Chàng thanh niên bỏ “phố” vào rừng
- Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Gặp Khánh trong chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Văn Chấn” do Huyện Đoàn Văn Chấn (Yên Bái) tổ chức với dáng người cao gầy, nhanh nhẹn, hoạt bát, nước da ngăm đen bởi gần 10 năm trời vất vả chăm sóc từng gốc cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm trong rừng để mong muốn xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đất không phụ công người, sau bao năm lao động vất vả, đến nay Khánh đã có 240ha keo và bạch đàn, 50 con bò và trên 30 con dê...tổng trị giá trang trại ước đạt 4,5 tỷ đồng.
Phạm Hữu Khánh sinh năm 1977 tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn), trong một gia đình nông dân nghèo , đông anh em nên sau khi học hết lớp 2, Khánh phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Năm tháng trôi đi, anh em Khánh đã trưởng thành nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Làm gì để kiếm được tiền và giúp đỡ cho gia đình luôn là nỗi niềm của Khánh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đầu năm 1998, Khánh quyết định xin đi làm phụ xe nhưng Khánh đã gặp không ít sóng gió trong quãng thời gian làm nghề này.
Khánh kể: “Vào thời điểm đó, khách ít nên các chủ xe thường chở gỗ lậu về xuôi. Tiền công thì phập phù vì phải phụ thuộc vào các chuyến hàng có trót lọt hay không nên sau 4 năm phụ xe mình chỉ đủ ăn và tiết kiệm được một ít”. Với mong muốn nhanh chóng được làm giàu từ nghề buôn bán gỗ, Khánh đã vay mượn anh em thêm tiền để cùng làm ăn với chủ xe nhưng sau một thời gian lăn lộn thương trường, Khánh chẳng những không có được đồng tiền lãi nào mà tất cả tiền vốn bỏ ra làm ăn đều bị thâm hụt rồi còn mang tiếng là người “nghiện ma tuý”.
Từ cú sốc đó, Khánh đã quyết định nghỉ phụ xe trở về giúp bố mẹ làm nông nghiệp nhưng ý chí làm giàu luôn thôi thúc Khánh. Và nỗi niềm khao khát làm giàu của Khánh đã trở lại khi nhìn thấy những rừng cây keo thẳng tắp, những đồi bạch đàn xanh tốt có giá trị tiền tỷ trên đường đi thăm bạn ở Tuyên Quang và Thái Nguyên. Sau chuyến đi đó, Khánh đã nảy ý tưởng sẽ tập trung trồng rừng làm giàu ngay trên quê hương mình. “Ý tưởng là vậy, song khi đưa ra bàn bạc với gia đình về ý định trồng rừng, làm trang trại thì bị bố mẹ và các thành viên trong gia đình phản đối vì mình đã làm mất lòng tin” - Khánh tâm sự.
Vào đầu năm 2004, để lấy lại lòng tin, Khánh đã một mình đi khảo sát các diện tích rừng, những quả đồi trọc ở các xã Suối Quyền, Suối Giàng, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Sau khi khảo sát, Khánh nhận thấy số diện tích đất rừng, đồi đang bị bỏ trống là rất nhiều nên Khánh đã xin chính quyền địa phương đấu thầu trồng rừng làm trang trại tổng hợp.
Nhớ lại những ngày đầu, lập trại đầy gian truân vất vả, Khánh tâm sự: “Mình phải chuẩn bị lương thực trong mấy ngày liền để một mình vào rừng phát liền một lúc đến 2- 3 ha. Ban đầu chưa có kinh nghiệm trồng rừng nên sau khi trồng nhiều cây giống không sinh trưởng được”. Nhưng rồi, cùng với sự giúp đỡ của gia đình, khi phát được 2 - 3 ha thì Khánh phải lặn lội đi tìm cây giống để trồng, rồi với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mỗi năm Khánh trồng được 30-50ha cây keo, bạch đàn.
Không dừng lại ở đó, Khánh đã tự đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm ở Tuyên Quang, Thái Nguyên về kỹ thuật ươm cây giống. Đến nay, Khánh đã thành công trong việc ươm cây giống phục vụ cho việc trồng rừng, cung ứng cho huyện Văn Chấn và nhân dân trong khu vực hàng vạn cây giống bạch đàn và keo mỗi năm. Khi hỏi về việc làm sau trồng và chăm sóc bảo vệ tốt hàng trăm ha rừng, Khánh tâm sự: “Trước hết là sự nhiệt huyết và yêu thích, hơn nữa, phải xác định việc trồng rừng không thể đem lợi nhuận trong ngày một ngày hai mà phải có thời gian. Biết chọn cây giống tốt và có phương pháp chăm sóc...thì sẽ đem lại hiệu kinh tế cao”.
Phạm Hữu Khánh không những tạo công ăn việc làm thường xuyên có 10 lao động có thu nhập từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/tháng, mà mỗi năm có thu nhập trên 200 triệu đồng; tổng trị giá trang trại của anh ước đạt 4,5 tỷ đồng.
Hà Tĩnh
Các tin khác
YBĐT - Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nhung - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái là 1 trong số 20 “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc” được vinh danh năm 2009. Niềm vinh dự đó là kết quả của một quá trình phấn đấu và nỗ lực với nghề của người bác sĩ này.
YBĐT - Nhiệt tình đăng ký, hồi hộp chờ kết quả và đến khi biết mình được chọn lại háo hức chờ ngày xuất quân. Đó là tâm trạng chung của những chiến sĩ trước ngày lên đường đi tình nguyện trong “Mùa hè yêu thương năm 2009”.
YBĐT - Lò Thị Lài - sinh viên năm thứ ba, Khoa Sinh - Địa, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái là một tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập.
YBĐT - Là người mạnh dạn trong phong trào phát triển kinh tế của tuổi trẻ xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái), anh Lý Minh Hiền, dân tộc Dao, Phó bí thư Chi đoàn thôn Nậm Kịp, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Nậm Lành đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo trong phong trào tuổi trẻ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.