Robot phun thuốc sâu vạn năng
- Cập nhật: Thứ hai, 22/9/2008 | 12:00:00 AM
“Cả xã em làm nghề nông. Em thấy mọi người thường xuyên phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu rất độc hại, lại không được bảo vệ an toàn nên nghĩ đến việc phải làm một điều gì đó để giúp mọi người” - Lê Trung Anh (lớp 11C, Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) - người vừa đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo trẻ VIFOTEX - kể.
Lê Trung Anh bên mô hình "robot phun thuốc vạn năng"
|
Robot phun thuốc sâu từ xa
Bố là giáo viên dạy văn cấp 2, mẹ làm ruộng, cả gia đình Trung Anh chẳng ai có đam mê hay có chút năng khiếu gì về kỹ thuật, đặc biệt là với các thiết bị hiện đại. Mô hình đoạt giải là hoàn toàn do Anh mày mò làm nên. “Em đã nghĩ đến việc chế tạo robot phun thuốc sâu từ lâu lắm rồi nhưng chưa có đủ điều kiện. Kỳ nghỉ hè vừa rồi em quyết định sẽ thử nghiệm xem sao. Em chỉ mất 1 tháng để hoàn thành thôi đấy”, Trung Anh tự hào khoe sản phẩm của mình. Robot tự động này có vòi phun có thể quay 720 độ và điều chỉnh được độ cao để tăng diện tích được phun. Thay vì phải trực tiếp phun thuốc với diện tích hẹp, chỉ cần bấm nút là robot hoàn toàn có thể thực hiện được công việc y hệt con người. Việc sử dụng robot sẽ giúp người làm nông tránh được tác hại của thuốc trừ sâu - một điều hết sức có ý nghĩa.
Để hoàn thành mô hình, cậu học sinh lớp 11 này đã quên cả mùa hè vừa qua để cặm cụi nghiên cứu và sáng chế. Những đêm thức trắng, hì hục trong căn phòng nhỏ chỉ để thí nghiệm một vài chuyển động của dây xích, những lần bị đứt tay chảy máu, đau đến phát khóc... những khó khăn đó đều không làm cho Anh nhụt chí. “Hỏng thì em làm lại và nhắc mình phải cẩn thận hơn”, Trung Anh tươi cười chia sẻ. Khỏi phải nói cậu sung sướng đến chừng nào khi những chi tiết cuối cùng của robot được lắp ghép thành công: “Em rất run khi bấm vào nút điều khiển sau khi đã hoàn thành mô hình, may quá, cuối cùng thì nó cũng đã đi được”.
Giải đặc biệt cho lòng hiếu thảo
Khi hỏi cảm thấy thế nào khi nhận được giải thưởng, Trung Anh chia sẻ: “Em không nghĩ đến giải thưởng, em chỉ nghĩ việc nó giúp được gì cho mẹ em và mọi người ở làng em”. Sinh ra trong gia đình không mấy sung túc nên cậu bé rất thương bố mẹ. Việc chế tạo mô hình robot phun thuốc vạn năng này cũng xuất phát từ ý nghĩ: “Rất nhiều lần mẹ em bị ốm do phải hít nhiều thuốc trừ sâu, ở làng em nhiều người mắc bệnh phổi do thường xuyên phải phun thuốc, có người còn bạc trắng cả lông mi do tác hại của thuốc”. Đó cũng là lý do vì sao cậu lại chọn mô hình robot phun thuốc từ xa. Nhận giải thưởng, Trung Anh không giấu niềm vui: “Em rất bất ngờ, nhưng cảm thấy sung sướng vì mình đã làm được điều có ích cho bố mẹ và mọi người. Hy vọng mô hình của em sẽ nhanh chóng được sản xuất đại trà để mọi người trong xã em có thể yên tâm mỗi lần phun thuốc”.
Sắp tới, 15 mô hình được giải, trong đó có robot phun thuốc vạn năng của Trung Anh sẽ được tham dự triển lãm ở Đài Loan. Ước mong lớn nhất của cậu trong triển lãm lần này là: “Có ai đó để ý đến mô hình của em và giúp biến nó thành công cụ thực tế càng sớm càng tốt”.
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT - Ở cái xã vùng cao Nậm Lành của huyện Văn Chấn (Yên Bái) này, chẳng riêng gì trong thôn Ràng Cài, chuyện những đứa trẻ khỏe mạnh không đi học cũng là chuyện bình thường, huống hồ là đối với một người tật nguyền như Lý Thị Liều. Chỉ riêng cô gái Dao ấy lại nghĩ những điều ngược lại để cứ mang theo niềm nguyện ước: một ngày đến trường.
YBĐT - Vào những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với em Đồng Ngọc Hoàng ở tổ 5 thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) - một sinh viên tương lai của ngành sư phạm Hóa học, Trường Đại học Tây Bắc.
Thương ông và những người dân quê sống bằng nghê nuôi tôm thường hay bị thất bát mỗi lần tôm chết vì ngạt khí, em Nguyễn Văn Tuấn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An đã sáng chế ra máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí. Công trình của em là một trong ba đề tài xuất sắc nhất của cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc năm nay và được tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao giải WIPO.
YBĐT - Giữa trưa, lò chưng cất tinh dầu quế của gia đình ông Nguyễn Văn Khoan ở thôn 3, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn ngùn ngụt lửa. Mỗi ngày chưng cất, ông thu khoảng 2kg tinh dầu, trừ chi phí lãi chừng hai trăm ngàn đồng. Bộ thiết bị chưng cất tinh dầu quế ông mua tại Hợp tác xã Tĩnh Dung, xã Đại Phác. Điều đặc biệt của bộ thiết bị này là đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn những thiết bị khác bán trên thị trường.