Nguyện ước “Không tật nguyền"
- Cập nhật: Thứ hai, 22/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở cái xã vùng cao Nậm Lành của huyện Văn Chấn (Yên Bái) này, chẳng riêng gì trong thôn Ràng Cài, chuyện những đứa trẻ khỏe mạnh không đi học cũng là chuyện bình thường, huống hồ là đối với một người tật nguyền như Lý Thị Liều. Chỉ riêng cô gái Dao ấy lại nghĩ những điều ngược lại để cứ mang theo niềm nguyện ước: một ngày đến trường.
Nhớ lớp, nhớ trường, Lý Thị Liều lại lần giở những trang vở cũ.
|
Hạnh phúc ngắn ngủi
Lặng lẽ phía sau ngôi trường tiểu học Nậm Lành náo nhiệt, căn nhà của cô gái tật nguyền thấp hụt xuống khiến mấy bậc lên xuống ken đá mấp mô, hẫng hụt. Đầu hồi, cô gái vẫn thường ngồi cặm cụi thêu từng đường chỉ lên miếng vải thổ cẩm. Cứ ngồi vậy, nếu không biết, người ta sẽ chẳng nghi ngờ về sự không bình thường của Liều, chỉ đến khi cô gái xỏ hai chiếc dép vào tay, bò đi lấy ghế mời khách, mới thấy đôi bàn chân không thể đi khuất lấp bởi gấu quần khi trước được cuốn kín vải nhỏ thó. Trước đó, nghe các cô giáo ở trường Nậm Lành nhắc chuyện đi học của một học trò tật nguyền, tôi cứ đồ rằng, cô trò đó có quá tuổi nhưng cùng lắm cũng chỉ đôi mươi.
Nét mặt thân thiện của Liều càng làm cho tôi chắc điều mình đinh ninh. Tôi gọi "em", nhưng khi hỏi tuổi, mới thấy cái sự đinh ninh chủ quan của mình thật đến vô duyên! Song quả thực, cô gái Dao dẫu ánh mắt ít nhiều ưu tư ấy không giống với cái tuổi gần 30 của mình. Còn cái tuổi 30 ấy lại nhắc đến điều người ta vẫn bảo: "Không có cái gì là muộn cả!". Với cô gái và đôi chân không thể đi thì cái sự học lại càng không bao giờ muộn.
Năm tháng ấu thơ của cô bé Liều cũng chạy nhảy như tụi trẻ con nơi này. Không ai biết rằng, những ngày tháng bình thường như bao đứa trẻ khác ấy lại là quãng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi của Liều, cho đến trận ốm khi lên 4 tuổi. Liều ốm, sốt cao, rồi co giật… Hạ cơn sốt, mẹ đỡ Liều đứng dậy, nhưng sao thế này: con gái ngã bịch xuống, đứng không nổi... Mẹ lại đỡ, con lại ngã, lại ngã… Mẹ tưởng cô con gái mới ốm dậy còn yếu chưa đứng được nhưng ngày sau, ngày sau nữa, sau nữa, cô bé vẫn không đứng được. Cấu vào chân: không cảm giác… Em đã không thể đứng được nữa rồi! Mẹ chỉ còn biết ôm con vào lòng, khóc. Đôi chân Liều từ đầu gối trở xuống cứ thế oặt ẽo, rồi bé dần, bé dần.
Ngồi trong nhà, nhìn mấy đứa nhỏ con vẫn hay chơi khi trước lang thang đầu trần chân đất ngoài đường mà thèm... nhưng Liều chỉ có thể bò. Hai đầu gối, những ngày đầu chưa quen bò xây sát. Mẹ thương con, lấy vải quấn chân lại cho cô con gái bé nhỏ. Rồi Liều cũng quen dần với việc đi lại bằng cả tứ chi, quen dần với việc loanh quanh ở nhà. Còn mẹ thì vẫn xót Liều lắm, chẳng thế mà người mẹ ấy đã từng đưa cô con gái tội nghiệp lặn lội đến con suối nước nóng ở nơi nào đó xa lắm, giờ chẳng nhớ là đâu nữa, để uống nước này, bởi nghe người ta nói, nếu được uống nước ở đây thì chân sẽ khỏi. Nhưng niềm tin và tình yêu thương của người mẹ không thể nào làm lành lại đôi chân của con gái mình.
Tuổi cắp sách đến trường, cô bé Liều bần thần nhìn các bạn ríu rít đi học qua nhà. Ba mẹ bận bịu với việc lo toan cho cả gia đình. Rồi mẹ lại sinh thêm em bé, không ai có ý nghĩ gì về chuyện học hành đối với một đứa bé tật nguyền cả. Chỉ có mình Liều lặng lẽ gói ghém lại nguyện ước đến trường, cất xuống đáy lòng, lầm lũi ở nhà giúp mẹ trông em. Năm Liều mười ba tuổi, bố mất. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai nhỏ bé của mẹ. Thương mẹ, Liều hết trông em, thêu thổ cẩm cho mẹ đem bán rồi quay ra lần mò bò đi lấy củi quanh nhà những mong đỡ mẹ phần nào.
Nhiều thêm nghị lực
Không ai nghĩ, có một ngày, cái Liều lại đến lớp. Chỉ có Liều là không yên phận. Ngày mấy mẹ con chuyển về ở cùng gia đình vợ chồng anh cả ngay gần trường học, Liều nghĩ: "Đến lúc phải đi học thôi, biết chữ còn đọc sách, còn biết được nhiều thứ nữa khi không đi đâu được xa". Mấy chị cán bộ y tế xã cũng bảo với Liều như vậy. Anh trai, chị dâu thì nói: "Đi học để làm gì, ở nhà trông cháu giúp anh chị rồi thêu thổ cẩm còn đem bán chứ".
