Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó có thể tin Hát Lừu giờ đã có những con đường bê tông cứng hóa trải dài đến từng thôn, từng ngõ. Những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang mọc lên san sát; không khí hăng say thi đua lao động có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu.
Bà con Hát Lừu chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, với tổng diện tích 221 ha. Nếu như trước đây, bà con chỉ cấy 1 vụ thì nay được chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, bà con đã biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương cấy 2 vụ/năm với nhiều giống lúa cho năng suất, chất lượng cao: DS1, Nếp 87, 305...
Mới đây, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, bà con trong xã đưa vào canh tác 20 ha lúa tẻ đỏ với năng suất đạt 45 tạ/ha; giá thành 100.000 đồng/10 kg.
Chị Lò Thị Xôm ở thôn Hát 2 cho biết: "Gia đình tôi sau khi đưa vào cấy giống lúa tẻ đỏ đã nhận thấy hiệu quả, năng suất vượt trội của giống lúa này; đồng thời, mong muốn có thể phát triển giống lúa tẻ đỏ trở thành đặc sản vùng miền của Trạm Tấu”.
Đây cũng là điều kiện để huyện chọn xây dựng Hát Lừu làm mô hình điểm theo chỉ tiêu thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy.
Bên cạnh việc đưa các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, các mô hình chăn nuôi quy mô lớn ở Hát Lừu cũng mang lại hiệu quả rõ rệt, tiêu biểu như các hộ: ông Hoàng Đình Văn, thôn Lừu 2 nuôi 12 con bò, 100 con lợn thịt; anh Lò Văn Tằn, thôn Lừu 1 nuôi 12 con bò; bà Lò Thị Tĩnh, thôn Lừu 2 nuôi 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35% năm 2017 xuống 29,2% năm 2018; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11 triệu đồng năm 2017 lên 20,2 triệu đồng năm 2018.
Để đạt mục tiêu "cán đích” NTM vào năm 2020, Đảng bộ, chính quyền xã không ngừng phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân. Qua đó, là xã vùng cao đặc biệt khó khăn nhưng phong trào hiến đất làm đường ở Hát Lừu lại rất sôi nổi. Điển hình như ông Lò Văn Bàn, thôn Hát 2, hiến 500 m2; bà Hoàng Thị Đội, thôn Hát 2 hiến 500 m2 kiên cố hóa, xây dựng đường giao thông nông thôn; ông Hoàng Văn Xọng, thôn Hát 2, hiến 200m2 đất làm nhà văn hóa; gia đình ông Lò Văn Đội, thôn Hát 2 hiến 400 m2 đất làm trạm xá…
Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, xã Hát Lừu còn vận động nhân dân đóng góp gần 190 triệu đồng và hàng nghìn ngày công giúp nhau xóa nhà tạm, xây tường rào trường học, sân chơi thể thao; hoàn thành mở rộng và bê tông hóa 2 tuyến đường nội đồng tại thôn Lừu 1, Lừu 2 với chiều dài 1,8 km; triển khai làm 4 nhà đại đoàn kết, hoàn thành 1 nhà dạy học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Lừu; đóng góp tiền, ngày công, vật liệu làm sân thể thao thôn Lừu 2, trị giá trên 100 triệu đồng; vận động nhân dân đóng góp gần 90 triệu đồng để xây dựng tường rào Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Hát…
Trong quá trình XDNTM, Đảng bộ xã Hát Lừu đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích và vai trò, trách nhiệm trong XDNTM.
Ông Đồng Văn Lả - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: "XDNTM đã mang đến một làn gió mới, diện mạo mới cho xã và niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất, tinh thần. Các hộ hăng hái thi đua xây dựng đời sống văn hóa; lao động, sản xuất nâng cao đời sống; các công trình phúc lợi, trường học, y tế, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, kiên cố; con em trong xã được học trong phòng học sạch đẹp; nhiều công trình giao thông nông thôn in đậm dấu ấn của cộng đồng dân cư…”.
Mai Linh