Cô gái út giỏi giang
- Cập nhật: Thứ tư, 29/9/2010 | 9:16:51 AM
YBĐT - Nguyễn Thị Bích Thảo ở thôn Khái Thượng 1 xã Thanh Lương (Văn Chấn) là con út của gia đình đông tới 10 anh em vậy mà không thấy ở Thảo sự yếu đuối, dựa dẫm, ỉ lại mà trái lại Thảo rất mạnh mẽ, quyết đoán, sớm tự lập và rất năng động trong cuộc sống.
Thảo giới thiệu với cán bộ Huyện đoàn Văn Chấn những bịch nấm đang trong giai đoạn ủ thuốc.
|
Tốt nghiệp cao đẳng Quản trị kinh doanh, Thảo xin vào làm kế toán cho doanh nghiệp nhưng đồng lương chẳng được bao nhiêu, cô nghỉ việc và đi đan thảm hạt cho Hợp tác xã (HTX) Mai Nghĩa.
Cơ sở đan thảm hạt do Thảo quản lý và phụ trách kỹ thuật giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Từ một công nhân đan thảm hạt, Thảo khẳng định được tay nghề, sự năng động trong công việc và lòng tin với HTX. Ban lãnh đạo đã tạo điều kiện cho Thảo ký hợp đồng đảm nhận công đoạn cuối thành phẩm là đan thảm hạt về tổ chức cho bà con địa phương làm. Sản phẩm chủ yếu là đệm ghế, đệm ghế xe và chiếu. Thảo quản lý 2 xưởng đan thảm với 70 lao động địa phương.
Thời kỳ cao điểm duy trì 2 cơ sở đan trong khoảng 6 tháng, còn 1 cơ sở với khoảng 30 lao động thì làm việc thường xuyên. Công nhân được trả lương theo sản phẩm. Được biết trung bình mỗi công lao động đạt từ 50 - 70 nghìn đồng/ngày tùy theo tay nghề từng người. Thảo cho biết: số tiền trả lương cho công nhân đan ở đây lên đến 50 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động địa phương lúc nông nhàn đã có việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Ngoài quản lý, phụ trách kỹ thuật ở cơ sở đan thảm hạt, từ năm 2004 đến nay Thảo còn phát triển nghề trồng nấm.
Bây giờ đang là mùa nấm, bởi thế khi tôi đến thăm Thảo đang hối hả cùng mấy lao động đóng bầu ươm nấm. Tay làm, miệng nói, Thảo kể về kỹ thuật làm nấm sò từ cách thức ủ rơm, đóng bịch, cấy thuốc… một cách rất thành thạo và chuyên nghiệp. Thảo chia sẻ: cả mùa nấm trong vòng 6 tháng Thảo làm 8 mẻ, mỗi mẻ là 350 bịch, mỗi bịch thu được 6 lạng nấm. Hỏi về thu nhập, Thảo nói:
-Như năm 2009, thu từ nấm chỉ khoảng trên 20 triệu đồng thôi!
Thảo nói chuyện thu nhập 20 triệu mà cứ tỉnh khô. Thảo cho biết, điều quan trọng nhất trong làm nấm là việc giữ đủ độ ẩm cho bịch nấm. Mà điều đó cũng chẳng có gì nặng nhọc, cả mấy gian nhà nấm, dùng bình xịt tưới ẩm mỗi ngày chẳng mất mấy công sức và thời gian. Khi nấm được thu hoạch, mỗi ngày Thảo phải dậy từ 5 giờ sáng mang giao cho khách quen. Thảo cho biết, đã nhiều năm làm nấm nhưng ở thị trường huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ nấm vẫn bán được giá và cũng giữ giá bởi vậy việc tiêu thụ sản phẩm khá yên tâm. Có lẽ cũng vì thế mà trên địa bàn số hộ làm nấm cũng phát triển hơn trước.
Có lợi thế về đất rộng để làm nấm một cách quy mô, thuận tiện hơn mới đây, Thảo đã đầu tư mua 1 nhà sắt để treo nấm. Nhìn cả gian nhà lủng lẳng những bịch nấm, có bịch đã được rạch, trồi ra những mũ nấm xinh xinh; có những giá, những góc nhà xếp đầy nấm chưa đủ ngày treo, trong khi đó vài lao động vẫn đang tiếp tục đóng bịch những mẻ nấm mới; bên cạnh là cơ sở đan thảm hạt với vài chục công nhân đang thao tác thoăn thoắt để hoàn thành sản phẩm trong thời gian sớm nhất…, tôi thấy phục Thảo bởi cô thật giỏi giang, tháo vát. Ôm đồm bao công việc, bao dự định vậy mà trông Thảo vẫn rất nhàn hạ, bình thản. Có lẽ đó chính là bởi cô có sự tính toán bố trí công việc một cách khoa học và luôn phát huy được tính năng động, hoạt bát trong mọi hoàn cảnh.
Luôn nhạy bén với thời cuộc và ham tìm tòi học hỏi, mới đây Thảo còn bắt tay thử nghiệm nuôi dế. Mua 1 chậu dế giống 2 triệu đồng về nuôi thử nghiệm, dế sinh sản nhân được 20 chậu. Sau 2 tháng 5 ngày, Thảo đã bán 8 chậu dế giống thu về 8 triệu đồng, số còn lại chưa bán ước khoảng tầm 10 triệu. Nhìn thấy lợi nhuận từ con dế, Thảo dự định sẽ gây giống đại trà để nuôi dế thương phẩm. Thảo chỉ cho chúng tôi xem 2 chậu dế vừa đặt mua của dân đào trong tự nhiên với dự định sẽ cho dế ta con to, khỏe để lai với dế giống bán trên thị trường xem có đạt được thành công? Với giá dế thương phẩm trên thị trường là 150 nghìn đồng/kg, nuôi dế bỏ vốn ít, lại nhàn và lợi nhuận cao vì thế đây đang là lựa chọn của không ít hộ gia đình.
Theo Thảo hiện tại trên địa bàn nghề nuôi dế còn là khá mới mẻ nên dế giống và dế thương phẩm vẫn tiêu thụ tốt. Nhưng khi nhiều cơ sở nuôi, với số lượng lớn thì đầu ra của dế thương phẩm chưa có gì đảm bảo, đó là điều không ít người còn băn khoăn.
Chia tay Thảo, cô gái 30 tuổi, nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ, đầy quyết đoán tôi cảm thấy lòng mình vui vui. Vui bởi những cá nhân như Thảo đã và đang góp phần làm nên sự đổi thay ở địa phương. Vui bởi tấm gương tuổi trẻ năng động, táo bạo, chịu khó áp dụng, chuyển đổi kiến thức khoa học kỹ thuật vào làm kinh tế như Thảo sẽ là một điển hình mà các bạn trẻ đều có thể học tập để các phong trào xóa nghèo và làm giàu sẽ ngày càng nở rộ trên quê hương Yên Bái.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Nước da trắng hồng, đôi mắt sáng, vầng trán cao rộng, toát lên sự thông minh, tự tin nhưng dịu dàng và rất nữ tính. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Nguyễn Thị Bích Ngọc - người vừa được nhận giải thưởng Hoa trạng nguyên năm 2010.
YBĐT - Năm học 2009-2010 kết thúc, Trần Minh Vũ là một trong những cái tên mang lại niềm tự hào cho Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Cảm nhận đầu tiên lên các bản làng của xã Chế Cu Nha đó là người dân ở đây nghèo, nhưng thật thà và rất quý người. Trong suốt thời gian thực hiện “ba cùng” với đồng bào, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của bà con từ nơi ăn chốn ở đến đồ dùng sinh hoạt.
Việc tìm được một công việc ưng ý, phù hợp với khả năng, kinh nghiệm bản thân không phải là điều dễ. Vậy làm sao để có cơ hội tìm được việc làm như ý và tự tin hơn về bản thân mình?