sinh có áo phao thì đã không có con số thiệt mạng nhiều đến vậy.

Lên mạng tìm hiểu thông tin về nguyên nhân của vụ đắm đò khiến cho Hiếu không khỏi giật mình và thương cảm với các bạn học sinh vùng sông nước. Em tự hứa với lòng mình sẽ làm một điều gì đó để giúp các bạn học sinh đến trường an toàn hơn.

Ý tưởng về chiếc cặp cứu sinh loé lên trong đầu em. “Cặp sách là một vật dụng quan trọng nhất của học sinh, sao mình không biến những chiếc cặp đó thành những chiếc phao?”. Đem ý tưởng này bàn với cha mẹ và Hiếu nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.

Trao giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 4

Tối 7/9, tại Hà Nội, Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, T.Ư Đoàn đã tổ chức lễ trao Giải thưởng cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 4 năm 2007-2008.

Có 75 giải thưởng cho các công trình sáng tạo kèm theo bằng khen của ban tổ chức bao gồm: 1 giải đặc biệt trị giá 7 triệu đồng, 5 giải nhất trị giá 5 triệu đồng, 10 giải nhì trị giá 4 triệu đồng, 20 giải 3 trị giá 3 triệu đồng, 40 giải khuyến khích trị giá 1,5 triệu đồng.

Ngoài ra ban tổ chức còn tặng phần thưởng cho 1 tác giả có mô hình đẹp nhất, 1 tác giả nhỏ tuổi nhất mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.

Hiếu đã lên mạng, tự mình thiết kế chiếc cặp sách sao cho thành một chiếc phao. Cả nhà cùng chung tay giúp Hiếu, ngày đêm thiết kế và sản xuất chiếc cặp như vậy.

Chiếc cặp thử nghiệm đã không thành công như mong đợi của Hiếu nhưng em vẫn không từ bỏ và cùng cha mẹ thiết kế lại từ đầu, chọn nguyên liệu may cặp sao cho phù hợp… Thế rồi một chiếc cặp cứu sinh đã ra đời và người thử nghiệm đầu tiên đó chính là Hiếu.

Hiếu đã ra dòng sông Đáy, đeo cặp và cho mình rơi xuống nước. Chính chiếc cặp đã đẩy người em nổi trên mặt nước bởi những miếng xốp như những miếng phao con được bố trí một cách đồng đều trong chiếc cặp. Cha mẹ đứng trên bờ mừng cho em và cảm thấy tự hào hơn về con trai của mình.

Tháng 6/2008, Hiếu mạnh dạn đem ý tưởng của mình tham dự cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên-nhi đồng toàn quốc và thật bất ngờ khi em được giải nhất trong cuộc thi. Điều mà Hiếu mong mỏi nhất bây giờ là những chiếc cặp cứu sinh của em đến được với các bạn học sinh vùng sông nước để các bạn đến trường yên tâm hơn.

Cặp cứu sinh hiện đang được sản xuất tại xưởng công nghiệp Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam). Bà Đinh Thị Phong Nga – Giám đốc xưởng Công nghiệp Nhật Tân cho biết, Tổng Cty Viễn thông quân đội Viettel đặt 4.000 chiếc cặp, Ngân hàng cổ phần Liên Việt đặt 1.200 chiếc, Cục Đường sông Việt Nam đặt 3.000 chiếc đều nhằm mục đích từ thiện đem tặng cho các em học sinh vùng sông nước.

PGS.TS Hồ Uy Liêm - Quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 4 năm 2007-2008 khẳng định tính khả thi cao của sản phẩm.

Cặp cứu sinh là một trong 15 công trình sáng tạo đã được Ban tổ chức chọn để tham dự Triển lãm quốc tế về sáng tạo được tổ chức vào tháng 9/2008 tại Đài Loan.

(Theo TPO)

Các tin khác
Thầy Phương

Lọt lòng mẹ, chỉ khoảng 20cm trong một thân hình dị tật vì chất độc da cam, 28 năm sau, Nguyễn Ngọc Phương cũng chỉ nhích vỏn vẹn được 90cm và nặng 20kg. Nhìn Phương, khó có ai nghĩ rằng cậu sẽ sống; thế nhưng, không những sống mà Phương còn lập nên những kỳ tích đáng nể phục.

YBĐT - Đại dịch HIV/AIDS đã lên đến vùng cao Yên Bái và với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây HIV/AIDS còn là một điều gì đó rất xa lạ và khó hiểu. Thế nhưng, với bà con người Dao xã Nậm Mười (Văn Chấn) những kiến thức này qua cách nói, cách truyền đạt của cô gái trẻ Bàn Thu An lại rất dễ hiểu và gần gũi như bao bệnh dịch khác.

Lúc tròn 5 năm tuổi, Keren Dunaway được bố mẹ dùng những bức vẽ để giải thích với em rằng họ bị nhiễm HIV. Và kết cục, em cũng như họ. Hôm 3-8 vừa qua, Keren đã được mời tham gia hội nghị quốc tế về AIDS cùng với tổng thống Mexico Felipe Calderon và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.

Nguyễn Tất Nghĩa và chiếc HCV kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2008.

Dáng người gày gò, cao 1m64, nặng 50kg, Nguyễn Tất Nghĩa đã gây bất ngờ liên tiếp cho thầy cô, bạn bè và gia đình với “bộ sưu tập” 3 huy chương vàng (HCV).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục