Về Nghĩa Lộ nghe chuyện xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ tư, 12/2/2014 | 8:38:24 AM
YBĐT - Phong trào toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM), đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn thị xã Nghĩa Lộ. Sự đổi thay từ trong nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền và người dân đang làm thay da đổi thịt những thôn, bản vốn còn nhiều khó khăn của 3 xã tham gia xây dựng NTM là: Nghĩa An, Nghĩa Lợi và Nghĩa Phúc.
Người dân các xã ở Nghĩa Lộ tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng.
|
Về thôn Bản Pưn, xã Nghĩa Phúc những ngày bà con vui tết Giáp Ngọ. Tay nắm tay, chân nhịp bước trong điệu xòe Nâng khăn mời rượu - một trong 6 điệu xòe cổ được tôn vinh trong đêm đại xòe cổ lớn nhất xác lập Kỷ lục Việt Nam với 2.013 diễn viên, nghệ nhân của thị xã làm nên.
Tận mắt chứng kiến các anh, chị em nắm tay nhau cùng xòe mới thấy hết được niềm vui mừng, niềm tự hào về những điệu dân vũ của đồng bào Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò mùa xuân này. Là thôn điểm của Nghĩa Phúc được chọn xây dựng NTM, nên việc xây dựng các thiết chế văn hóa hay nói cách khác là việc thực hiện tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM được thôn chú trọng thực hiện.
Ông Lò Văn Pọm - Trưởng thôn kể: Năm 2010, khi bắt đầu có chủ trương xây dựng NTM, người dân trong xã rất đồng tình hưởng ứng, từ việc xây dựng nhà văn hóa thôn, các công trình tường rào xung quanh mỗi hộ gia đình, hay việc vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường đều được triển khai có hiệu quả. Vì vậy sau 2 năm, nhân dân trong thôn đã đóng góp được hàng nghìn ngày công xây dựng nhà văn hóa, nơi sinh hoạt của gần 60 hộ trong thôn, nơi tổ chức các cuộc hội họp, các lễ hội.
Từ phong trào, hiện nay đã có 80% hộ gia đình có công trình tường rào bao quanh nhà được xây dựng kiên cố, việc vệ sinh đường làng ngõ xóm được duy trì thường xuyên. Đã tạo được sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.
Còn chị Lù Thị Huân – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn phấn khởi cho biết: “ Từ khi Nhà nước có chủ trương xây dựng NTM, người dân chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Bản Pưn là thôn trọng tâm xây dựng các thiết chế văn hóa trong NTM của xã, nên các phong trào văn hóa văn nghệ được tổ chức thường xuyên. Cùng với đó là vận động chị em tích cực vệ sinh đường làm ngõ xóm, vệ sinh môi trường để đảm bảo cuộc sống và thay đổi bộ mặt nông thôn”.
Từ quá trình xây dựng NTM ở thị xã Nghĩa Lộ cho thấy, không chỉ đối với các thôn, bản có điều kiện thuận lợi mà tại các thôn bản khó khăn, phong trào xây dựng NTM cũng được triển khai mạnh mẽ. Nghĩa Lợi - một xã khó khăn là ví dụ. Dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuộc sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vất vả thế nhưng khi bắt tay vào xây dựng NTM, Nghĩa Lợi đã chú trọng thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, bởi với người dân trong xã, có đường thì mới có tất cả.
Bà Hoàng Thị Loan - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để thực hiện được mục tiêu đó, Nghĩa Lợi xác định công tác tuyên truyền phải được triển khai trước một bước, vận động đi vào chiều sâu để nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Nhờ đó mà sau 2 năm thực hiện đã có nhiều công trình cơ sở hạ tầng giao thông, nhiều dự án nâng cao đời sống người dân được triển khai, từ đó đã nâng cao thu nhập cho chính họ”.
Chuyện xây dựng NTM ở Nghĩa Lộ không thể không nhắc đến niềm phấn khởi của bà con xã Nghĩa An khi được tham gia các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong năm 2013, toàn xã đã có 70 hộ tham gia 70 mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi lợn, gà, thỏ, chăn nuôi đại gia súc, trồng rau an toàn, trồng ớt xuất khẩu, trồng nấm, trồng lúa hàng hóa và cơ giới hóa trong nông nghiệp… với tổng mức đầu tư 500 triệu đồng.
Trong đó, có 40 mô hình nuôi thỏ, 25 mô hình nuôi trâu, 4 mô hình nuôi ong lấy mật và 1 mô hình nuôi gà quy mô trên 1.000 con. Từ nhận thức thay đổi, người dân đã chủ động đăng ký tham gia mô hình, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất đem lại thu nhập mỗi năm từ 50 - 100 triệu đồng.
Chị Lường Thị Hoàn, thôn Đêu 2 phấn khởi bày tỏ: “Từ chương trình đã hỗ trợ cho gia đình tôi 15 con thỏ sinh sản, hiện đàn thỏ đã sinh được hơn 10 thỏ con. Gia đình cũng thường xuyên được cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên rất yên tâm. Cảm ơn chương trình đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi hướng đi mới trong xóa đói, giảm nghèo”.
Xác định rõ mục tiêu, hướng phấn đấu mà hết năm 2013 Nghía Lộ đã thu được nhiều kết quả trong xây dựng NTM. Trong đó, xã Nghĩa An và Nghĩa Lợi đã hoàn thành 5/19 tiêu chí, xã Nghĩa Phúc hoàn thành 4 tiêu chí; trong đó mỗi xã đều có từ 5 - 7 tiêu chí đang thực hiện đạt trên 70% như: giao thông, thủy lợi, điện và trạm y tế...
Kết quả đã đạt được trong năm 2013 là tiền đề để bước sang năm 2014 các xã có mục tiêu phấn đấu cao hơn trong đó xã Nghĩa An phấn đấu đạt 8 tiêu chí, 2 xã Nghĩa Phúc và Nghĩa Lợi phấn đấu mỗi xã đạt 7/19 tiêu chí.
Những ngày đầu xuân này nghe chuyện của nhân dân 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi và Nghĩa Phúc về xây dựng NTM, chúng tôi càng thấy được niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, mong đợi sự thành công của một chủ trương đúng và hợp với lòng dân, để mỗi người dân sẽ có cuộc sống ngày càng tốt hơn từ Chương trình, ngay từ những ngày đầu của năm mới này.
Nguyễn Thư
Các tin khác
Trong khoảng thời gian ngắn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại hơn 10.000 xã trên toàn quốc đã được hoàn thành với tỷ lệ đạt tới 93%. Vượt qua áp lực công việc để hoàn thành một khối lượng đồ án “khổng lồ” như vậy là những nỗ lực lớn của các địa phương cũng như sự tham gia phối hợp, chỉ đạo của các bộ ngành liên quan.
YBĐT - Với trên 29.000 ha đất nông nghiệp và trên 60.000 ha đất có rừng, những năm qua, sản xuất nông - lâm nghiệp luôn chiếm trên 30% cơ cấu kinh tế của một địa phương lớn như Văn Chấn.
YBĐT - Một mùa xuân nữa lại về. Đây là mùa xuân thứ 3 nông dân Yên Bái tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Sau 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của chủ thể, Chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao.
YBĐT - Trong một vài năm trở lại đây, Lục Yên (Yên Bái) đã tìm ra cho mình một hướng đi riêng phù hợp với lòng dân, tất cả các tuyến đường giao thông liên xã đã được kiên cố hóa, đường thôn bản không ngừng được hoàn thiện. Trong nhiều năm liền, huyện luôn là đơn vị dẫn đầu trong phát triển GTNT miền núi.