Nhà sáng tạo trẻ trên đất quế

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Giữa trưa, lò chưng cất tinh dầu quế của gia đình ông Nguyễn Văn Khoan ở thôn 3, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn ngùn ngụt lửa. Mỗi ngày chưng cất, ông thu khoảng 2kg tinh dầu, trừ chi phí lãi chừng hai trăm ngàn đồng. Bộ thiết bị chưng cất tinh dầu quế ông mua tại Hợp tác xã Tĩnh Dung, xã Đại Phác. Điều đặc biệt của bộ thiết bị này là đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn những thiết bị khác bán trên thị trường.

Và điều đặc biệt hơn nữa, chủ nhân của bộ thiết bị ấy không phải là một nhà khoa học, nhà kỹ thuật hay kỹ sư nào mà lại là một học sinh lớp 11 của Trường THPT Nguyễn Lương Bằng, huyện Văn Yên - em Đỗ Văn Quân.

Sinh năm 1991 trong một gia đình làm nông nghiệp tại xã Yên Hợp, ngay từ nhỏ, Quân vốn là đứa trẻ hiếu động, tinh nghịch hơn bạn bè cùng trang lứa. Năm 1995, gia đình chuyển đến xã Đại Phác làm ăn sinh sống, bố mẹ em mở một xưởng cơ khí nhỏ gia công cày bừa, cửa hoa, cửa sắt. Nhận thấy tiềm năng tinh dầu còn ẩn chứa trong những đống lá quế bỏ vương vãi trên rừng, anh Đỗ Văn Tĩnh, bố của Quân đã chuyển sang gia công nồi chưng cất tinh dầu, bán cho người dân vùng quế và thu mua toàn bộ sản phẩm tinh dầu do họ chưng cất.

Hằng ngày đi học về, Quân giúp bố gò, hàn gia công thiết bị chưng cất tinh dầu. Những ngày cuối tuần, em thường theo bố lang thang trong rừng quế, từng khe suối để tìm địa điểm đặt lò chưng cất tinh dầu. Có lần, Quân nói với bố: "Sau này lớn lên, con sẽ là một thợ cơ khí". Nghe vậy, bố Quân chỉ cười, cho rằng đó là mơ ước của con trẻ mà không hề biết rằng, niềm đam mê sáng chế, cải tiến kỹ thuật như một ngọn lửa đang cháy dần lên trong tâm hồn con. Sau nhiều lần giúp bố chưng cất tinh dầu, sửa chữa những chiếc bình lạnh được làm từ i-nốc, Quân nhận thấy nhược điểm của chiếc bình là tản nhiệt chậm, các mối hàn bằng thiếc không chịu được nhiệt độ cao nên bị rò rỉ, gây thất thoát dầu. Cấu tạo hình trụ của bình làm cho hơi nước chứa dầu bị quẩn ở bên trên, do vậy không làm lạnh hết được, dẫn đến tỷ lệ chiết xuất tinh dầu thấp.

Tìm vật liệu gì để thay thế i-nốc mà hiệu quả lại cao, câu hỏi đó luôn trăn trở trong Quân và theo em vào từng bữa ăn, giấc ngủ. "Cái khó ló cái khôn", trong một lần khát nước, Quân đã cho cả chiếc ấm nhôm đựng nước nóng vào chậu nước lạnh để ngâm cho chóng nguội. Một ý nghĩ đã lóe lên, đó là dùng vật liệu bằng nhôm để chế tạo chiếc bình lạnh, bởi nhôm có độ bền, dẻo dễ làm, có thể gò kín và dùng keo chịu nhiệt để hàn các điểm nối, lại tản nhiệt nhanh. Quân đã mạnh dạn xin bố mẹ tiền mua nhôm về thử nghiệm. Tin tưởng con, bố mẹ đã đầu tư cho Quân một triệu đồng.

Sau những buổi đi học về, cậu học trò này lại mày mò chế tạo. Làm lần đầu không được, làm lại lần thứ hai và đến lần thứ ba thì chiếc bình lạnh được chế tạo từ nhôm, có cấu tạo bên trong hình phễu dã được đưa vào thử nghiệm. Kết quả thật bất ngờ, ngay từ mẻ dầu chưng cất thử nghiệm đầu tiên, bộ thiết bị chưng cất tinh dầu quế có chiếc bình lạnh do Quân cải tiến kỹ thuật đã cho sản lượng tinh dầu cao hơn chiếc bình bằng i-nốc là 25% - tức là cứ 100 kg lá quế, nếu đem chưng cất bằng thiết bị có bình lạnh bằng i-nốc thì chỉ được 0,4kg dầu, trong khi bình làm bằng nhôm thu được 0,5 đến 0,6 kg dầu. Chất lượng tinh dầu cũng đạt tới 75%, cao hơn bình i-nốc 5% và dùng bình nhôm, lượng nước làm lạnh cũng giảm 6%. Ngay sau khi hoàn thiện, sản phẩm của Quân đã được xưởng cơ khí của gia đình ứng dụng, đưa vào sản xuất, tung ra thị trường và được người dân vùng quế chấp nhận, đánh giá cao về hiệu quả sản xuất.

Sáng kiến này cũng đã giúp gia đình Quân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tháng 5/2006, Hợp tác xã Tĩnh Dung ra đời và chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2007, với mô hình kinh doanh thu mua, bán tinh dầu quế, sản xuất nồi chưng cất tinh dầu, gia công cày bừa, cửa sắt, đóng gạch xi măng, sơ chế chiếu pơ mu, Hợp tác xã đã nộp ngân sách Nhà nước 480 triệu đồng.

Ông Nguyễn Viết Thìn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tinh dầu và Chất thơm của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam là một đối tác lớn của Hợp tác xã Tĩnh Dung cho biết: mỗi năm, Công ty cần 200 tấn tinh dầu để xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức nhưng chưa năm nào đạt kế hoạch đề ra. Nhận thấy sản lượng cũng như chất lượng tinh dầu quế của Yên Bái nói chung, Văn Yên nói riêng đứng đầu cả nước, doanh nghiệp đã quyết định đầu tư vào Hợp tác xã Tĩnh Dung để sản xuất, đầu tư thiết bị chưng cất tinh dầu đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Năm 2007, Công ty đã mua của Hợp tác xã 30 tấn tinh dầu; năm 2008 đã ký hợp đồng thu mua 90 tấn tinh dầu. Và ông Thìn cũng đã quyết định thưởng cho sáng kiến cải tiến kỹ thuật của em Quân là 100 triệu đồng.

Tiếng lành đồn xa, thiết bị chưng cất tinh dầu của Hợp tác xã Tĩnh Dung không chỉ có khách hàng trong tỉnh Yên Bái tín nhiệm mà còn được khách hàng các tỉnh bạn Nghệ An, Quảng Nam, Bắc Kạn, Lào Cai tìm đến đặt hàng. Không dừng lại ở đó, Quân còn giúp Hợp tác xã sản xuất và thử nghiệm thành công hai máy đóng gạch xi măng, trị giá mỗi bộ 15 triệu đồng, hiện đã có khách hàng từ Phú Thọ lên đặt hàng 6 bộ; hai bộ thiết bị chưng cất tinh dầu trầm, trị giá mỗi bộ 200 triệu đồng do Công ty cổ phần Tinh dầu và Chất thơm đặt hàng đã được đưa vào sản xuất tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo kế hoạch năm 2008 đã ký với Công ty cổ phần Tinh dầu và Chất thơm, Hợp tác xã Tĩnh Dung dự kiến sẽ thu mua khoảng 50 tấn tinh dầu, tự sản xuất 40 tấn. Hiện nay, đơn vị đã mở rộng sản xuất, đầu tư 6 bộ thiết bị chưng cất tinh dầu quế với cấu tạo hai bình lạnh, công suất 1 tấn cành lá/mẻ, sản phẩm thu được là 6,5 kg đến 7 kg tinh dầu, trị giá mỗi bộ 250 triệu đồng.

Đặc biệt còn lắp đặt 8 bộ thiết bị chưng cất tinh dầu màn tang và dầu sâm thục, riêng dầu sâm thục đã được các bạn hàng Pháp chào hàng với giá 600 USD/kg. Từ sáng kiến kỹ thuật của cậu con trai và với sự năng động, dám nghĩ dám làm, HTX Tĩnh Dung đã và đang có những bước tiến mạnh, đem lại thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người dân vùng quế. Thời điểm hiện nay, HTX có gần 100 lao động hợp đồng thuê khoán theo thời vụ, lương tháng bình quân đạt từ 1,5 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/người.

Dáng mảnh mai, ít nói, ngoan ngoãn, chăm chỉ nhưng cũng rất tinh nghịch và hiếu động, đó là chân dung của Đỗ Văn Quân. Ở lớp ở trường, em được bạn bè và thầy cô quí mến. Về nhà, Quân luôn giúp bố mẹ, khi thì đi thu mua cành lá quế, lúc lại đi kiểm tra các lò chưng cất tinh dầu. Quân nói rằng, sự thành công không đến từ phép màu mà tất cả là do sự cố gắng của bản thân mỗi người. Con đường dẫn đến thành công ban đầu ấy của Quân đâu chỉ toàn màu hồng, em cũng đã từng "bí" khi đứng trước bảng đen, đã từng cảm thấy xấu hổ khi thua kém bạn bè. Nhưng quan trọng là dường như em chưa bao giờ cảm thấy nản lòng trước những khó khăn mà luôn nung nấu một ý chí phải vượt lên chính mình. Quân mơ ước sau này sẽ trở thành một thợ cơ khí giỏi, có thể chế tạo được nhiều thiết bị để phục vụ sản xuất, giảm bớt công việc chân tay cho người lao động.

Năm học 2008 - 2009 này, Đỗ Văn Quân đã là học sinh lớp 12. Con đường phía trước còn dài, nhưng dấu ấn thành công của em từ những sáng kiến cải tiến kỹ thuật là điểm khởi đầu tốt đẹp cho ước mơ, cho niềm đam mê và con đường hướng nghiệp mà Quân đã lựa chọn.

                                 Hồng Vân

Các tin khác

“Cặp sách cứu sinh” là một trong 5 đề tài được giải nhất trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên-nhi đồng toàn quốc lần thứ 4 (2007-2008). Chủ nhân của đề tài là Lê Trọng Hiếu.

Thầy Phương

Lọt lòng mẹ, chỉ khoảng 20cm trong một thân hình dị tật vì chất độc da cam, 28 năm sau, Nguyễn Ngọc Phương cũng chỉ nhích vỏn vẹn được 90cm và nặng 20kg. Nhìn Phương, khó có ai nghĩ rằng cậu sẽ sống; thế nhưng, không những sống mà Phương còn lập nên những kỳ tích đáng nể phục.

YBĐT - Đại dịch HIV/AIDS đã lên đến vùng cao Yên Bái và với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây HIV/AIDS còn là một điều gì đó rất xa lạ và khó hiểu. Thế nhưng, với bà con người Dao xã Nậm Mười (Văn Chấn) những kiến thức này qua cách nói, cách truyền đạt của cô gái trẻ Bàn Thu An lại rất dễ hiểu và gần gũi như bao bệnh dịch khác.

Lúc tròn 5 năm tuổi, Keren Dunaway được bố mẹ dùng những bức vẽ để giải thích với em rằng họ bị nhiễm HIV. Và kết cục, em cũng như họ. Hôm 3-8 vừa qua, Keren đã được mời tham gia hội nghị quốc tế về AIDS cùng với tổng thống Mexico Felipe Calderon và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục