Văn Chấn: Phát triển mạnh giao thông nông thôn
- Cập nhật: Thứ tư, 5/11/2014 | 2:50:51 PM
YBĐT - Huyện Văn Chấn xác định, muốn phát triển kinh tế, nhất là tại các vùng chuyên canh như: chè, cam, ngô, quế và trồng cao su, trồng rừng kinh tế... cần phải ưu tiên phát triển giao thông nông thôn (GTNT). Có hệ thống GTNT thuận tiện, khoảng cách giữa các vùng sẽ gần lại, thuận lợi cho giao thương, trao đổi và nâng cao giá trị hàng hóa.
Người dân thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La chung sức làm đường giao thông nông thôn.
|
Xã Thượng Bằng La có vùng cam hàng hóa và diện tích rừng trồng khá lớn. Nguồn thu từ cam, rừng kinh tế đã giúp nhiều hộ dân không những xóa được đói, giảm được nghèo mà còn trở thành những triệu phú, tỷ phú. Để thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa, vận chuyển nông sản, nâng cao giá trị hàng hóa, xã đã tuyên truyền, vận động người dân mở đường GTNT.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã kiên cố 4km đường liên thôn, mở mới và nâng cấp 45,5km đường đất. Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", việc phát triển GTNT ở Thượng Bằng La được người dân đồng tình ủng hộ. Người dân trong xã đã hiến 3.700m2 đất, phá dỡ 7.600m2 các công trình, vật kiến trúc cùng nhiều cây cối, hoa màu để làm đường.
Ông Đoàn Ngọc Nhất - Phó chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La phấn khởi cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng được người dân ủng hộ nên phong trào làm đường phát triển mạnh. Người dân ý thức rằng, giao thông thuận lợi, kinh tế - xã hội mới phát triển”. Chẳng thế mà, từ khi có 3km đường cấp phối vào tận cuối thôn Thiên Tuế, 2 năm qua, gần 10 hộ dân tại đây giao thương thuận lợi hơn rất nhiểu.
Bà Vũ Thị Lợi - Bí thư Chi bộ thôn Thiên Tuế nói: "Có đường mới, chúng tôi đi lại dễ dàng hơn, trẻ em trong xóm không phải nghỉ học khi trời mưa, bão. Mùa thu hoạch cam, quýt và khai thác rừng, tư thương có thể đánh cả xe ô tô vào tận vườn và chân đồi để thu mua, người dân không phải gánh cam và dùng xe trâu chở gỗ vài cây số ra đường lớn, giá cả cao hơn lại không bị ép như trước".
Có tới 62% hộ nghèo, mỗi năm, Nhà nước phải hỗ trợ 9 tấn gạo cứu đói nên công tác phát triển hệ thống đường GTNT ở xã vùng cao Sùng Đô còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề, xã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến đất, ngày công để mở mới và tu sửa các tuyến đường. Những năm trước, trên 120 hộ dân ở hai thôn Làng Mảnh và Giàng Pằn muốn xuống trung tâm xã, huyện phải men theo con đường mòn, những ngày mưa không đi được.
Năm 2014, thực hiện Đề án phát triển GTNT, xã đăng ký mở 2,5km tuyến đường này. Khi mở đường, đông đảo người dân ủng hộ, đi đầu là Trưởng thôn Giàng Pằn - Giàng A Châu tự nguyện hiến 300m2 ruộng hai vụ và 17 gốc chè cổ thụ. Ngoài ra, để mở tuyến đường thôn Nà Nọi - Ngã Hai dài 1,8km, người dân đã hiến trên 3.000m2 ruộng hai vụ và hàng nghìn ngày công lao động.
Cùng với việc mở mới, xã Sùng Đô thường xuyên tu sửa, bảo dưỡng các tuyến đường còn lại. Vừa qua, xã vận động mỗi hộ dân, mỗi giáo viên đóng góp 50.000 đồng, cán bộ xã đóng góp 1 ngày lương, tu sửa tuyến đường trục xã. Ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô nói: “Cán bộ vận động nhiều, bà con cũng hiểu tầm quan trọng của đường giao thông. Có đường rồi, không phải đi bộ, đi ngựa nữa mà lúc đó có ô tô, xe máy, kinh tế sẽ phát triển, đồng bào sẽ bớt đói nghèo”.
Năm 2014, huyện Văn Chấn phấn đấu mở mới 73km, rải cấp phối 46km, bê tông hóa 55km đường GTNT. Ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai kế hoạch đến các xã, thị trấn, đồng thời, khuyến khích các địa phương có nhiều hình thức huy động đầu tư linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. 9 tháng qua, tổng mức đầu tư cho phát triển GTNT của huyện đạt 64,7 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án 49,3 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 15,4 tỷ đồng. Huyện đã mở mới 68km đường giao thông liên thôn, bản, bê tông hóa 20,5km đường GTNT, làm 35km đường cấp phối, tu sửa 160km đường liên thôn, bản và sửa chữa 10 cầu treo xuống cấp.
Tuy đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng công tác phát triển GTNT của Văn Chấn vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, tuyến Tập Lăng 2, xã Suối Giàng có khoảng trên 4.000m3 đá chưa phá nên không thông được xe ô tô; theo thiết kế mới của Sở Giao thông vận tải tỉnh, năm 2014, không có hỗ trợ về móng và phần lu, lèn nền đường, để bảo đảm độ bền công trình, huyện phải bỏ kinh phí làm công việc này; do đặc thù huyện vùng cao, đơn giá vận chuyển vật liệu cao hơn so với giá Nhà nước quy định… Vì vậy, Văn Chấn rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh cũng như các sở, ban, ngành liên quan để phong trào làm đường GTNT ngày càng phát triển, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, xóa đói, giảm nghèo, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Cũng như nhiều địa phương khác, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên không có tiềm năng và lợi thế gì đặc biệt, nhưng sau 3 năm thực hiện, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí và chắc chắn về đích trong năm 2015.
YBĐT - Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công nội dung Nghị quyết số 26/NQ-TW mà Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã đề ra về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và hưởng ứng tích cực của nhân dân khắp các tỉnh, thành cả nước.
YBĐT - Việc thực hiện các tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Trạm Tấu đòi hỏi phải có một quyết tâm chính trị rất cao. Bên cạnh sự đồng thuận, tích cực tham gia đóng góp của nhân dân thì sự hỗ trợ của Nhà nước là yếu tố quan trọng giúp huyện vùng cao Trạm Tấu cán đích nông thôn mới vào thời gian sớm nhất.
YBĐT - Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã hoàn thành 10/19 tiêu chí. Tuy nhiên, để Yên Hưng thực sự chuyển mình, tạo ra bộ mặt NTM vẫn còn rất nhiều việc phải làm.