Cơ chế quản lý sau quy hoạch xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/2/2014 | 1:50:19 PM
Trong khoảng thời gian ngắn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại hơn 10.000 xã trên toàn quốc đã được hoàn thành với tỷ lệ đạt tới 93%. Vượt qua áp lực công việc để hoàn thành một khối lượng đồ án “khổng lồ” như vậy là những nỗ lực lớn của các địa phương cũng như sự tham gia phối hợp, chỉ đạo của các bộ ngành liên quan.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh.
|
Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới xung quanh vấn đề này.
- Với một lượng đồ án “khổng lồ” và liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khác nhau, công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải đối mặt với những áp lực gì và làm thế nào để vừa đảm cả tiến độ lẫn chất lượng, thưa Thứ trưởng?
- Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh: Quy hoạch đánh giá là một khâu rất quan trọng trong tiền đề để phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Chính vì vậy, quy hoạch là tiêu chí số 1 trong 19 tiêu chí của xây dựng nông thôn mới.
Tại Quyết định 193, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đảm bảo tiến độ đến 2011 cơ bản hoàn thành công tác lập và rà soát quy hoạch trên địa bàn toàn quốc. Như vậy, từ khi có quyết định là năm 2010 mà đến năm 2011 đã phải cơ bản hoàn thành công tác này thì cũng là áp lực lớn cho cả các địa phương lẫn cơ quan quản lý nhà nước.
Cả nước có hơn 10.000 xã, trải theo dọc chiều dài của đất nước là hơn 2.300km với quy mô và đặc thù rất khác nhau thì đây thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian rất ngắn. Xã miền núi tổ chức phân bố dân cư lại khác với vùng đồng bằng sông, hay như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì dân cư khác là khóm ấp rất là xa sông nước... nên công tác lập quy hoạch cũng rất khó khăn. Trong khi đó, công tác lập quy hoạch nông thôn chưa được người dân cũng như chính quyền địa phương nhận thức đầy đủ và quan tâm như công tác lập quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, lực lượng tư vấn lại “mỏng,” chỉ có 16 viện và khoảng 20 trung tâm tư vấn trong công ty tư vấn và khi soát lại thì chỉ có 20% tham gia vào công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn. Bởi vậy, áp lực càng gia tăng. Bản thân các địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng nhập cuộc, nhiều nơi thiếu sự phối hợp giữa tư vấn với chính quyền xã. Một số địa phương cho rằng quy hoạch là vai trò, trách nhiệm của tư vấn trong khi mục tiêu và yêu cầu của công tác lập quy hoạch nông thôn mới lại phải rất cụ thể, đảm bảo nhiều yếu tố như tổ chức không gian, quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất... Trên thực tế, năng lực của tư vấn từ trước đến nay cũng chưa làm nội dung lồng ghép “3 trong 1” mà lại trong thời gian ngắn như vậy.
Để vượt qua thử thách này, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thành lập các Ban chỉ đạo tại các địa phương rồi đưa vào công tác tuyên truyền để hệ thống chính trị vào cuộc rồi. Đặc biệt, Chính phủ đã có ngay một chương trình nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ xã và trong 2 năm đào tạo được gần 2.000 học viên nhằm đối đáp ứng yêu cầu quản lý và triển khai quản lý thực hiện sau quy hoạch.
Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kịp thời đưa ra Thông tư liên tịch thẩm định xây dựng nông thôn mới cũng những giải pháp thống nhất lập quy trình thẩm định thống nhất các tiêu chuẩn “3 trong 1." Bởi vậy, áp lực lớn trong công việc cũng đã được vượt qua và khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 thì đã có 93% số xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới.
- Quá trình xây dựng nông thôn mới, mỗi địa phương đều có đặc thù riêng. Do đó, nếu cứ áp theo “chuẩn chung” thì e là khó đạt. Vậy trong công tác quy hoạch nông thôn mới đã có giải pháp nào để vẫn giữ được bản sắc riêng của từng vùng miền, thưa Thứ trưởng?
Đặc thù Việt Nam với 54 dân tộc sinh sống trải dọc theo chiều dài đất nước nên yếu tố vùng miền với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và với quy hoạch đô thị được quan tâm đặc biệt, nhất là để giữ gìn bản sắc riêng của từng dân tộc. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để đưa vào nhận thức của người dân thay cho việc phát triển tự phát tồn tại từ rất lâu rồi. Phát triển truyền thống đối với khu vực đô thị đã có nghiên cứu, còn khu vực nông thôn mới hoàn toàn chỉ là phủ kín quy hoạch chứ thực sự chưa đầu tư nhiều đến các yếu tố vùng miền để đảm bảo những nét cổ truyền thống của nông dân Việt Nam. Nhưng trong quá trình triển khai Nghị quyết 193 của Chính phủ thì yếu tố này đã được chú trọng, cần làm ngay.
Bộ Xây dựng đã lập đề án thí điểm để nghiên cứu các mô hình nông thôn mới theo 6 vùng miền, trong đó chia ra những đặc trưng truyền thống, khác biệt để từ đó chọn ra 26 đồ án thí điểm. Các đồ án này đưa ra giải pháp nghiên cứu nét đặc trưng về mô hình sản xuất, khu dân cư, tổ chức sản xuất và hướng dẫn trong giải pháp quy hoạch nhằm đảm bảo nét truyền thống của nông dân. Sau đó, những đồ án mẫu được hoàn thành và có những sổ tay hướng dẫn rất hữu ích. Vì mỗi vùng có đặc thù rất riêng về mô hình sản xuất cũng như phong tục tập quán nên đề án này cố gắng đưa ra những hướng dẫn không phải là toàn diện nhưng rất cơ bản để các địa phương thực hiện tốt tính phát triển bền vững của từng vùng miền mà vẫn đảm bảo tính truyền thống cũng như bản sắc nông thôn riêng.
