Cái khó khăn nhất ở xã vùng cao nói chung và Kiên Thành nói riêng là giao thông nông thôn, nhưng với tinh thần phát huy nội lực cùng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đến nay 100% tuyến đường trục chính của xã đã được cứng hóa, 92% tuyến đường trục thôn và xóm cũng đã được bê tông hóa… hầu hết các tuyến đường kể cả ngõ, xóm đã cơ bản đáp ứng cho phát triển sản xuất. Giao thông phát triển tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa, đi lại của người dân, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Không chỉ phấn khởi vì hạ tầng kinh tế nông thôn phát triển mà hơn cả là từ xây dựng NTM người dân trong xã đã có những tư duy mới trong sản xuất, tích cực tham gia kinh tế tập thể, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sản xuất có liên doanh liên kết theo chuỗi giá trị như trong trồng quế, sản xuất măng tre Bát độ, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Thành công nhất trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chính là sự liên kết giữa người dân xã Kiên Thành với hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất măng tre Bát độ. Từ vài héc-ta tre măng được trồng thử nghiệm năm 2003, đến nay đã có trên 80% hộ dân ở Kiên Thành trồng tre măng Bát độ với diện tích trên 1.600 ha.
Cây tre măng Bát độ đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở xã vùng cao này. Gia đình ông Dương Kim Hưng, thôn Đá Khánh, trồng 7 ha tre măng Bát độ, mỗi năm thu trên 100 tấn măng, thu về trên 200 triệu đồng. Hay gia đình ông Hà Xuân Tạo ở thôn Kiên Lao chuyển 4 ha rừng trồng bồ đề sang trồng tre măng Bát độ, chỉ sau 2 năm tre đã ra măng và cho thu nhập, từ năm thứ 3 trở đi mỗi héc-ta cho thu 20 tấn măng, bình quân mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lãi cả trăm triệu đồng.
Năm 2018, sản lượng măng toàn xã đạt 30.000 tấn, thu về trên 50 tỷ đồng; năm 2019 này doanh thu đạt không dưới 55 tỷ đồng - một con số không nhỏ ở một xã vùng cao.
Nhờ đó thu nhập người dân được nâng lên, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32,2 triệu đồng/năm; tính đến thời điểm tháng 10/2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,1%.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhân dân các dân tộc trong xã đã đồng lòng hiến đất, góp công, góp của làm giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng nguồn vốn đầu tư trong xây dựng NTM là 101 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 15 tỷ đồng mở mới, bê tông hóa hàng chục ki-lô-mét đường giao thông, thủy lợi... Đến 10/2019 xã Kiên Thành đã đạt 19/19 tiêu chí trong xây dựng NTM.
Xây dựng NTM đã góp phần đưa xã vùng cao Kiên Thành từ một xã khó khăn, nghèo nàn lạc hậu trở thành một xã phát triển toàn diện, bền vững. Là tiền đề vững chắc để Kiên Thành tiếp tục giữ vững, nâng cao các tiêu chí xã NTM và sớm trở thành xã NTM kiểu mẫu.
Ngọc Trúc