Đào Mạnh Thắng - người đoàn viên năng động
- Cập nhật: Thứ năm, 11/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mới 30 tuổi nhưng thành quả mà anh Đào Mạnh Thắng ở khu thị tứ Ba Khe, xã Cát Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) đã khiến nhiều người phải khâm phục bởi sự nỗ lực tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Dựa trên mô hình kết hợp giữa nuôi lợn thịt, cá và ba ba; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Năm 2001, được gia đình động viên và chính quyền xã tạo điều kiện, Đào Mạnh Thắng nhận thầu mảnh đất rộng trên 5 ha. Với số vốn đầu tư ban đầu trên 100 triệu đồng vay được của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh mạnh dạn quy hoạch khu đất thành khu vực nuôi ba ba, cá và tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức.
Anh cho biết: “Qua những lớp học này, anh đã học hỏi được rất nhiều và thấy tự tin hơn trong phát triển kinh tế”. Có kiến thức, cộng thêm học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình khác áp dụng vào thực tế trong phát triển kinh tế nên ba ba và cá của anh sinh trưởng, phát triển tốt, sạch bệnh, mỗi năm cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.
Anh Thắng còn là đoàn viên gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo được uy tín tại khu dân cư. Tháng 2/2009 anh được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng khu thị tứ Ba Khe. Ý thức về trách nhiệm của mình, anh đã hướng dẫn và phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình cho đoàn viên, thanh niên trong thôn, bản để từng bước xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, với mức hỗ trợ của huyện cho mỗi mô hình là 30 triệu đồng, anh Thắng đã xây thêm 6 ô chuồng nuôi lợn và trích một phần vốn tích lũy được qua 6 năm để mua gần 80 con lợn giống. Từ kiến thức tích lũy qua nhiều năm, chú trọng khâu chọn giống, chăm sóc và phòng bệnh nên năm qua gia đình anh đã xuất chuồng được 4 lứa với trọng lượng gần 6 tấn lợn, thu về trên trăm triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn đầu tư xây hầm Biogas để lấy chất đốt và cải thiện môi trường. Hiện nay anh Thắng vẫn mong muốn mở rộng thêm mô hình nuôi ba ba để tăng thu nhập.
Anh Đào Mạnh Thắng xứng đáng là tấm gương sáng về ý chí làm giàu để mọi người học tập và nhân rộng mô hình.
Thùy Hương
Các tin khác
YBĐT - Bùi Minh Thọ sinh năm 1980, hiện là chủ xưởng cơ khí Thọ Vân ở tổ dân phố 8 thị trấn Yên Thế (Lục Yên - Yên Bái). Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, thuần nông. Nhà đông anh em nên học xong THPT, ý nghĩ đầu tiên của anh không phải là trường đại học như bạn bè mà là chuyện mưu sinh.
Thời gian này đang cận kề với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em phải tập trung thời gian, sức lực để có thể vượt qua 6 môn thi tốt nghiệp. Điều đó cũng tác động mạnh đến sức khỏe, tinh thần. Những áp lực ngày càng đè nặng khiến không ít học sinh mệt mỏi, căng thẳng, mất niềm tin vào chính mình...
YBĐT - Đặng Thị Mỹ Ngọc là giáo viên trẻ có chuyên môn vững vàng của Trường Trung cấp Y tế Yên Bái. Cô sinh năm 1984 trong một gia đình thuần nông ở một vùng quê nghèo, quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng và con lợn, con gà. Gia đình có ba anh em, Ngọc là em út. Khó khăn lại càng khó khăn khi cô mới 6 tuổi thì người cha thân yêu sớm qua đời, gánh nặng dồn cả lên đôi vai gầy yếu của mẹ Ngọc.
YBĐT - Đó là bạn Sùng A Phủng, học sinh lớp 9D, Trường THCS Nghĩa Tâm (Văn Chấn - Yên Bái). Như bao bạn nhỏ khác, em đã từng có một mái ấm với ông, bà, bố, mẹ, anh chị. Nhưng cơn bão số 7 (tháng 9/2005) trong chớp mắt đã cuốn trôi 7 người thân trong gia đình, Phủng trở thành mồ côi từ đó.