Viên gạch hồng “xây” nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2014 | 9:10:27 AM
YBĐT - Trong một vài năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp huyện Văn Chấn đã có những bước phát triển vượt bậc. Các thôn bản, xã vùng cao đã bảo đảm an ninh lương thực, trồng và phát triển nghề rừng hiệu quả, các xã vùng thấp xây dựng vùng phát triển hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc. Đạt được những kết quả đó có sự chung tay đóng góp rất lớn của đồng bào các dân tộc trong huyện.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cùng bà con các dân tộc xã Sơn A kiểm tra quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa.
|
Là một huyện có diện tích rộng và đông dân nhất tỉnh, Văn Chấn cũng là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất, nhiều dân tộc sinh sống song đồng bào nơi đây có truyền thống đoàn kết gắn bó, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương. Chỉ cách đây vài năm, đồng bào các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và phó mặc cho tự nhiên nhưng nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, trong sản xuất nông - lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Từ một địa phương sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, đến nay đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đã xuất hiện những mô hình sản xuất có hiệu quả và nhiều hộ đồng bào dân tộc làm kinh tế giỏi. Từ các giống lúa địa phương rồi chuyển sang đưa các giống lúa lai, lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng đến các giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất đại trà là một nỗ lực vượt bậc của bà con. Không chỉ có vậy, bà con các dân tộc trong vùng còn biết thâm canh lúa cải tiến, đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất hàng hóa như J01, Séng cù, canh tác ngô bền vững trên đất dốc, cải tạo giống chè già cỗi bằng giống nhập nội năng suất, chất lượng cao, sản xuất chè sạch.
Nhờ vậy mà năng suất, chất lượng cây trồng ngày một nâng lên, nếu như năm 2010 cây lúa mới đạt 85 - 90 tạ/ha thì nay đã đạt trên 100 tạ, nhiều xã đạt 120-130 tạ/ha. Sản lượng lương thực có hạt tăng từ 51,9 ngàn tấn năm 2009 lên 61 ngàn tấn năm 2013; diện tích chè đạt 4.367ha. Tỷ lệ độ tàn che phủ rừng cũng nâng lên tương xứng từ 52% lên 54%. Văn Chấn là địa phương đã xây dựng thành công được ba vùng chuyên canh lớn là vùng cây ăn quả với diện tích 5.000ha, vùng chè trên 4.000ha và vùng lúa hàng hóa trên 2.000 ha.
Trước đây đến Văn Chấn tìm gương người dân tộc sản xuất kinh doanh giỏi “khó như tìm vàng” thì nay nhiều không kể xiết. Điển hình như hộ gia đình bà Triệu Thị Hải dân tộc Dao ở thị trấn Nông trường Trần Phú từ trồng cam và chăn nuôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; hộ gia đình ông Hà Văn Hưng dân tộc Tày ở xã Sơn Lương hay hộ gia đình bà Hà Thị Toán xã Thạch lương ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất lúa hàng hóa có thu nhập 100 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển mạnh cũng đồng nghĩa với cơ sở hạ tầng được nâng lên, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, đường đến các thôn bản vùng cao, vùng xa cũng đã cơ bản được bê tông hóa; 92% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 77% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn đầu tư là 295 tỷ đồng thì trong đó nhân dân đã đóng góp gần 40.000 ngày công, hiến 169.000m2 đất, gần 3.000 cây xanh có giá trị để làm đường, xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhờ vậy, đã có 7/28 xã hoàn thành 8 - 10 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, 5 năm qua, Nhà nước cũng đầu tư trên 370 tỷ đồng cho các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới 200 công trình hạ tầng nông thôn.
Văn Chấn hôm nay chưa phải là một huyện giàu nhưng với những nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là sự chung tay góp sức của đồng bào các dân tộc, đây có thể coi như “viên gạch hồng” thúc đẩy địa phương có nhiều bứt phá mới trong tương lai.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT – Tiếp tục chương trình công tác, ngày 7/8, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.
YBĐT - Chiều 5/8, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Hưng Thịnh là xã vùng ba của huyện Trấn Yên. Để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng ủy, chính quyền luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế, chú trọng làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó nổi bật là chỉ đạo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và huy động dân tham gia đóng góp công sức vào việc XDNTM tại địa phương.
YBĐT - La Pán Tẩn bắt tay và xây dựng nông thôn mới với quyết tâm cao. Tuy nhiên, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, trong khi các tiêu chí xây dựng nông thôn mới lại quá xa vời với đặc thù điều kiện kinh tế vùng cao, khiến nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã La Pá Tẩn, huyện Mù Cang Chải khó có khả năng đạt như dự định...