- Một trong những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới là bất cập khi bố trí kinh phí cho công tác quy hoạch tại các địa phương chưa phù hợp với đòi hỏi thực tế của từng địa bàn. Thứ trưởng nhận định như thế nào về vấn đề này và có đề xuất giải pháp gì để khắc phục?
Trong kiến nghị của các địa phương từ nhiều năm đều có đề cập đến khó khăn này. Trước kia, Chính phủ đưa kinh phí quy hoạch nằm trong vốn xây dựng đầu tư quy hoạch cơ bản nhưng từ năm 2008 đã có quy định mới đưa vốn quy hoạch vào nguồn vốn nghiên cứu sự nghiệp kinh tế. Bởi vậy, các địa phương sẽ rất linh hoạt, dễ điều chỉnh vốn quy hoạch nói chung và quy hoạch nông thôn nói riêng.
Tuy nhiên, từ thực tế quy hoạch nông thôn mới cho thấy công tác bố trí cho các địa phương chưa hợp lý nhất là những nơi còn khó khăn về ngân sách về nguồn lực thu. Chương trình mục tiêu quốc gia đã quy định rõ hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các xã trung bình là 150 triệu đồng/xã. Kinh phí này không phải là thấp nhưng do công tác xây dựng nông thôn mới rất khác nhau về quy mô và đặc thù, có những xã với 150 triệu để quy hoạch là hợp lý nhưng với xã có địa bàn trải dài và diện tích rộng nguồn tiền này khá éo hẹp.
Tuy nhiên, thời gian qua, các xã đều chủ động đánh giá để sự dụng hợp lý nguồn hỗ trợ này. Tùy từng quy mô của xã thì bản thân các địa phương đã có phương án cân đối cho phù hợp. Bởi vậy, tỷ lệ đạt quy hoạch cũng đã nói lên sự hỗ trợ kinh phí đã đáp ứng phần nào chứ không phải là quá khó khăn.
Mấu chốt trong công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới là phải thường xuyên, lâu dài và phải liên tục rà soát. Bởi vậy, vừa qua Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư rà soát thông tư 26 để giúp các địa phương điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
- Xin Thứ trưởng cho biết trọng tâm của công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong năm 2014?
Vừa qua, Ban chỉ đạo Chương trình đã có buổi tổng kết và đánh giá Nghị quyết Trung ương 7 về công tác nông nghiệp nông dân nông thôn trong đó có công tác lập quy hoạch. Kết quả là trong thời gian ngắn như vậy mà tới 93% số xã đã hoàn thành lập quy hoạch chính là cố gắng đáng ghi nhận của các địa phương cũng như sự tham gia phối hợp, chỉ đạo của các bộ ngành liên quan.
Tuy nhiên chất lượng quy hoạch cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển khu vực nông thôn vì trong thời gian qua các địa phương mới chỉ tập trung đến quy hoạch xã thôi chứ chưa có quy hoạch vùng. Chính vì vậy, sự kết nối giữa các xã chưa đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật nông thôn; sự kết nối với hạ tầng kỹ thuật giữa khu vực nông thôn với đô thị và ổn định sản xuất chỉ dứng lại ở cấp huyện. Các xã hầu như chưa thực sự làm tốt việc này mà mới chỉ tập trung phủ kín sự kết nối vùng miền.
Do đó, kết nối về hạ tầng kỹ thuật vẫn phải tiếp tục rà soát. Một trong những giải pháp được đề ra là rà soát và có hướng dẫn chỉ đạo các địa phương tổ chức quy hoạch vùng huyện để làm sao có tính kết nối đồng bộ. Cùng với đó, các tiêu chuẩn quy chuẩn đưa ra phải đảm bảo phát triển bền vững và phát triển đồng bộ. Đáng chú ý, mặc dù quy hoạch đã có rồi nhưng quy chế quản lý sau quy hoạch của nông thôn hiện vẫn chưa có. Trong khi quy hoạch đô thị đã được triển khai rất khẩn trương, nhưng khu vực nông thôn thì hầu như lại chưa có quy định và quy chế quản lý sau quy hoạch. Đây cũng chính là trọng tâm công việc của năm 2014 bởi lập quy hoạch đã khó nhưng triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch càng khó hơn.
Nhiệm vụ không thể thiếu được là đào tạo cán bộ, nâng cao bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý cấp xã và phải thường xuyên thực hiện và rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình; đảm bảo cho phát triển nông thôn bền vững và có hiệu quả.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Với trên 29.000 ha đất nông nghiệp và trên 60.000 ha đất có rừng, những năm qua, sản xuất nông - lâm nghiệp luôn chiếm trên 30% cơ cấu kinh tế của một địa phương lớn như Văn Chấn.
YBĐT - Một mùa xuân nữa lại về. Đây là mùa xuân thứ 3 nông dân Yên Bái tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Sau 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của chủ thể, Chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao.
YBĐT - Trong một vài năm trở lại đây, Lục Yên (Yên Bái) đã tìm ra cho mình một hướng đi riêng phù hợp với lòng dân, tất cả các tuyến đường giao thông liên xã đã được kiên cố hóa, đường thôn bản không ngừng được hoàn thiện. Trong nhiều năm liền, huyện luôn là đơn vị dẫn đầu trong phát triển GTNT miền núi.
YBĐT - Xác định giao thông nông thôn (GTNT) là mục tiêu lớn nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng ủy xã Đại Lịch (Văn Chấn) đã xây dựng nghị quyết triển khai đến chi bộ các thôn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về xây dựng NTM, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp, tạo điều kiện để người dân được biết, được bàn và trực tiếp tham gia đóng góp vào chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng NTM.