Dẫn chúng tôi đi tham quan những tuyến đường liên thôn mới được bê tông hóa, ông Đào Văn Bộ - Chủ tịch UBND xã Lâm Giang cho biết: đến nay, xã có 19,7 km đường từ trung tâm xã đến đường huyện được rải nhựa. Đường liên thôn có 16 km được bê tông, đường ngõ xóm có 30,432 km, trong đó, đã rải bê tông 13,7 km, cấp phối 16,6 km; nhờ đó, nhân dân cả 12 thôn đi lại rất thuận lợi”.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trên cơ sở công khai minh bạch, xã đưa những nội dung cụ thể, quan trọng ra để bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến thông qua các buổi họp dân. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy với phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, sao cho mỗi tiêu chí, mỗi công trình trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở địa phương, nhân dân đều nhận thức được đó là của dân, do dân và vì dân; nhờ đó, đến nay, xã Lâm Giang đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, để tạo đà phát triển kinh tế, xã đã quy hoạch 3 vùng phát triển kinh tế theo tiềm năng của từng vùng. Cụ thể, vùng trồng cây lâm nghiệp gắn với chăn nuôi đại gia súc gồm các thôn: Trục Ngoài, Trục Trong, Khay Dạo, Ngòi Cài đều là những thôn có diện tích rừng lớn, nhiều bãi chăn thả đại gia súc.
Vùng phát triển cây ăn quả diện tích khoảng 150 ha gồm các thôn: Thọ Lâm, Phú Lâm, Phúc Linh, trong đó, chú trọng cây nhãn và tập đoàn cây ăn quả có múi. Vùng cây màu tập trung phát triển cây truyền thống như ngô, đậu, sắn... tại các thôn: Vĩnh Lâm, Bãi Khay, Khe Bút, Ngũ Lâm, Hợp Lâm.
Với việc quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất theo thế mạnh, đã tạo điều kiện trong chỉ đạo từng bước thay đổi các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Cùng với việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tích cực đổi mới cây giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Để người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi cho nhân dân.
Xã cũng chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể phối hợp với các ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Hiện, xã có 1.650 con trâu, bò, duy trì 44 mô hình chăn nuôi, trong đó, có 25 mô hình trâu, bò, 7 mô hình nuôi lợn thịt số lượng từ 35 con trở lên, 6 mô hình chăn nuôi lợn nái từ 10 con trở lên, 11 mô hình nuôi ong lấy mật, 4 mô hình chăn nuôi dê… góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30,2 triệu đồng/năm.
Từ phát triển chăn nuôi gia súc đã góp phần không nhỏ vào việc giảm nghèo của xã và đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 10,9%. Với quan điểm, XDNTM là nhiệm vụ lâu dài, khối lượng công việc khổng lồ, kinh phí đầu tư lớn, nếu không biết vận dụng sức mạnh trong dân thì khó có thể thành công, nên mỗi tổ chức, đoàn thể của xã đã có một cách làm, cách tiếp cận riêng.
Mặt khác, xã cũng phát huy tối đa Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong quần chúng nhân dân, tích cực hưởng ứng góp sức, ngày công, tiền của, hiến đất, tài sản trên đất trong xây dựng giao thông nông thôn.
Từ khi bắt tay vào XDNTM, đến nay, tổng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân đạt 190,8 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 93,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 97,6 tỷ đồng.
Ông Đào Văn Bộ - Chủ tịch UBND xã Lâm Giang chia sẻ: "Hoàn thành XDNTM là niềm tự hào của cả xã, trong đó, có công rất lớn từ phía người dân. Sắp tới, xã tiếp tục vận động nhân dân nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, tiếp tục chung sức xây dựng những con đường hoa ở các ngõ xóm”.
Được biết, xã Lâm Giang vừa hoàn thành đánh giá các tiêu chí NTM và dự kiến đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối tháng 5/2019".
Anh Dũng