Đồng thời, chú trọng huy động nguồn lực trong nhân dân và sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư của Nhà nước để xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế từng thôn.
Cùng đó, xã chú trọng tuyên truyền, vận động, phát huy tính dân chủ trong cách triển khai; qua đó, tạo được sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, nhân dân và không làm theo hình thức, không huy động sự đóng góp quá sức dân.
Vì thế, nhiều tiêu chí tưởng khó thực hiện nhưng với sự vào cuộc tích cực của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân nên chỉ sau 3 năm, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được thẩm định trong tháng 11 để UBND tỉnh công nhận xã NTM vào tháng 12.
Hoàn thành các tiêu chí NTM là rất quan trọng, nhưng cái được lớn nhất trong xây dựng NTM ở Phúc Lộc chính là tư duy mới, cách làm ăn mới trong phát triển kinh tế. Là xã thuần nông, nên phát triển nông lâm nghiệp là hướng đi được xác định bền vững, lâu dài.
Vì vậy, thông qua các chương trình hỗ trợ, xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Với 32 ha lúa, nhân dân đã đưa các giống lúa lai, lúa thuần vào sản xuất khá hiệu quả nên sản lượng thóc đạt 232 tấn. Hàng chục héc - ta đất soi bãi, đất màu, nhân dân trồng mía, rau đậu đặc sản như bí ngô siêu ngọn, su su lấy ngọn và các loại rau hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Điển hình như gia đình chị Nhung ở thôn 4 có trên 3 sào đất soi bãi, chị đưa cây mía vào trồng và mía phát triển tốt, chất lượng cao. Sau mỗi vụ mía, trừ chi phí chị thu về 50 - 60 triệu đồng tiền lãi và cao hơn trồng lúa cả chục lần.
Cùng với trồng mía, chị Nhung còn chăn nuôi gà thịt, lợn, nuôi ong mật nên từ một gia đình nghèo nay trở thành hộ khá giả với thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Nói đến Phúc Lộc, còn phải nói đến nghề làm miến. Tuy không rầm rộ như xã Giới Phiên cùng thành phố Yên Bái, nhưng miến ở đây cũng ngon nổi tiếng từ lâu và được người tiêu dùng ưa chuộng. Cả xã có hơn 20 hộ làm miến với "bí quyết” riêng cùng với sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm nên miến làm đến đâu tiêu thụ ngay đến đó.
Gia đình anh Tăng Kế Long ở thôn 1 là hộ điển hình làm miến. Mỗi năm anh sản xuất trên dưới 20 tấn miến và sau trừ chi phí còn thu lãi trên 130 triệu đồng - một nguồn thu không nhỏ ở một xã thuần nông.
Nhân dân xã Phúc Lộc còn phát triển mạnh chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm với hàng chục mô hình rất hiệu quả. Đó là cơ sở, nền tảng cho Phúc Lộc phát triển kinh tế bền vững. Từ cách nghĩ, cách làm và thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, đến nay, số hộ giàu và khá chiếm trên 60%; hộ nghèo giảm còn 8,3%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 33,42 triệu đồng/người/năm...
Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng là nền tảng quan trọng cho Phúc Lộc phát triển, xây dựng NTM bền vững.
Ngọc Trúc