Sức vươn ở huyện nông thôn mới Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/1/2022 | 6:39:52 AM

YênBái - Những tư duy mới và cách làm mới, đặc biệt là sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, lấy giá trị kinh tế trên mỗi héc - ta đất canh tác làm thước đo, lấy việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu... đã và đang tạo nên sức sống mới ở huyện nông thôn mới Trấn Yên.

Đồng chí Trần Đông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành.
Đồng chí Trần Đông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành.

Những ngày cuối năm, trên quê hương Trấn Yên ngập tràn cờ hoa và đâu đâu cũng bắt gặp những ánh mắt rạng ngời của mỗi người dân đang chuẩn bị đón tết. Họ vui vì phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở huyện NTM đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn nơi đây thay da đổi thịt. Không chỉ hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang, đáp ứng cho phát triển mà còn mới cả trong nếp nghĩ, cách làm từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đi lên sản xuất lớn. 

Bởi vậy, nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Điển hình như từ mấy héc - ta tre măng Bát độ được trồng thử nghiệm ở xã vùng cao Kiên Thành hôm nào, nay đã trở thành cây trồng chủ lực không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn trở thành cây làm giàu, bởi toàn huyện hiện có tới gần 4.000 ha, sản lượng măng hàng năm đạt gần trăm nghìn tấn, mang lại giá trị kinh tế lớn. 

Bên cạnh đó, huyện còn hình thành và phát triển mạnh mẽ nghề trồng dâu, nuôi tằm với diện tích trên 700 ha, sản lượng kén đạt trên ngàn tấn. Người dân các xã vùng sâu, vùng cao từ Tân Đồng đến Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp và cả vùng đất chiến khu Vần đang có một nguồn lực kinh tế vững chắc từ trồng dâu nuôi tằm. 



Sản xuất, chế biến sản phẩm quế theo tiêu chuẩn quốc tế tại Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Ảnh: Thu Hạnh

Cùng đó, Trấn Yên tuy không phải đất quế cả về diện tích và sản lượng, vậy mà, với cách làm, hướng đi riêng của mình, quế nơi đây đã được xuất khẩu rộng khắp thị trường trong nước, quốc tế bằng cách sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Cụ thể, trong 17.000 ha quế, người dân tập trung sản xuất quế sạch, quế hữu cơ được 8.100 ha. Trong đó có 2.203 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vùng cây ăn quả có múi đạt diện tích gần nghìn héc - ta cũng đang là kinh tế mũi nhọn của huyện. 

Để hiểu rõ hơn về sự nỗ lực vươn lên, chúng tôi đã về xã NTM Quy Mông. Không có quá nhiều tiềm năng, lợi thế và chỉ với 1.700 ha đất nông lâm nghiệp; trong đó, có 1.000 ha đất rừng, 260 ha lúa, còn lại là đất soi bãi... Trong những năm qua, xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của địa phương. 

Từ một địa phương chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, nay Quy Mông có trên 100 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi liên kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cung ứng con giống, thức ăn và phòng trừ sâu bệnh... hiệu quả. 

Không dừng lại ở đó, vài năm gần đây, người dân còn tích cực chuyển đổi diện tích sản xuất lúa, hoa màu, vườn kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, trồng cây ăn quả có múi. 

Với thế mạnh là cây đao riềng, xã duy trì và ổn định sản xuất 50 ha, thành lập Hợp tác xã Việt Hải Đăng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm miến đao Quy Mông và 4 cơ sở chế biến bột đao cung cấp cho thị trường. Quy hoạch và phát triển 80 ha cây ăn quả có múi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nguồn thu cả tỷ đồng cho người dân... 

Từ một xã nghèo, kinh tế gần như không có gì, nay đã hình thành và phát triển rõ nét các cây trồng, vật nuôi chủ lực hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Có thể nói, các vùng kinh tế nông lâm nghiệp hàng hóa, sản phẩm chủ lực ở Trấn Yên đều tăng nhanh về khối lượng và giá trị sản phẩm. Giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 110 triệu đồng/ha - một con số không phải nơi nào cũng làm được. 

Bên cạnh đó, Trấn Yên cũng là địa phương dẫn đầu về xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gồm 13 chuỗi như: chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà Minh Dư thương phẩm; chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ Trấn Yên; chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm; chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ Trấn Yên... 

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã có 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Riêng năm 2021, đã có 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, vượt 300% kế hoạch. Những sản phẩm OCOP mang thương hiệu Trấn Yên không chỉ đứng vững trên thị trường mà còn trở thành thương hiệu mạnh như: sản phẩm măng tre Bát độ Hồng Ca, miến đao Quy Mông, chè Bát tiên Hưng Khánh, quýt Hưng Thịnh, nước tinh khiết Việt Hồng, rau cải mơ, rau cải ngọt Y Can, bưởi Diễn Hưng Thịnh, chuối sấy dẻo Việt Thành... 

Trong năm 2021, huyện có 3 sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận là: chè xanh Trấn Yên, bưởi Trấn Yên và vỏ quế khô Trấn Yên. Huyện đã đăng ký đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Voso.vn. Với cách làm và hướng đi đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.505 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch và tăng 8,8% so cùng kỳ. 

Bên cạnh đó, là huyện NTM, ngoài việc duy trì các xã NTM, nhân dân các xã còn đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu, thôn NTM kiểu mẫu. Theo đó, trong năm đã có 5 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, bằng 125%; xã Việt Thành đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; công nhận 32 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Với sự nỗ lực trong phát triển sản xuất, XDNTM đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,3 triệu đồng/người/năm. 

Những tư duy mới và cách làm mới, đặc biệt là sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, lấy giá trị kinh tế trên mỗi héc - ta đất canh tác làm thước đo, lấy việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu... đã và đang tạo nên sức sống mới ở huyện NTM Trấn Yên.

Thanh Phúc

Tags chuỗi giá trị hạnh phúc Trấn Yên nông thôn mới sản xuất nông nghiệp tre măng Bát độ xóa đói giảm nghèo trồng dâu nuôi tằm chiến khu Vần quế hữu cơ OCOP thương mại điện tử VietGAP

Các tin khác
Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Cán bộ, nhân dân thôn 7, xã Mường Lai, huyện Lục Yên tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Tỉnh Yên Bái tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu các tỉnh khu vực trung du miền núi Bắc về xây dựng nông thôn mới (NTM) với 106 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 70,7%; lũy kế toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thành phố Yên Bái được công nhận đô thị loại II trực thuộc tỉnh; 4/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Người dân Yên Bái tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao để nâng cao sức khoẻ và mức hưởng thụ văn hóa, làm cho cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Thời gian qua, mục tiêu phát triển vì hạnh phúc của nhân dân đã được tỉnh Yên Bái hiện thực hóa ở từng bước đi với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp và xuyên suốt. Những tiêu chí về một xã hội hạnh phúc mà ở đó người dân hài lòng với chất lượng cuộc sống, môi trường, nền hành chính… đã được đặt lên hàng đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục