Giám sát thực hiện xây dựng nông thôn mới : Cần điều chỉnh tiêu chí phù hợp vùng, miền

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/2/2014 | 2:53:24 PM

YBĐT - Thực hiện Chương trình giám sát năm 2013 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Yên Bái, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong 2 năm (2011 và 2012) trên địa bàn tỉnh.

Nông dân xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) chăm sóc rau vụ đông.
(Ảnh: Linh Chi)
Nông dân xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) chăm sóc rau vụ đông. (Ảnh: Linh Chi)

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, công tác tuyên truyền, vận động được các cấp, các ngành triển khai bằng nhiều hình thức phong phú. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cấp đã tổ chức nhiều phong trào, hội thi tuyên truyền và triển khai những cách làm hay trong xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 200 hội nghị; gần 400 pa nô, khẩu hiệu; in ấn trên 7.000 tờ tài liệu; tổ chức biên tập và phát sóng, xuất bản định kỳ nhiều tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Qua giám sát, hầu hết đội ngũ cán bộ các cấp đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM; người dân ở nhiều nơi đã thực sự vào cuộc, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước; tích cực, nhiệt tình tham gia phong trào và đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ sở. Phong trào tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất, đóng góp tiền, ngày công lao động được nhân dân hưởng ứng để cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.

Tỉnh Yên Bái đã lựa chọn 2 xã xây dựng mô hình điểm là Tân Đồng (Trấn Yên) và Đại Phác (Văn Yên). Các huyện, thị, thành phố cũng đã lựa chọn 9 xã: Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), Báo Đáp (Trấn Yên), Lâm Thượng (Lục Yên), La Pán Tẩn (Mù Cang Chải), Yên Hưng (Văn Yên), Thượng Bằng La (Văn Chấn), Hát Lừu (Trạm Tấu), Vĩnh Kiên (Yên Bình) làm mô hình điểm và rút kinh nghiệm.

Công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở được chú trọng thực hiện, trong 2 năm đã tổ chức  26 lớp tập huấn cho trên 1.000 cán bộ cấp xã, 50 cán bộ quản lý chương trình của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị, thành phố. Xác định công tác quy hoạch là khâu đầu tiên, quan trọng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo lập quy hoạch cho các xã.

Đến nay, công tác lập quy hoạch cho 152/152 xã đã hoàn thành; 130/152 xã đã hoàn thành xây dựng đề án nông thôn cấp xã, được UBND cấp huyện phê duyệt. Vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình đã tập trung hỗ trợ thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo tập huấn, xây dựng kết cấu hạ tầng cho 11 xã mô hình điểm và hỗ trợ phát triển sản xuất cho 29 xã đăng ký hoàn thành các tiêu chí vào năm 2015. Nhìn chung, nguồn lực đầu tư được ưu tiên cho các xã điểm với phương châm tập trung làm trước các tiêu chí gần đạt, dễ làm, ít tốn kém và huy động được sức dân.

Các xã thực hiện mô hình điểm của tỉnh và cấp huyện đã có nhiều công trình kết cấu hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhà văn hóa... đầu tư xây dựng theo tiêu chí được hoàn thành đưa vào sử dụng đã phục vụ đắc lực, kịp thời cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, cơ sở.

Riêng lĩnh vực phát triển sản xuất, đã xây dựng được 30 mô hình tại 29 xã đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Sau hơn 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 60 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên, trong đó có 10 xã đạt trên 10 tiêu chí (có 1 xã đạt 17/19 tiêu chí là xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái). Các tiêu chí đạt được chủ yếu về quy hoạch, hệ thống điện, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị, an ninh trật tự xã hội, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên…

Nhìn chung, trong thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về xây dựng NTM tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020 đã được các cấp, các ngành tích cực chỉ đạo thực hiện toàn diện và đạt được một số kết quả bước đầu. Phần lớn các tiêu chí của các xã được cải thiện về mức độ, tỷ lệ số xã đạt dưới 5 tiêu chí giảm 19,74% (từ 87,5% xuống 67,76%). Kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội giữ vững, dân chủ ở cơ sở được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở các vùng nông thôn được cải thiện và từng bước ổn định, phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có tồn tại cần phải khắc phục như: công tác tuyên truyền tuy đã được chú trọng nhưng một số nơi còn chưa thực hiện kịp thời, thường xuyên; nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, người dân chưa đầy đủ, đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Một số chương trình phát triển sản xuất chưa thực sự hiệu quả và bền vững, phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa; nhận thức của nhân dân một số nơi trong việc cải tạo tập tục lạc hậu, vệ sinh môi trường chuyển biến chậm.

Nhiều cán bộ cơ sở và một bộ phận nhân dân chưa nhận thức được tất cả mọi nguồn lực và hoạt động có tính chất đầu tư ổn định và phát triển đời sống về mọi mặt của từng người dân, từng hộ gia đình, của cộng đồng và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đều là đầu tư xây dựng NTM. Một số nơi, cán bộ huyện, xã, thôn bản quá chú trọng chạy theo các chỉ tiêu, chưa nhận thức đúng đắn mục tiêu cơ bản là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính người dân.

Mặc dù đã cố gắng huy động mọi nguồn lực nhưng tỉnh nghèo, nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Trung ương hạn hẹp (trong 2 năm mới được đầu tư hơn 50 tỷ đồng) nên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu; vốn đầu tư cho xây dựng NTM chủ yếu lồng ghép thông qua các chương trình, dự án khác. Vốn đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hạn chế. Kinh phí dành cho bộ máy chỉ đạo hoạt động ít (mới bố trí được 1% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ cho hoạt động chỉ đạo của cấp huyện, chưa bố trí cho cấp xã).

Phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, song nguồn lực hỗ trợ quá ít, do đó chưa có nhiều mô hình sản xuất điểm để nhân rộng. Hơn nữa, việc xác định nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả cao đối với từng địa phương, thôn bản luôn là nhiệm vụ khó khăn nhất và sẽ là thách thức lớn nhất, lâu dài trong tương lai.

Một số tiêu chí Trung ương xây dựng chưa thật phù hợp với điều kiện nông thôn miền núi nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, có tiêu chí khó hoàn thành. Hệ thống chính trị tuy đã được quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển nhưng ở nhiều xã, một số cán bộ năng lực yếu, tính gương mẫu chưa cao, chưa thuyết phục được nhân dân, việc triển khai các nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Cán bộ thực hiện chương trình hầu hết kiêm nhiệm, ở cấp huyện, xã chưa bố trí được cán bộ chuyên trách; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ cho bộ máy tham mưu từ tỉnh đến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái đã có kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đó là nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với nông thôn miền núi, nhất là đối với các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn như: xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng chợ nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo...; điều chỉnh Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM theo hướng phù hợp với vùng miền, đặc biệt là các tỉnh miền núi; bố trí tăng kinh phí hỗ trợ trực tiếp trong những năm tới đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách đồng thời bố trí kế hoạch vốn hàng năm sớm để các tỉnh có kế hoạch giao vốn chi tiết cho các địa phương, thực hiện đảm bảo đúng tiến độ thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó ban hành hướng dẫn về cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án đang đầu tư trên địa bàn trong xây dựng NTM; hướng dẫn về quy trình đánh giá, xét công nhận xã đạt tiêu chí; cho phép đơn giản hóa các thủ tục xây dựng cơ bản đối với các dự án xây dựng có phần đóng góp của người dân (kiên cố hóa giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng…) như các công trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; đề nghị áp dụng cơ chế: không hỗ trợ bình quân, nơi nào làm tốt sẽ tăng hỗ trợ cho những năm tiếp theo, nơi nào làm kém sẽ giảm hỗ trợ để kích thích tính tích cực, chủ động, trách nhiệm của nhân dân và cán bộ ở cơ sở, địa phương.

Nội dung này UBND tỉnh Yên Bái đã thực hiện ngay trong năm 2013. Cụ thể, huyện Lục Yên hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng giao thông nông thôn nên đã được tỉnh giao bổ sung kinh phí đợt 2 với số vốn hỗ trợ trên 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, với cơ chế hỗ trợ hộ nghèo, nếu hộ nghèo do lười lao động, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng thì không nên hỗ trợ (vấn đề này cần kiến nghị và chờ chỉ đạo của Trung ương).

Qua giám sát cho thấy, Yên Bái cần lựa chọn một số tiêu chí khó thực hiện nhất để tập trung chỉ đạo và ưu tiên các nguồn vốn để đẩy mạnh thực hiện như: xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi (kiên cố hóa kênh mương), môi trường nông thôn và đặc biệt là lựa chọn, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch) để nâng cao thu nhập cho người dân đồng thời đạt chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo.

Đồng thời, tổ chức rà soát lại điều kiện thực tế của các địa phương, cơ sở để kiến nghị với Trung ương điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với nông thôn miền núi, nhất là tiêu chí đối với các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tăng mức đầu tư kinh phí xây dựng NTM đối với những xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn trình HĐND tỉnh ban hành.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ khuyến công đối với các cơ sở thu mua, chế biến nông - lâm sản tại các địa phương (như chế biến măng mai khô ở Lục Yên, làm sạch bột đao riềng ở Trấn Yên, thành phố Yên Bái...); tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; tính toán tập trung ưu tiên nguồn lực một cách hợp lý cho các xã điểm xây dựng NTM của tỉnh và 29 xã đăng ký hoàn thành vào năm 2015 cũng như tăng mức đầu tư cho những dự án phát triển kinh tế, phát triển sản xuất; nghiên cứu cơ chế ưu tiên hỗ trợ những nơi làm tốt, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Vũ Việt Linh

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Người dân các xã ở Nghĩa Lộ tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng.

YBĐT - Phong trào toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM), đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn thị xã Nghĩa Lộ. Sự đổi thay từ trong nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền và người dân đang làm thay da đổi thịt những thôn, bản vốn còn nhiều khó khăn của 3 xã tham gia xây dựng NTM là: Nghĩa An, Nghĩa Lợi và Nghĩa Phúc.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh.

Trong khoảng thời gian ngắn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại hơn 10.000 xã trên toàn quốc đã được hoàn thành với tỷ lệ đạt tới 93%. Vượt qua áp lực công việc để hoàn thành một khối lượng đồ án “khổng lồ” như vậy là những nỗ lực lớn của các địa phương cũng như sự tham gia phối hợp, chỉ đạo của các bộ ngành liên quan.

Tổ cơ giới bản Quân Chanh, xã Phù Nham vào vụ sản xuất mới.
(Ảnh: Đoàn Hà)

YBĐT - Với trên 29.000 ha đất nông nghiệp và trên 60.000 ha đất có rừng, những năm qua, sản xuất nông - lâm nghiệp luôn chiếm trên 30% cơ cấu kinh tế của một địa phương lớn như Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục