Với mục tiêu phấn đấu năm 2020 có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng xã Thượng Bằng La thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, những năm qua, tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, khu vực nông nghiệp, nông thôn của huyện Văn Chấn đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cải thiện đáng kể về cả vật chất lẫn tinh thần.
Chấn Thịnh là một trong 2 xã của huyện Văn Chấn được chọn để hoàn thành xã NTM năm 2019. Với đặc thù của xã thuần nông còn nhiều khó khăn, song nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình XDNTM, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương.
Bởi vậy, trong 8 năm triển khai, thực hiện XDNTM, Chấn Thịnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa, lựa chọn những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất tập trung kinh tế mũi nhọn cho các nông sản chủ lực như cây lúa, chè, cây lấy gỗ, cây lấy tinh dầu (quế), cây ăn quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích cho nhân dân trong xã.
Nhờ đó, đến nay, xã duy trì ổn định trên 223 ha lúa, tập trung chỉ đạo nhân dân gieo cấy 70% là giống lúa thuần chất lượng cao và 30% là giống lúa lai mang lại hiệu quả kinh tế ổn định về thu nhập; duy trì 290 ha diện tích chè kinh doanh; duy trì trên 1.600 ha cây lâm nghiệp và cây lấy dầu; chuyển đổi 98 ha diện tích cây trồng thay thế những diện tích đất chè kém hiệu quả chuyển sang trồng cam, bưởi, chanh cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha; nhân rộng các mô hình chăn nuôi cho thu nhập về từ 400 - 500 triệu đồng/năm.
Sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, bộ mặt nông thôn ở Chấn Thịnh đã có nhiều đổi thay, xã đã huy động được gần 97 tỷ đồng XDNTM, trong đó, nhân dân đóng góp trên 11 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa khác. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 8,11% thu nhập bình quân đầu người tăng lên 34,2 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao.
Ông Hoàng Quý Kiệt - Phó Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết: vận dụng linh hoạt các chính sách, chương trình, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã tập trung vận động nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, thực hiện dân chủ, minh bạch, công khai trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, nhiều hạng mục, chương trình tưởng chừng khó khăn nhưng đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Thời điểm này, xã Chấn Thịnh đã đạt 19/19 tiêu chí NTM.
Với mục tiêu phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí ở 7 xã hoàn thành XDNTM, trong năm 2019 phấn đấu 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Chấn Thịnh, Sơn A; Ban Chỉ đạo XDNTM huyện Văn Chấn tập trung chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến cơ sở triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: để hoàn thành các tiêu chí theo quy định, huyện sẽ lồng ghép, cân đối các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, nguồn vốn từ Chương trình 135… để phân bổ cho các xã và ưu tiên đặc biệt đối với các xã phấn đấu hoàn thành XDNTM năm 2019.
Cùng đó, chỉ đạo các địa phương tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất; tập trung thâm canh, cải tạo diện tích chè kinh doanh vùng thấp và chè shan vùng cao; phát triển mạnh vùng cây ăn quả có múi ở những xã có điều kiện phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; phát triển mở rộng diện tích một số cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện, giúp cho nhân dân phát triển kinh tế.
Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, toàn huyện có gần 575 km đường giao thông nông thôn, bê tông hóa được trên 177 km, rải cấp phối trên 216 km, đường mở mới gần 181 km.
Đến hết năm 2018, có 17/28 xã đạt tiêu chí về giao thông. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã biết khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế riêng của mình như cánh đồng Mường Lò để sản xuất lúa gạo hàng hóa; phát triển đa dạng các loài cây trồng, vật nuôi, trong đó, có một số loại đặc sản như: chè Suối Giàng, cam, gạo nếp Tú Lệ... mang lại hiệu quả kinh tế cao; hình thành nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm từ vùng thấp đến vùng cao, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo.
Hoài Linh