Trạm Tấu nỗ lực phát triển giao thông nông thôn
- Cập nhật: Thứ hai, 16/6/2014 | 10:49:41 AM
YBĐT - Là một trong những địa phương nằm trong vùng 135, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thế nhưng nhờ biết tận dụng tốt các nguồn lực đầu tư, cùng với sự đồng lòng, đồng thuận của người dân, những năm qua, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Trạm Tấu đã được mở rộng, nâng cấp, cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, tạo nền tảng để huyện tiếp tục thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Người dân xã Xà Hồ, (Trạm Tấu) tham gia kiên cố hóa đường liên thôn
|
Theo kế hoạch phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015, Trạm Tấu sẽ tiến hành kiên cố hóa trên 150km đường và mở rộng, mở mới 220km đường liên thôn bản. Trong đó, từ 2011-2012, huyện phấn đấu thực hiện mở rộng 70km đường liên thôn, bản (3,5m) và kiên cố hóa 2km đường bê tông với qui mô mặt đường rộng 3-3,5m; từ 2013-2015, kiên cố 150km mặt đường huyện, xã, liên xã, liên thôn, bản và thực hiện mở mới, mở rộng trên 150 km đường thôn bản để tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn đầu tư, nâng cấp mặt đường trong giai đoạn 2015-2020. Có thể nói, so với nhiều địa phương, số lượng và chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn phải thực hiện của Trạm Tấu không nhiều.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì hoàn thành mục tiêu này không phải dễ bởi Trạm Tấu hiện tại vẫn là một huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, địa hình nhiều chia cắt, đời sống kinh tế-xã hội của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt với nhiều đồng bào dân tộc Mông, nhận thức về làm đường giao thông vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, năng lực làm chủ đầu tư của các xã còn rất yếu, công tác quản lý hồ sơ kém nên việc triển khai đề án và thanh quyết toán còn nhiều khó khăn.
Xác định những khó khăn này, ngay khi đề án làm đường giao thông nông thôn được thông qua, Trạm Tấu đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện từ huyện xuống xã, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn và các thành viên. Trên cơ sở kế hoạch phân bổ của từng năm, các địa phương từ từng thôn, bản đến từng xã, thị trấn đã tổ chức họp dân, tiến hành bàn bạc, thống nhất các tuyến đường cần xây dựng và lập văn bản đề nghị với các cấp; đồng thời, phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện công tác lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật đảm bảo mục tiêu, hiệu quả. Theo ông Tô Đức Vĩnh, Phó trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, cơ quan thường trực của ban chỉ đạo, hàng năm phòng đã tham mưu cho UBND huyện rà soát nhu cầu đầu tư, mở đường giao thông từ các địa phương, sau đó tiến hành lập danh sách đăng ký với huyện và tổng hợp gửi cho tỉnh. Cùng với đó, trong quá trình triển khai, phòng cử cán bộ xuống xuống từng tuyến đường, từng thôn bản để tiến hành kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện, hướng dẫn kỹ thuật và hướng dẫn lập hồ sơ thành quyết toán kinh phí. Cùng với những giải pháp cụ thể huyện đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vào phong trào làm đường giao thông nông thôn như: tự nguyện đóng góp, tham gia thi công, quản lý, bảo vệ và sử dụng các tuyến đường, công trình trên địa bàn. Đồng thời, huy động sự ủng hộ, đầu tư từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia, đóng góp làm đường giao thông nông thôn.
Nhờ những giải pháp cụ thể và đồng bộ, hết năm 2013, Trạm Tấu đã thực hiện được 71 công trình đường giao thông nông thôn, trong đó tiến hành bê tông hóa 9,933km và mở mới, mở rộng 139,332km đường liên thôn, liên bản. Ông Vĩnh cho biết thêm: “Tất cả những tuyến đường này đều được triển khai theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, ngoài phần hỗ trợ của nhà nước về vật liệu chính, cán bộ kỹ thuật, chi phí khảo sát, thiết kế… phần còn lại người dân đã tham gia đóng góp ngày công lao động thi công, khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ với tổng giá trị gần 70 tỷ đồng”. Từ những con đường này, việc đi lại, thông thương tại nhiều thôn, bản vùng cao Trạm Tấu đã được nối liền, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Phát huy kết quả đạt được, năm nay, Trạm Tấu phấn đấu thực hiện 87 công trình giao thông nông thôn, trong đó bê tông hóa mặt đường 32 công trình (20,717km) và mở mới, mở rộng nền đường 55 công trình (69,315km). Theo đó, huyện đã triển khai đến từng thôn, bản tiến hành rà soát và lên danh sách các tuyến đường cần làm. Đến hết tháng 4, huyện đã thi công xong 30km đường đất tại các xã Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng, Pá Hu, Bản Công, Hát Lừu, Bản Mù. riêng các tuyến đường bê tông chờ tỉnh hướng dẫn và giao kế hoạch thực hiện.
Hùng Cường
Các tin khác
YBDT - Để đạt được mục tiêu xã nông thôn mới trong năm 2015, hiện nay Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng... vận động nhân dân trong xã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chương trình.
YBĐT - Chúng tôi trở lại Sơn A (Văn Chấn) đúng thời điểm đang thu hoạch lúa mùa. Cả cánh đồng vàng rộm dưới nắng hè oi ả, tiếng ồn của động cơ máy tuốt lúa khiến cảnh ngày mùa thêm sôi động.
YBĐT – Đến với xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt hiện hữu trên từng đường làng, ngõ xóm. Sự đổi thay rõ nét của bức tranh nông thôn nơi đây chính là minh chứng cho sự hòa quyện của ý Đảng, lòng dân trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
YBĐT - Với xuất phát điểm thấp nên khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải) đã tập trung mọi nhân lực, nguồn lực, đồng thời lựa chọn tiêu chí nào dễ làm trước, với phương châm "chậm nhưng chắc", nhất quyết không chạy theo thành tích. Sau 3 năm triển khai, bộ mặt nông thôn của xã vùng cao khó khăn này đã dần khởi sắc, nổi bật nhất đó là tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 69%.