Ông Hoàng Văn Minh hơn 20 năm làm Trưởng thôn Làng Đát phấn khởi cho biết: "Thôn tôi có 156 hộ dân với 538 nhân khẩu và trước đây đường sá đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Nhờ XDNTM mới, đã huy động được sức người, sức của của nhân dân nên cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp. Đời sống người dân chúng tôi được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 36 triệu đồng và trong thôn chỉ còn 1 hộ nghèo nhưng nằm trong kế hoạch xóa nghèo của năm tới”.
Xã Đại Đồng có 5 thôn, với 7 dân tộc sinh sống và dân tộc Kinh chiếm 85%. Năm 2011, khi bắt tay vào XDNTM, xã có xuất phát điểm thấp: tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp, nhiều tuyến đường giao thông còn lầy lội chưa đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.
Với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đóng góp tham gia XDNTM. Đồng thời, lồng ghép, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng cường thu hút doanh nghiệp phát triển vào nông - lâm nghiệp.
Tính từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động 79 tỷ 243 triệu XDNTM; trong đó, huy động đóng góp của cộng đồng dân cư đạt hơn 11 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông thuận tiện cho người dân đi lại, thúc đẩy giao thương, tạo tiền đề phát triển kinh tế.
Đến nay, các tuyến đường xã, đường trục thôn, liên thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa; đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, điện sản xuất, sinh hoạt, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục.
Bên cạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, để nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, Đại Đồng đã tập trung đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo đó, xã đã xây dựng được 18 mô hình chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn; chuyển đổi 10 ha ruộng kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá; trồng trên 40 ha cây ăn quả như: bưởi, cam Vinh, V2, ổi lê Đài Loan cho giá trị kinh tế cao; trong đó, nhiều hộ đã có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Chú trọng đầu tư trồng rừng và coi đó là thế mạnh kinh tế của địa phương. Đến nay, trong xã đã xuất hiện nhiều triệu phú rừng và nhiều hộ sản xuất giống cây lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Phạm Thị Sỹ - một hộ ươm cây giống ở thôn Hương Lý chia sẻ: "Năm 2016, gia đình tôi bắt tay vào làm vườn ươm cây giống. Vừa làm vừa học hỏi và tham gia các lớp tập huấn, tôi đã dần tích lũy kinh nghiệm, mở rộng quy mô vườn ươm”.
Hiện, gia đình chị Sỹ là một trong những hộ ươm cây với số lượng lớn của địa phương và mỗi năm ươm khoảng trên 70 vạn bầu quế, sau khi trừ chi phí còn cho thu nhập từ 170 đến 180 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho từ 7 đến 8 lao động với mức thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, nhờ chính sách hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế của tỉnh, huyện, nhân dân đã tích cực tham gia phát triển các mô hình kinh tế, thành lập các tổ, nhóm sản xuất hỗ trợ lẫn nhau vươn lên làm giàu chính đáng.
Hiện, trên địa bàn xã có 1 Hợp tác xã Du lịch hồ Thác Bà và 18 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Cùng đó, xã đã phối hợp với Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát xây dựng chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ keo.
Nhờ tập trung phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 đạt 36,8%/người; tỷ lệ hộ nghèo của xã là 0,65%.
Với quan điểm XDNTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, sau khi về đích NTM, Đại Đồng tiếp tục phát huy nội lực, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân chung sức XDNTM để nâng cao các tiêu chí với mục tiêu xây dựng Đại Đồng trở thành xã NTM thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước đồng bộ và hiện đại.
Văn Thông