Kết quả này có được là bởi ngay từ khi bắt tay vào thực hiện XDNTM, Đảng bộ, chính quyền xã đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, chương trình tổng thể mang tính dài hạn nên đã huy động tối đa mọi nguồn lực dồn sức tập trung thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: "Ban Chỉ đạo XDNTM của xã thường xuyên cập nhật, triển khai kịp thời các chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh, UBND huyện, các văn bản hướng dẫn của ngành chức năng về thực hiện XDNTM tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Hàng năm, xã tiến hành đánh giá, rà soát thực trạng các tiêu chí; xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn; xây dựng đồ án quy hoạch và có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.
Trong quá trình XDNTM, Đảng bộ, chính quyền xã An Bình luôn chú trọng thực hiện theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; thường xuyên tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân; chỉ đạo, phân công cán bộ, công chức có năng lực, kinh nghiệm về thôn, bản làm công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, cách thức tiến hành XDNTM, giúp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM; từ đó, phát huy vai trò chủ thể trong XDNTM; hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí về XDNTM và biểu dương, khen thưởng các gia đình, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong XDNTM để nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên toàn xã.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, xã đã tập trung huy động nội lực trong nhân dân để làm đường giao thông, xây dựng chợ trung tâm, trường học, sân vận động, nhà văn hóa thôn, cầu qua suối, hệ thống điện, bãi tập kết rác thải... Trên địa bàn xã, có nhiều hộ tuy điều kiện kinh tế chưa thực sự khá giả, song cũng sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hộ ít thì hiến vài chục mét vuông đất, hộ nhiều thì hiến tới hàng trăm mét vuông đất. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Lê Tuấn, thôn Hoa Nam hiến 180 m2 đất ruộng; bà Trần Thị Thích, thôn Trái Hút hiến 200 m2 đất vườn; ông Nguyễn Văn Chờ, thôn Khe Măng hiến gần 120 m2 đất…
Cùng với huy động nội lực trong nhân dân, Đảng bộ xã An Bình đã chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế của tỉnh. Đến nay, xã An Bình đã hình thành được vùng trồng sắn nguyên liệu với diện tích 450 ha, quế gần 500 ha, tre măng Bát độ 120 ha, ngô hơn 200 ha... Trong xã, hầu hết các hộ đều biết kết hợp phát triển chăn nuôi với trồng trọt, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tiêu biểu như gia đình anh Triệu Văn Tấn và Đặng Văn Trung (thôn Khe Rồng), anh Nguyễn Văn Nam, thôn Khe Măng, anh Huỳnh Cao Đại, thôn Cầu Cao…
Với mục tiêu đến đầu năm 2020, xã được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,48%, hiện, Đảng bộ, chính quyền xã An Bình đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung phát triển giao thông nông thôn và cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế; phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa...
Hồng Oanh