Yên Bình: Những miền quê đáng sống

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/6/2021 | 7:38:03 AM

YênBái - Những vùng quê nghèo khó ngày nào của huyện Yên Bình, nay đã thành những miền quê giàu đẹp, đáng sống. Sự đổi thay ấy, không chỉ ở những thứ hiện hữu, trên những tấm biển ghi nhận mà còn mới về chất, xuất phát từ trong nếp nghĩ đến cách làm của mỗi người dân quê chân chất, sẵn sàng làm chủ thể chung sức xây dựng nông thôn mới.

Phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Bình.
Phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Bình.

Xã Đại Minh - một trong những địa phương cán đích NTM đầu tiên của huyện và nay đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao. Điểm xuyết dọc đường liên thôn dẫn tôi vào thôn Cầu Mơ là những khóm hoa, dải hoa thi nhau khoe sắc. Bốn bề mướt xanh những vườn bưởi đã lúc lỉu quả. 

Chị Trần Thị Nguyên - Trưởng thôn Cầu Mơ không giấu niềm tự hào khi sải bước trên con đường quê sạch đẹp dẫn tôi đi tham quan vòng quanh làng mình: "Được chọn làm điểm XDNTM kiểu mẫu, thôn xác định đây là vinh dự nhưng cũng là trọng trách lớn. Bám sát các tiêu chí, chúng tôi đã tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể để xem xét, lựa chọn việc thực hiện các tiêu chí cho phù hợp. Thôn có thế mạnh về cây bưởi đặc sản, với 50/165 hộ trồng bưởi quy mô lớn nên đã áp dụng xây dựng vườn mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng để đưa vào thực hiện. Từ cây trồng đặc sản của địa phương mà đến nay thu nhập trung bình của người dân từ 100 - 250 triệu đồng/hộ/năm. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện đóng góp tiền, công đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; đồng thời, tự giác, hăng hái tham gia làm đẹp đường làng, ngõ xóm, trồng hoa ven đường, giữ gìn vệ sinh chung”.

Chia tay người dân vùng bưởi, chúng tôi đến xã Mỹ Gia khi người dân ở đây đang tưng bừng khí thế làm đường giao thông nông thôn. Tuyến đường vào thôn Đồng Tâm, người thì đóng cọc, người trải thảm chống lún cùng máy trộn bê tông, ô tô chở cát, sỏi… Mồ hôi ướt đầm, nhưng vẻ mặt ai cũng hân hoan, bởi sau những giọt mồ hôi ấy, con đường bê tông cứng chắc cứ rộng dài. 

Trưởng thôn Đồng Tâm Lý Minh Quân cho hay: "Người dân trong thôn 100% là đồng bào Tày, đời sống còn khó khăn. Song, khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ xi măng để thay thế con đường đất nắng bụi, mưa lầy trơn trượt thì bà con rất phấn khởi, tích cực chung sức bê tông tuyến đường. Con đường được hoàn thành không chỉ giúp người dân trong thôn thuận lợi đi lại, phát triển sản xuất mà còn trực tiếp góp phần hoàn thành tiêu chí về giao thông trong XDNTM trên địa bàn xã”. 

Là 1 trong 5 địa phương được huyện lựa chọn về đích NTM trong năm nay, nên cùng với nhiệm vụ, giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, Ban Chỉ đạo XDNTM xã Mỹ Gia đã họp bàn và đặt ra từng mục tiêu với những kế hoạch cụ thể để đi đến thành công. 

Chủ tịch UBND xã Hà Văn Lĩnh cho biết: "Với tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và huyện, xã cũng huy động các nguồn đóng góp khác, vận động nhân dân xây tường rào, nâng cấp sân vận động, trồng cây xanh xung quanh khuôn viên, xây mới 2 nhà văn hóa tại thôn Đồng Tâm và Phú Mỹ. Đối với tiêu chí nhà ở dân cư, vận động người dân, cán bộ đóng góp, hỗ trợ để làm mới 2 nhà và sửa chữa 5 nhà. Ở tiêu chí môi trường, xã vận động nhân dân thường xuyên quét dọn đường thôn, trồng hoa, cây xanh, vận động mỗi hộ dân đào 2 hố rác thải…”.



Vùng bưởi đặc sản xã Đại Minh, huyện Yên Bình mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân trong xã. (Ảnh: T.L) 

Năm 2021, huyện Yên Bình phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn NTM gồm: Mỹ Gia, Phúc Ninh, Cảm Nhân, Xuân Lai, Bảo Ái. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã trong lộ trình tiến hành rà soát các tiêu chí chưa đạt để có giải pháp khắc phục; xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tiêu chí với phương châm "việc dễ làm trước, việc khó làm sau”.

Trong năm nay, huyện đề ra mục tiêu bê tông hóa 80 km đường giao thông nông thôn, xóa 126 nhà dột nát, xây dựng 23 nhà văn hóa thôn. Đến nay, đã có 40 km đường giao thông nông thôn do "dân bàn, dân thực hiện” đang không ngừng được nối dài; 14 nhà văn hóa thôn tại 7 xã được khởi công xây dựng; xây mới và sửa chữa 56 nhà cho hộ gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn. 

Có được kết quả này, ngoài việc lồng ghép hiệu quả chương trình XDNTM với các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân trong phong trào Yên Bình chung sức XDNTM thông qua đóng góp cho cộng đồng bằng những việc làm cụ thể như hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp công sức, kinh phí, xây dựng thôn, xóm, khu phố sạch, đẹp, văn minh... 

Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp đóng góp vào "Quỹ XDNTM” thông qua việc ủng hộ xi măng, cát sỏi, vật liệu, kinh phí để cùng các địa phương đầu tư nhiều công trình phúc lợi xã hội.

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng trong XDNTM; do đó, huyện đã triển khai XDNTM gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó, ngoài vận động người dân phát triển kinh tế hộ, huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng cây ăn quả có múi 1.100 ha; vùng gạo đặc sản xã Bạch Hà 154 ha; vùng quế 1.000 ha; phát triển thủy sản hồ Thác Bà quy mô lớn với trên 2.000 lồng cá. 

Cùng với đó, huyện xây dựng 3 chuỗi giá trị, 10 sản phẩm được cấp chứng chỉ OCOP đã góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; tích cực tìm kiếm thu hút các đơn vị tiêu thụ, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực trên địa bàn. 

Đặt mục tiêu là huyện về đích NTM năm 2025 nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Yên Bình đã xây dựng chiến lược hành động cụ thể. Trên nền tảng đã tạo dựng được, trong năm 2021, huyện phấn đấu hoàn thành 4/9 tiêu chí huyện NTM; năm 2022, hoàn thành 6/9 tiêu chí; năm 2023, sẽ hoàn thành 8/9 tiêu chí và năm 2025, hoàn thiện các tiêu chí NTM cấp huyện. 

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình chia sẻ, huyện Yên Bình xác định XDNTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đưa nông thôn phát triển bền vững. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, thường xuyên, lâu dài của Đảng bộ huyện. 

Do đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức XDNTM, huyện yêu cầu từng cấp, từng ngành, địa phương luôn nỗ lực phát huy tính năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong cách làm, đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ theo đúng chủ trương; tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của nhân dân và điều kiện cụ thể của địa phương, hướng đến mục tiêu nâng cao hơn nữa về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Đi trên những miền quê của huyện Yên Bình - vùng đất cửa ngõ miền Tây Bắc, tôi cảm nhận được sự chuyển mình rõ nét, sức sống mới đang ùa về, màu của no ấm, hạnh phúc hiện hữu trong mỗi nếp nhà, ngõ xóm. Bằng sự kết hợp hài hòa, khoa học, đồng bộ các giải pháp đã tạo nên những đột phá quan trọng trong lộ trình XDNTM ở Yên Bình. Điều đó, thêm một lần nữa khẳng định, khi "ý Đảng,  lòng dân” hòa quyện đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, để những miền quê luôn vươn tới là những nơi đáng sống.

Thanh Chi

Tags Yên Bình miền quê giàu đẹp đáng sống

Các tin khác
Người dân thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên tham gia bàn bạc khi thực hiện các tiểu dự án.

Với sự tài trợ của tổ chức Đoàn kết Quốc tế (SODI), Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em (DWC) đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai thực hiện “Dự án Quản lý cộng đồng và nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số Tày, Mông nhằm cải thiện điều kiện sống” tại xã khó khăn của huyện Trấn Yên với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng.

Nhân dân xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Hết năm 2020, huyện Văn Chấn có 6/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau khi được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện Trấn Yên tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí bằng việc xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu và đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.

Một buổi họp bản tuyên truyền về xây dựng bản nông thôn mới ở bản Xéo Dì Hồ A - bản phấn đấu đạt nông thôn mới vào năm 2021 của xã Lao Chải.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) không dễ, xây dựng NTM ở huyện nghèo như Mù Cang Chải lại càng khó. Bởi vậy, với phương châm có nhiều bản NTM sẽ có xã NTM, từ cuối năm 2018, huyện Mù Cang Chải đã lựa chọn mỗi xã 2 bản tại 13 xã để xây dựng bản điểm NTM.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục