Biến phế liệu thành “sản phẩm trí tuệ”
- Cập nhật: Thứ tư, 12/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mô hình sản xuất cây giống bằng giàn phun sương dinh dưỡng là sản phẩm được xuất phát từ ý tưởng của những học sinh còn rất trẻ trên vùng quế Văn Yên Yên Bái. Thành quả đó được ra đời từ những vật liệu phế thải, từ sự đam mê sáng tạo của 3 em học sinh là Đỗ Nhị Hương Trang, Lương Văn Hưng, Đỗ Văn Quyền là học sinh lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Lương Bằng.
Nổi bật trong nhóm tác giả ấy là em Đỗ Nhị Hương Trang, em đã 3 lần tham gia và đạt giải tại cuộc thi “Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc”. Là con thứ 5 trong một gia đình có bố là thương binh, mẹ làm nông nghiệp tại thôn 5 xã Yên Phú, ngay từ nhỏ Trang đã là một cậu bé tinh nghịch, hiếu động hơn bạn bè cùng trang lứa.
Em có một bộ sưu tập là những con ốc, dụng cụ gia đình, đồ chơi hỏng và những linh kiện điện tử bỏ đi. Đồ dùng trong nhà như: máy bơm, nồi cơm điện, ti vi, đầu đĩa VCD đã nhiều lần bị em tháo tung ra từng bộ phận để nghiên cứu chức năng hoạt động của chúng. Năm học 2005 – 2006, Trường THPT Nguyễn Lương Bằng phát động học sinh tham gia cuộc thi “Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 3”, Trang đã hăm hở tham gia.
Sản phẩm mô hình xe đa năng vượt địa hình của em đã đạt giải khuyến khích toàn quốc. Thành công ban đầu đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê sáng tạo của cậu học trò nhỏ và nó đã tiếp thêm sức mạnh và sự tin cho Trang trong việc tìm tòi những ý tưởng, sáng tạo ra những sản phẩm mới để tham gia cuộc thi “Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 4” trong năm học 2007 – 2008.
Nhìn những lò gạch thủ công phun khói làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người, nhất là khi những cánh đồng lúa đang vào thời kỳ phơi mầu, nếu gặp phải khí thải thoát ra từ lò nung gạch thủ công, thì coi như là mất trắng, Trang và Thân Xuân Thiện là bạn học trong trường đã chế tạo mô hình “Thu khí lò gạch sản xuất CaCO3 và H2SO4”. Mong muốn của các em là giảm bớt những thiệt hại mà khí thải lò gạch gây ra và thu hồi khí thải, nhiệt lượng của nó cung cấp cho những việc có ích khác.
Chưa dừng lại ở đó, Trang vẫn nung nấu ý tưởng sáng tạo ra những sản phẩm hấp dẫn và thực tế hơn. Xuất phát từ bài học môn Sinh vật, do thiếu thốn về đồ dùng thí nghiệm nên nhiều học sinh không tin cây cối có thể sinh trưởng và phát triển trong môi trường thiên nhiên nhân tạo, Trang đã nảy ra ý tưởng chế tạo mô hình sản xuất cây giống bằng giàn phun dinh dưỡng. Sau những buổi đi học về, Trang và hai bạn là Lương Văn Hưng và Đỗ Văn Quyền mày mò nghiên cứu, thiết kế mô hình theo ý tưởng của mình.
Để có được vật liệu lắp ráp, các em đã đến cửa hàng sửa chữa xe máy, hàng phế liệu để nhặt nhạnh, gom góp từng chiếc ốc, từng thanh sắt vụn, tìm từng chiếc bánh răng, động cơ xe máy, pít - tông, tay bơm của bình phun thuốc từ sâu đã bị bỏ đi đem về sử dụng. Có vật liệu trong tay, phát huy vốn kiến thức đã được học tập, nghiên cứu thêm tài liệu, ba cậu học trò đã mày mò chế tạo mô hình. Do thiếu tài liệu nghiên cứu, mô hình của các em phải làm đi làm lại do không đáp ứng được yêu cầu của ý tưởng. Không chùn bước trước khó khăn, được sự động viên của nhà trường, bố mẹ, bạn bè và những người xung quanh, đặc biệt là sự tham gia góp ý của thầy giáo dạy môn Sinh vật, Trang và hai bạn quyết tâm làm lại.
Sau 4 tháng vừa đi học vừa tận dụng thời gian rỗi để tìm tòi nghiên cứu, chế tạo, sự phối hợp ăn ý cùng với kiến thức được học hỏi từ thầy cô đã giúp 3 cậu học sinh hoàn thiện sản phẩm của mình. Mô hình sản xuất cây giống bằng giàn phun dinh dưỡng được cấu tạo gồm nhà kính làm từ nhôm kính, bơm nén được làm từ những dụng cụ, thiết bị phế thải như: bình bơm, vòi phun của bình thuốc trừ sâu, bánh răng xe máy...
Bộ điều khiển được Trang, Quyền, Hưng sử dụng những chiếc đồng hồ cũng nhặt ở hàng phế liệu. Ngoài ra, mô hình còn có giá thể để đặt cây, đèn chiếu và quạt gió. Với cấu tạo như trên, tác giả đã tạo ra môi trường sống cho các loại cây, nhất là các loại cây giống quý có giá trị như phong lan. Cây giống được gắn trên giá thể treo lơ lửng trong không khí, đặt trong nhà kính, dung dịch dinh dưỡng được phun dưới dạng sương mù. Cơ cấu chất dinh dưỡng cho cây được tính toán và chủ động điều chỉnh thành phần, hàm lượng và thời gian cung cấp theo đặc điểm của cây. Nhờ được tiếp nhận thẳng qua lá, rễ cây cùng ánh sáng tự nhiên, hệ thống thông gió của nhà kính..., cây giống phát triển khỏe mạnh, phù hợp với yêu cầu của tự nhiên, không bị tác động xấu của môi trường và dịch bệnh.
Với những ưu thế đó, Trường THPT Nguyễn Lương Bằng đã gửi 2 sản phẩm trí tuệ của 2 nhóm tác giả đi dự thi. Kết quả thật bất ngờ, sản phẩm “Thu khí lò gạch sản xuất CaCO3 và H2SO4” của Đỗ Nhị Hương Trang và Thân Xuân Thiện đã đạt giải khuyến khích. Sản phẩm “Mô hình sản xuất cây giống bằng giàn phun dinh dưỡng” của nhóm tác giả Đỗ Nhị Hương Trang, Lương Văn Hưng và Đỗ Văn Quyền đã đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 4”.
Đặc biệt, tại Triển lãm Sáng tạo trẻ quốc tế tại Đài Loan, em Đỗ Nhị Hương Trang đã vinh dự được trao giải bạc. Đây là giải quốc tế đầu tiên của tuổi trẻ Yên Bái trong các cuộc thi sáng tạo trẻ dành cho thanh thiếu niên nhi đồng từ trước đến nay. Sản phẩm của các em được ban tổ chức đánh giá là mô hình đẹp, cơ cấu phun sương hợp lý, bảng tính toán các chất dinh dưỡng cho cây có cơ sở khoa học, có khả năng gợi mở để bổ sung thêm cơ cấu pha chế dinh dưỡng cho nhiều loại cây giống khác nhau. Giải pháp của tác giả trước tiên giúp học sinh THPT thực hành có hiệu quả môn sinh học, nếu được hoàn chỉnh bổ sung có thể áp dụng tốt vào sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Hồng Vân
Các tin khác
YBĐT - Đó là thầy giáo Lê Văn Thành – Hiệu trưởng trường THCS Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái). Tốt nghiệp khoa Sinh Hoá - Trường cao đẳng sư phạm Yên Bái năm 1998, thầy Nguyễn Văn Thành về nhận công tác tại trường THCS Phong Dụ Hạ 2 năm, rồi lại chuyển lên trường THCS Phong Dụ Thượng.
Hiện nay có một bộ phận sinh viên sống xa nhà đang với quan niệm “trẻ không chơi, già hối hận”, đã lao vào những cuộc chơi vô bổ...
YBĐT - Gặp Khánh trong chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Văn Chấn” do Huyện Đoàn Văn Chấn (Yên Bái) tổ chức với dáng người cao gầy, nhanh nhẹn, hoạt bát, nước da ngăm đen bởi gần 10 năm trời vất vả chăm sóc từng gốc cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm trong rừng để mong muốn xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.
YBĐT - Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nhung - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái là 1 trong số 20 “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc” được vinh danh năm 2009. Niềm vinh dự đó là kết quả của một quá trình phấn đấu và nỗ lực với nghề của người bác sĩ này.