Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) Trấn Yên gặp không ít khó khăn, cơ sở vật chất vừa thiếu vừa yếu không đáp ứng cho phát triển. Các xã chủ yếu là thuần nông, xuất phát điểm thấp.
Song với sự quyết tâm cao, Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM cấp huyện, xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể cho từng xã. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện đồng bộ các giải pháp; tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM.
Nhờ vậy, đến hết tháng 4/2019, huyện Trấn Yên đã có 15 xã đạt chuẩn NTM, bằng 71,4% số xã và có thêm xã Quy Mông đã hoàn thành 19/19 tiêu chí đang đề nghị UBND tỉnh công nhận. Hiện, còn 5 xã thì có 3 xã là: Lương Thịnh, Việt Hồng và Hòa Cuông đã đạt 16 - 18 tiêu chí; xã Hồng Ca, Kiên Thành đạt 12 - 15 tiêu chí.
Huyện phấn đấu trong năm 2019 tất cả các xã trên địa bàn đạt xã NTM. Đối với các xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM. Năm 2019, có 5 xã đã rà soát đánh giá và đăng ký xây dựng xã NTM nâng cao là: Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành và Minh Tiến.
Huyện đã xây dựng Đề án và thực hiện xây dựng xã Việt Thành thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020. Đối với việc thực hiện tiêu chí huyện NTM, đến tháng 5/2019 huyện đã cơ bản đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM gồm: giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự, chỉ đạo XDNTM; còn 3 tiêu chí chưa đạt là: quy hoạch, y tế - văn hóa - giáo dục và môi trường.
Nổi bật nhất là đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đảm bảo có quy mô, liên xã, phù hợp điều kiện địa phương; áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững; các khâu sản xuất được cơ giới hóa đồng bộ, nhất là chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Đã có nhiều mô hình sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên 10% với các hình thức: có hợp đồng thu mua sản phẩm được ký kết giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân với doanh nghiệp; hai là có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ký giữa nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi từ sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ.
Tiêu biểu trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững phải nói đến vùng tre măng Bát độ 3.000 ha, vùng quế 15.000 ha, vùng dâu tằm 500 ha, vùng cây ăn quả có múi 700 ha…
Bên cạnh đó, trong chăn nuôi cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo. Toàn huyện có 592 cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn (298 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 243 cơ sở chăn nuôi lợn, 38 cơ sở chăn nuôi gia súc và 13 cơ sở chăn nuôi thỏ).
Việc thực hiện đổi mới mô hình sản xuất theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và liên kết sản xuất đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ đó, đã giúp nhiều hộ dân làm giàu chính đáng, nhân dân chủ động tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất.
Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được phát huy, toàn huyện có 35 tổ hợp tác trồng chế biến chè, quế, măng tre Bát độ, nuôi trồng thủy sản. 35 HTX với 410 thành viên, có tổng số vốn hoạt động trên 24 tỷ đồng, các HTX tích cực đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua chế biến nông lâm sản cho người dân nông thôn và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Trấn Yên phấn đấu trong năm 2019 này 100% số xã hoàn thành các tiêu chí về NTM và huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra huyện cần tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và thực hiện Đề án XDNTM. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cơ sở đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chú trọng phát triển sản xuất, đổi mới các hình thức sản xuất và các hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Thanh Phúc