Hưng Thịnh nỗ lực xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ ba, 5/8/2014 | 8:55:31 AM
YBĐT - Hưng Thịnh là xã vùng ba của huyện Trấn Yên. Để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng ủy, chính quyền luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế, chú trọng làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó nổi bật là chỉ đạo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và huy động dân tham gia đóng góp công sức vào việc XDNTM tại địa phương.
Yên Thuận có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Tày, cũng là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã, đường giao thông đi lại chưa được tu sửa, mở rộng, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện XDNTM, trước tiên, thôn đã quan tâm đến việc mở mới, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông.
Trong các cuộc họp thôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cùng các già làng, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động những hộ dân có đất nằm trên các tuyến đường hiểu về ý nghĩa của chương trình XDNTM và cũng như lợi ích lâu dài của những con đường xác định phải mở. Bà con đã nhận thấy lợi ích của việc mở đường và sẵn sàng hiến đất, đổi đất, chặt bỏ những cây trồng nằm trên các tuyến đường đi qua. Tổng diện tích đất người dân đã hiến là 4.000m2. Bà con còn tích cực đóng góp ngày công, tiền của để cùng mở đường giao thông nông thôn. Đến nay, tuyến đường huyết mạch của thôn đã được bê tông hóa, bảo đảm tiêu chuẩn đường nông thôn mới.
Không chỉ ở Yên Thuận, nhiều hộ dân ở các thôn: Trực Chính, Trực Khang, Kim Bình, Yên Bình đã tự nguyện hiến nhiều diện tích đất làm đường liên thôn, liên xã. Với sự ủng hộ tích cực của nhân dân, sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, tổng vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Hưng Thịnh đã lên đến 3 tỷ 921 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1 tỷ 415 triệu đồng. Nhờ đó mà hiện nay toàn xã đã kiên cố hóa được 3,4km đường nông thôn, mở mới 2km đường liên thôn, đào đắp, nâng cấp 650m đường ở hai thôn Kim Bình và Quang Minh.
Ngoài ra, nhân dân đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, xi măng bê tông hóa đường ngõ xóm với tổng chiều dài 5km ở 11 thôn. Từ các nguồn vốn Nhà nước, năm 2012 xã đã hỗ trợ 40 hộ làm mới và nâng cấp các công trình vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trấn Yên cho 106 hộ vay vốn để xây dựng bể chứa nước, nhà tắm và công trình vệ sinh với tổng số tiền đầu tư 836 triệu đồng.
Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu dân cư, xã đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng trường học, trạm y tế, kéo điện quốc gia. Hiện, 3 trường đóng trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, trong đó Trường Tiểu học Hưng Thịnh được công nhận trường chuẩn quốc gia cấp độ 1. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bà con nhân dân được đảm bảo. Xã cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn minh, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tuân thủ các qui định của chính quyền địa phương; đổi mới hình thức tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống mới; tích cực đào tạo nghề và chú trọng tìm việc làm cho lao động nông thôn. Hiện, tỷ lệ lao động trên địa bàn xã đã qua đào tạo đạt trên 25%.
Cùng đó, đến nay, 10/11 thôn ở xã Hưng Thịnh đã xây dựng xong nhà văn hóa; tất cả 11 thôn đều đã ra mắt làng văn hóa, trong đó có 4 thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, hai năm qua, xã đã hỗ trợ cho 5 hộ chăn nuôi theo hướng hàng hóa với tổng số tiền là 100 triệu đồng, hỗ trợ con giống cho 41 hộ nghèo chăn nuôi tại gia đình. Cùng đó, xã đã làm tốt việc quy hoạch vùng sản xuất theo mô hình hàng hóa như: vùng chè, vùng tre măng Bát độ và rừng kinh tế...
Sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, Hưng Thịnh đã thực hiện đạt 8/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn của xã đã có diện mạo mới, không những có đường đi thoáng đãng, cơ sở hạ tầng, điện, trường, trạm khang trang mà đời sống kinh tế của nhân dân cũng đã nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Gia Hồng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hưng Thịnh chọn khâu đột phá trong việc triển khai XDNTM là xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền, nhân dân quyết tâm XDNTM. Trong thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo nhân dân tiếp tục tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững".
Năm 2014, Hưng Thịnh sẽ phấn đấu đạt thêm 5 tiêu chí NTM nữa, là các tiêu chí về điện, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa và môi trường. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể và tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp tích cực hơn nữa để việc XDNTM trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu hiệu quả cao hơn; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh toàn diện để giúp địa phương sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Vàng Mai
Các tin khác
YBĐT - La Pán Tẩn bắt tay và xây dựng nông thôn mới với quyết tâm cao. Tuy nhiên, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, trong khi các tiêu chí xây dựng nông thôn mới lại quá xa vời với đặc thù điều kiện kinh tế vùng cao, khiến nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã La Pá Tẩn, huyện Mù Cang Chải khó có khả năng đạt như dự định...
YBĐT - Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong suốt hơn ba năm qua, Yên Bái đã triển khai một cách đồng bộ và đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Hàng trăm công trình đường giao thông, cầu, cống, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... được xây dựng khang trang, kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch đúng hướng. Quan trọng hơn là đã có sự vào cuộc của cả cộng đồng dân cư, đặc biệt là sự huy động sức dân vào Chương trình.
YBĐT - Phù Nham là một trong 5 xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới ở huyện Văn Chấn giai đoạn 2011 - 2015. Có thể nói, đối với đội ngũ cán bộ và người dân trong xã thì đây vừa là cơ hội vừa là thách thức.
YBĐT - Là 1 trong 11 xã của tỉnh được chọn làm điểm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, sau 3 năm triển khai, bộ mặt nông thôn của xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) đã có nhiều thay đổi đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, hệ thống cơ sở hạ tầng dân sinh đã được đầu tư xây dựng khang trang.