Nhưng niềm khát chữ suốt bao năm qua lúc này cũng không thể lụi tắt. Bà mẹ người Dao thương con, bằng lòng cho Liều đến trường. Một buổi sớm của năm học 2003 - 2004, các thầy, cô giáo Trường PTCS Nậm Lành thấy cô gái tật nguyền bò đến văn phòng nhà trường xin học. Cô gái ấy đã ở tuổi 24, còn ánh mắt chứa bao sự háo hức của một đứa trẻ chuẩn bị vào lớp Một.
Đôi chân không còn đi lại được, chị Liều phải di chuyển như thế này để đến lớp.
Năm trăm đồng có được cùng năm trăm đồng mẹ cho, Liều mua chiếc bút bi đầu tiên chuẩn bị cho ngày đến lớp. Lớp Một của cô giáo Nga, Trường Tiểu học Nậm Lành năm ấy đón thêm một học sinh. Ngày đầu đi học, Liều bò đến lớp trước con mắt hiếu kì của tụi trẻ con. Chúng cười, chúng chọc: "Chị làm con trâu rồi, còn đi học làm gì nữa?".
Câu nói của đứa bạn cùng lớp kém chị gần hai chục tuổi, câu nói không suy nghĩ của một đứa trẻ con đã xói vào lòng chị, cào cấu sự tổn thương bấy lâu sinh ra bởi sự thiếu may mắn của số phận. Vẫn biết, chúng chỉ là những đứa trẻ hồn nhiên, không ác ý mà chỉ do chưa biết suy nghĩ để cảm thông thôi, thế mà đêm về Liều vẫn khóc thầm, tủi phận. Nhưng rồi, ý nghĩ phải biết đọc, biết viết trỗi dậy lớn hơn, nặng hơn, đè nỗi mặc cảm xuống.
Thêm những lời động viên chân thành, quan tâm đặc biệt của cô giáo Nga, Liều đã ngày ngày bò đến lớp bằng cả tứ chi, chăm chỉ học hành. Thầy hiệu trưởng Bùi Văn Chinh bảo: "Chỉ riêng chuyện đi học bằng được với đôi chân của em Liều đã là điều đáng ghi nhận rồi, chưa nói đến chuyện đã ở tuổi hai mấy. Kết quả học tập của người học trò đặc biệt này được ghi nhận bằng việc lên lớp đều đều, có năm còn là học sinh tiên tiến".
Nhìn Liều, dân làng vẫn cứ bảo: "Chân cẳng thế còn đi học để làm gì?"."Học làm gì ư? Tự Liều biết ước nguyện của mình, tự Liều thấy vui khi làm chủ được những con chữ là đủ rồi. Kệ người ta nói. Người ta cũng bảo với cả mẹ Liều như vậy, nhưng mẹ cũng bảo: "Cứ học hết lớp 5 đi!".
Bây giờ, ở tuổi 29, chị vừa học hết chương trình lớp Năm. Anh trai, chị dâu lại bảo: "Học thế thôi, ở nhà có nhiều việc phải làm lắm!". Còn mẹ dặn: "Học thế thôi, không chị dâu lại giận". Liều vẫn biết vậy. Nhưng nhớ lớp, nhớ trường, chị khóc. Ở nhà, lại cặm cụi với những miếng vải thổ cẩm. Thi thoảng chị lần giở những trang vở suốt từ cả những năm đầu đi học ra xem rồi lại cất kĩ vào hòm, khóa cẩn thận, như người ta cất giữ những món đồ quý giá...
"Biết cái chữ rồi, muốn biết cả cái nghề nữa, để có thể tự lo được cho bản thân, để mẹ không phải lo nhiều nữa", Liều nghĩ vậy. Niềm mong mỏi ấy lúc này như đốm lửa bắt đầu le lói trong cô gái người Dao nhiều nghị lực Lý Thị Liều này.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Vào những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với em Đồng Ngọc Hoàng ở tổ 5 thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) - một sinh viên tương lai của ngành sư phạm Hóa học, Trường Đại học Tây Bắc.
Thương ông và những người dân quê sống bằng nghê nuôi tôm thường hay bị thất bát mỗi lần tôm chết vì ngạt khí, em Nguyễn Văn Tuấn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An đã sáng chế ra máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí. Công trình của em là một trong ba đề tài xuất sắc nhất của cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc năm nay và được tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao giải WIPO.
YBĐT - Giữa trưa, lò chưng cất tinh dầu quế của gia đình ông Nguyễn Văn Khoan ở thôn 3, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn ngùn ngụt lửa. Mỗi ngày chưng cất, ông thu khoảng 2kg tinh dầu, trừ chi phí lãi chừng hai trăm ngàn đồng. Bộ thiết bị chưng cất tinh dầu quế ông mua tại Hợp tác xã Tĩnh Dung, xã Đại Phác. Điều đặc biệt của bộ thiết bị này là đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn những thiết bị khác bán trên thị trường.
“Cặp sách cứu sinh” là một trong 5 đề tài được giải nhất trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên-nhi đồng toàn quốc lần thứ 4 (2007-2008). Chủ nhân của đề tài là Lê Trọng Hiếu.