"Nông thôn có máy làm trâu thay người"

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/2/2014 | 8:26:48 AM

YBĐT - Với trên 29.000 ha đất nông nghiệp và trên 60.000 ha đất có rừng, những năm qua, sản xuất nông - lâm nghiệp luôn chiếm trên 30% cơ cấu kinh tế của một địa phương lớn như Văn Chấn.

Tổ cơ giới bản Quân Chanh, xã Phù Nham vào vụ sản xuất mới.
(Ảnh: Đoàn Hà)
Tổ cơ giới bản Quân Chanh, xã Phù Nham vào vụ sản xuất mới. (Ảnh: Đoàn Hà)

Sản xuất nông - lâm nghiệp đã giúp 90% cư dân trên địa bàn sống ổn định bằng nghề nông. Mong muốn nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động cho nông dân, Văn Chấn đang tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Bản Quân Chanh, xã Phù Nham những ngày áp tết Nguyên đán rộn ràng không khí thu hoạch vụ đông, làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ chiêm. Bên những luống cà chua ửng hồng sắc lửa, những ruộng ngô đã hanh vàng chờ thu hoạch, những luống mạ xanh non mơn mởn chờ sẵn để thay áo mới cho những thửa ruộng. Đất trời đã chuyển ấm giục đội sản xuất cơ giới hóa bản Quân Chanh ra đồng. Bò qua con mương nhỏ, 5 chiếc máy bừa sục thẳng xuống chân ruộng ngô vừa thu hoạch, nước đã được ngâm cho mềm đất. Không chậm chạp, ì ạch như khi đi trên đường, những chiếc máy bừa như cá xuống nước chạy băng băng.

Những bánh lồng nhào trộn đất và nước. Tiếng máy, tiếng nước, tiếng cười như xé tan làn sương mỏng manh, làm cánh đồng thêm rộn rã. Chưa đầy 15 phút, mặt ruộng rộng chừng 500 m2 đã phẳng nhuyễn, láng mịn sẵn sàng khoác lên mình tấm áo mới. 

Buông cần lái, xích lại gần bờ, ông Hoàng Văn Chuyên - một trong những người tham gia tổ sản xuất cơ giới phấn khởi: “Thế này thì lo gì mùa vụ gấp gáp. Đội máy này “quần” mỗi ngày có đến mấy ha. Mọi năm, dịp này cuống cuồng nhà nào cũng lo quá vụ, nay có máy làm, sẽ chủ động và nhanh hơn nhiều”.

Nằm ở thế “đắc địa” của cánh đồng Mường Lò, những năm qua, Phù Nham luôn là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn. Những nhà nông chăm chỉ, cần mẫn đã xây dựng nên các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh rau màu có tiếng và cả những cánh đồng mẫu lớn đã và đang phát huy hiệu quả. Yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi trong sản xuất ở đây là ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện toàn xã có trên 100 máy làm đất và hàng chục máy tuốt, máy, xay xát. 

Tuy nhiên, cơ giới hóa mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất, nhất là lúc thời vụ. Bên cạnh đó, việc đưa cơ giới vào sản xuất vẫn chưa đồng bộ, các máy nông nghiệp được mua sắm theo điều kiện và nhu cầu của từng hộ và chỉ  tập trung chủ yếu ở khâu làm đất đã gây ra hiện tượng thiếu thừa cục bộ, hạn chế hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Duyên - Chủ tịch UBND xã Phù Nham, khó khăn đối với đưa cơ giới vào đồng ruộng ở địa phương là nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi kiến thức về máy móc, nông cụ của nông dân còn hạn chế, vì vậy, nếu thành lập được tổ hợp tác xã cơ giới sẽ giải quyết được những khó khăn này. Ngoài tập trung vốn, máy móc thì tổ sản xuất cơ khí phải đảm đương được hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng thay thế linh kiện máy móc hư hỏng. Đây là giải pháp tối ưu trong cơ giới hóa ở địa phương. Tuy nhiên, trong năm qua, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, xã mới chỉ sắm được 2 máy làm đất, số còn lại xã đang kêu gọi các nhóm hộ cùng tham gia vào tổ sản xuất. Bước đầu hoạt động nhưng đã cho thấy hiệu quả trong thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất và giảm ngày công lao động.

Với trên 29.000 ha đất nông nghiệp, những năm qua, việc “Nông thôn có máy làm trâu thay người đã giúp Văn Chấn chủ động rất nhiều trong sản xuất. Từ trồng cải tạo chè, đến trồng cam, khai thác gỗ rừng trồng và sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động và tạo hiệu quả vượt trội. Điều này thể hiện rõ qua công tác trồng, cải tạo chè ở thị trấn Nông trường (TTNT) Liên Sơn.

Trong 2 năm qua, nhân dân thị trấn đã trồng cải tạo gần 200 ha chè các loại. Có được kết quả này phải nhờ sự trợ giúp của máy móc. Các máy xúc cỡ nhỏ được cải tiến thực hiện đào rạch sâu trên nhiều địa hình, có thể phá gốc cây chè cũ, căn hàng đảm bảo nhanh gọn, chính xác.

Nông dân xã Nậm Búng, Văn Chấn tự nghiên cứu chế tạo máy cày phục vụ sản xuất. (Ảnh: Pa Ri)

Ông Phạm Ngọc Nhâm ở tổ dân phố 4, TTNT Liên Sơn cho biết: “Gia đình vừa thuê máy về cải tạo hơn 1ha chè trung du, chỉ mất trên 8 triệu đồng tiền đào rạch, phá gốc. Làm thủ công phải mất cả tháng trời nhưng máy chỉ làm hơn chục ngày, tính ra lợi phân nửa lại nhanh gấp 3 lần. Hầu hết bà con ở thị trấn đã dùng máy để đào rạch trồng chè”.

Cơ giới hóa trong sản xuất là yêu cầu bức thiết trong sản xuất nông - lâm ngiệp hiện nay. Tuy nhiên, do những nguyên nhân về điều kiện kinh tế, điều kiện canh tác và năng lực trình độ thực hiện cơ giới hạn chế nên máy móc mới chỉ đáp ứng phần diện tích nhỏ đất đai sản xuất ở Văn Chấn. Mặt khác, máy móc mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong khâu làm đất và phần nhỏ của quá trình thu hoạch. Việc thiếu đồng bộ trong cơ giới hóa đã làm giảm hiệu suất, gây lãng phí trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân.

Với mục tiêu chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, tăng năng suất lao động giúp nông dân chủ động trong sản xuất, huyện Văn Chấn có chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng thông qua các mô hình tổ hợp tác xã cơ giới, như ý kiến của Chủ tịch UBND xã Phù Nham đã nêu. Đây là chủ trương đột phá gắn kết người nông dân trong quá trình sản xuất, thúc đẩy mùa vụ và làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Khó khăn hiện nay là phần lớn diện tích đất có độ dốc cao, độ chênh lớn và manh mún. Bên cạnh đó, sức ép việc làm khi số dân trong lĩnh vực nông nghiệp dôi dư cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Theo đồng chí Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện, thực hiện cơ giới hóa sẽ đẩy nhanh quá trình làm đất, thúc đẩy công tác dồn điền, đổi thửa và đảm bảo yêu cầu thời vụ. Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, huyện sẽ mở thêm ngành nghề, tạo việc làm ở lĩnh vực khác đáp ứng nhu cầu lao động nông thôn. Mặt khác, đưa cơ giới vào đồng ruộng cần có quy mô, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất như thành lập các tổ cơ giới, hợp tác xã cơ giới… Có như vậy, nông - lâm nghiệp Văn Chấn mới phát triển toàn diện.

Máy móc được đưa vào đồng ruộng đã dần làm lùi xa hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, từng bước thay đổi vị thế người nông dân Văn Chấn trên con đường hội nhập.

Trần Van

Các tin khác
Nhân dân xã Nghĩa An - thị xã Nghĩa Lộ kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

YBĐT - Một mùa xuân nữa lại về. Đây là mùa xuân thứ 3 nông dân Yên Bái tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Sau 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của chủ thể, Chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao.

Nhân dân huyện Lục Yên tham gia san tạo mặt đường liên thôn, bản.

YBĐT - Trong một vài năm trở lại đây, Lục Yên (Yên Bái) đã tìm ra cho mình một hướng đi riêng phù hợp với lòng dân, tất cả các tuyến đường giao thông liên xã đã được kiên cố hóa, đường thôn bản không ngừng được hoàn thiện. Trong nhiều năm liền, huyện luôn là đơn vị dẫn đầu trong phát triển GTNT miền núi.

Mọi người dân trong xã đều đồng lòng ủng hộ hiến đất, cây cối, hoa màu để mở mới đường liên thôn.

YBĐT - Xác định giao thông nông thôn (GTNT) là mục tiêu lớn nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng ủy xã Đại Lịch (Văn Chấn) đã xây dựng nghị quyết triển khai đến chi bộ các thôn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về xây dựng NTM, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp, tạo điều kiện để người dân được biết, được bàn và trực tiếp tham gia đóng góp vào chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng NTM.

Kiên cố hóa kênh mương nội đồng ở Thượng Bằng La.

YBĐT - Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là 1 trong 11 xã điểm của tỉnh được chọn để triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục