Cá “đoàn viên” trên đập Khe Dứa
- Cập nhật: Thứ tư, 3/11/2010 | 9:48:27 AM
YBĐT - Họ gồm 6 thành viên, cùng sinh ra và lớn lên trên cánh đồng Yên Phú, xã Yên Phú phì nhiêu của huyện Văn Yên. Họ cùng có chung một đam mê, một ý tưởng muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Họ chặt tre, đóng lồng, sớm tối trên đập để nuôi cá và giờ đây nhiều người biết đến và gọi họ bằng cái tên trìu mến “Nhóm thanh niên nuôi cá lồng Yên Phú”.
Mỗi thành viên của nhóm đảm nhiệm chăm sóc 2 lồng cá.
|
Vạn sự khởi đầu nan
Gặp anh Ngô Quyết Chiến, nguyên Bí thư Đoàn xã Yên Phú, người có ý tưởng đưa cá lồng về đập Khe Dứa, nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã chúng tôi mới thấy chặng đường để có thành quả 12 lồng cá của nhóm thanh niên, đoàn viên này thật không đơn giản. Được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều mô hình hoạt động nhóm đầy hiệu quả, chàng thanh niên Bí thư Đoàn xã hiểu rằng: “họ làm được thì sao mình không thử?”.
Qua nhiều buổi sinh hoạt, nói chuyện, ý tưởng về việc nuôi cá lồng trên đất Yên Phú dần được nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã biết đến và ủng hộ. Sau nhiều lần bàn bạc, tháng 9/2009, nhóm thanh niên nuôi cá lồng của Đoàn xã chính thức được thành lập. “Thành lập đã khó, bàn bạc, phân công nhiệm vụ kế hoạch hoạt động lại càng khó hơn” - anh Nguyễn Văn Tuấn, đội trưởng nhóm cá lồng chia sẻ.
Quả thật, với những thanh niên chưa qua một trường lớp đào tạo, chưa có kiến thức, kinh nghiệm, vốn trong tay lại gần như không có thì việc hoạt động, kinh doanh theo nhóm gần như là điều không thể.
Thời gian đầu, không biết bao nhiêu cuộc họp được tổ chức để bàn về việc xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên. “Mưa dầm thấm lâu”, cứ như vậy đến nay các thành viên đã dần hiểu ra được cách thức hoạt động nhóm và trách nhiệm của từng cá nhân. Nhưng chỉ vậy thôi thì chưa thể làm gì được, họ còn thiếu vốn, thiếu kỹ thuật.
Anh Tuấn nhớ lại: “Khi mới bắt tay vào đóng lồng cá, do chưa nắm được kỹ thuật nên cứ đóng vào rPồi lại tháo ra. Cuối cùng phải nhờ cán bộ dưới Trung tâm Thủy sản lên hướng dẫn thì anh em mới biết làm. Hay như việc nuôi cá, do chưa hiểu biết, chưa nắm vững kỹ thuật nên cá giống vận chuyển từ dưới Phú Thọ lên không hợp môi trường, khí hậu nên bị chết nhiều. Mọi người ai cũng lo nhưng may là được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và Trung tâm Thủy sản nên giờ đã biết cách phòng tránh”.
Được biết, một lồng cá chi phí đầu tư hết 3,5 triệu đồng. Một thành viên phụ trách 2 lồng, quy thành tiền là 7 triệu đồng, cộng với 7 triệu đồng tiền cá giống là 14 triệu, một số tiền không nhỏ với những đoàn viên, thanh niên nông thôn.
Trao đổi về vấn đề này, nguyên Bí thư Đoàn xã cho biết: "Ban đầu cũng lo lắm nhưng sau buổi hội thảo với Ngân hàng Chính sách xã hội, nhóm đã trình bày ý tưởng, kế hoạch về việc phát triển cá lồng trước sự chứng kiến của các phòng chuyên môn như nông nghiệp, khuyến nông. Cuối cùng, mỗi thành viên được vay 20 triệu đồng để thực hiện Dự án".
Và thành công, kinh nghiệm
Đã 6 tháng trôi qua từ khi lứa cá đầu tiên được thả trên đập Khe Dứa. Trưởng nhóm cá lồng cho biết: “12 lồng cá chia đều cho các thành viên mỗi người phụ trách 2 lồng. Mỗi lồng thả 200 con cá trắm, vị chi mỗi thành viên phải chăm sóc 400 con”.
Theo kế hoạch phân công, cả nhóm 6 người luân phiên trực một ngày, đêm. Ngoài thời gian trực, mỗi thành viên tự cắt cỏ, chăm sóc 2 lồng cá do mình đảm nhiệm. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, nhiều thành viên còn trồng thêm cỏ voi, tận dụng lá sắn nuôi cá. Thành viên Đinh Quốc Thế hồ hởi: “Hiện con bé nhất cũng được 1 kg, con nặng nhất cũng gần 2 kg.
Chậm nhất thì gần đôi tháng nữa bọn mình sẽ bán lứa cá đầu tiên. Cả nhóm ai cũng hồi hộp”. Dù chắc rằng hiệu quả sẽ chưa cao như dự định, bởi ban đầu cả nhóm đều chưa nắm vững kỹ thuật, lại không có kinh nghiệm nhưng với nhiều thành viên cái được lớn nhất là cách thức tổ chức, hoạt động nhóm.
Nếu nhìn ở tầm vĩ mô, có lẽ trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ không có nhiều mô hình hoạt động theo nhóm như vậy, đặc biệt là ở các đoàn viên, thanh niên. Bởi tại các vùng quê nông thôn như hiện nay, lực lượng lao động chính này đang rời bỏ quê nhà đi tìm việc ở thành phố và các tỉnh bạn rất đông.
Hình thức huy động, vay vốn của nhóm thanh niên này lại càng đáng để nhiều tổ chức, cá nhân làm theo. Tổ chức hội thảo, trình bày ý tưởng, kế hoạch có sự tham gia của chính quyền và các phòng chuyên môn, nhìn chung đó giống như một cách để kêu gọi đầu tư.
Thành công của mô hình này không những nâng cao ảnh hưởng, uy tín của tổ chức Đoàn với các đoàn viên, thanh niên mà còn mở ra một hướng đi mới cho thanh niên trên con đường lập nghiệp. Đặc biệt, nó giúp cho nhiều người làm quen với khái niệm hoạt động và sản xuất theo nhóm.
Hùng Cường
-
- Cá “đoàn viên” trên đập Khe Dứa - https://baoyenbai.com.vn/220/68042/FONT-faceTimes-New-Roman-size3Ca-doan-vien-tren-dap-Khe-Dua-FONT.htm" target="_blank">
Các tin khác
Sau gần 3 năm làm việc tại Công ty Chứng khoán VNDirect, Nguyễn Hoàng Giang được hội đồng quản trị bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc dù mới 24 tuổi.
YBĐT - Chị Hoàng Thị Hoa – cán bộ Bưu điện tỉnh Yên Bái rất tự hào về bộ sưu tập giấy khen, bằng khen của cô con gái đầu lòng Phương Anh. Mỗi lần em nhận được một giải thưởng, một tấm bằng khen mới cả nhà ngồi quây quần bên nhau cùng chúc mừng, chia vui và động viên em tiếp tục phấn đấu.
YBĐT - Nguyễn Thị Bích Thảo ở thôn Khái Thượng 1 xã Thanh Lương (Văn Chấn) là con út của gia đình đông tới 10 anh em vậy mà không thấy ở Thảo sự yếu đuối, dựa dẫm, ỉ lại mà trái lại Thảo rất mạnh mẽ, quyết đoán, sớm tự lập và rất năng động trong cuộc sống.
YBĐT - Nước da trắng hồng, đôi mắt sáng, vầng trán cao rộng, toát lên sự thông minh, tự tin nhưng dịu dàng và rất nữ tính. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Nguyễn Thị Bích Ngọc - người vừa được nhận giải thưởng Hoa trạng nguyên năm 2010.