Thôn Đình Xây hiện có 121 hộ dân, Chi bộ có 21 đảng viên. Nhằm làm tốt công tác xây dựng Đảng, những năm qua, Chi bộ thôn đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các đảng viên, giúp cán bộ, đảng viên trong Chi bộ tin tưởng thêm vào lập trường và quan điểm của Đảng.
Chi bộ luôn đoàn kết thống nhất làm việc với phương châm tập trung dân chủ, đổi mới cách làm việc để xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Không những thế, các đoàn thể trong thôn luôn đoàn kết và nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia phát triển kinh tế.
Toàn thôn có hơn 12 ha đất trồng dâu và 8 ha đất trồng 2 vụ lúa, người dân đã tích cực chủ động trong sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Lê Văn Tiến là một trong những hộ tiên phong trong phong trào trồng dâu nuôi tằm, không chỉ riêng ở thôn Đình Xây mà còn của xã Báo Đáp từ năm 2002. Khởi đầu, gia đình chỉ có 3 sào đất màu trồng dâu. Thấy hiệu quả kinh tế từ nghề này, ông đã quyết định mua thêm đất soi bãi và thuê đất sản xuất của các hộ dân trong xã để trồng dâu.
Ông Tiến chia sẻ: "Hiện nay, gia đình có hơn 1 mẫu đất trồng dâu, mỗi lứa nuôi từ 2,5 đến 3 vòng tằm và nuôi gối lứa. Sau khi trừ chi phí, hàng năm, thu về hơn 100 triệu đồng”.
Đồng chí Nguyễn Văn Kiểm - Bí thư Chi bộ thôn Đình Xây cho biết: "Là thôn có thế mạnh về trồng dâu nuôi tằm ở Báo Đáp, từ năm 2011, thôn đã thành lập được tổ hợp tác sản xuất để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về trồng dâu nuôi tằm, kịp thời phát hiện và xử lý các loại dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất”.
Đặc biệt, hiện nay, chuỗi liên kết trong sản xuất được hình thành, mỗi hộ dân chuyên sâu sản xuất một khâu. Hàng năm, người dân trong thôn thu về trên 30 tấn kén và hơn 2.200 vòng trứng tằm đã đem lại thu nhập khoảng 4 tỷ đồng. Cây dâu, con tằm giờ đã trở thành một trong những cây kinh tế mũi nhọn, đem lại thu nhập bền vững và làm giàu cho người dân nơi đây.
Ngoài ra, trong thôn còn có 13 hộ tham gia làm vườn ươm cây giống với các loại cây giống chủ lực như: quế, keo và bồ đề… cung cấp nguồn cây giống cho bà con ở địa phương và các tỉnh lân cận với thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Những hộ dọc tỉnh lộ Yên Bái-Khe Sang ít đất sản xuất đã năng động chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng việc phát triển các mô hình kinh doanh dịch vụ, qua đó tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trong thôn.
Đến nay, thôn không còn nhà tạm, nhà dột nát, 100% nhà ở dân cư đạt kiên cố. Công tác vệ sinh môi trường thực hiện tốt, các tuyến đường, liên thôn, nội thôn được kiên cố hóa. Nhân dân xây dựng tuyến đường hoa, đường điện bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh đó, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đang phát triển mạnh và đi vào chiều sâu, an ninh trật tự được giữ vững, bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày. Không chỉ vậy, được sự đồng thuận cao của nhân dân, nhiều công trình có giá trị đã được hoàn thành như: nhà văn hóa, các thiết chế văn hóa, khuôn viên và sân hội trường thôn được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để sớm xây dựng thành công thôn nông thôn mới kiểu mẫu của Báo Đáp, năm 2019, Chi bộ thôn Đình xây tiếp tục, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của các đảng viên, lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó phấn đấu trồng mới 3,5 ha dâu để nâng tổng diện tích dâu của thôn lên 16 ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% và 100% số hộ đăng ký đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”.
Thu Hằng - Bích Lân